Chuyển cơ quan điều tra vụ nghi chuyển giá, trốn thuế tại Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu

author 13:00 18/10/2020

(VietQ.vn) - Kiểm toán Nhà nước đã chuyển cơ quan điều tra để làm rõ, xử lý theo quy định đối với 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có lô nhôm trị giá 4,3 tỉ USD của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu nhập từ Trung Quốc có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa có báo cáo về công tác kiểm toán năm 2020 gửi Quốc hội để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XIV tới đây.

Theo cơ quan kiểm toán, trong 9 tháng đầu năm 2020, cơ quan này đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán.

Năm vụ việc gồm: (1) Chuyển hồ sơ đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C03) của Bộ Công an về hành vi trốn thuế thu nhập cá nhân của ông Nguyễn Tài - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ kho vận PTL; (2) Hành vi có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu tại Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; (3) Chuyển hồ sơ cho Công an TP Đà Nẵng vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng 2.375m2 đất tại phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, của Doanh nghiệp Đa Phước để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; (4) Gửi hồ sơ cho Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Bình Phước để điều tra hành vi, vi phạm trong quản lý và sử dụng hóa đơn của Công ty TNHH MTV Cao Su Bảo Long; (5) Hành vi, vi phạm trong quản lý và sử dụng hóa đơnCông ty TNHH Thương mại dịch vụ Thành Phước.

Bên cạnh đó, KTNN cũng đã cung cấp 97 bộ tài liệu gồm báo cáo kiểm toán và các tài liệu có liên quan cho các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác kiểm tra, điều tra, giám sát.

Lô nhôm trị giá 4,3 tỉ USD của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu nhập từ Trung Quốc có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế. Ảnh: Dân trí 

Cũng trong nội dung báo cáo gửi Quốc hội của KTNN, cơ quan này cho biết: Trong quá trình kiểm toán các doanh nghiệp, tổng công ty, có một số đơn vị còn nhiều diện tích đất chưa sử dụng, sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp.

Cụ thể như Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) sử dụng 12,02 ha đất nông nghiệp, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp vào mục đích kinh doanh xăng dầu; PVOIL Thái Bình có 5,80 ha đất đang để trống, chưa hoặc không sử dụng; Tổng công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư -CTCP có 23,54 ha đất chưa sử dụng hiệu quả; Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn chưa sử dụng 6,3 ha, bị lấn chiếm, tranh chấp 1,96 ha.

Đáng nói, một số tổng công ty quản lý nợ chưa chặt chẽ, để phát sinh nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn, điển hình nợ khó đòi tại Tổng công ty điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) 214,4 tỷ đồng; Tổng công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư - CTCP 643,3 tỷ đồng; Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn 17,4 tỷ đồng.

Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh chưa bảo toàn được vốn thuộc diện phải giám sát đặc biệt diễn ra ở Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC), như tại Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Ngọc Minh, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Hà Thành UDIC, Công ty cổ phần Đầu tư và Quản lý BĐS UDIC, Công ty cổ phần UDIC Kim Bình, Công ty cổ phần Vật liệu Xây dựng và XNK Hồng Hà, Công ty cổ phần Đầu tư và Bê tông Thịnh Liệt.

Bảo Linh (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang