Chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn: Cơ hội lớn để phát triển nhanh, bền vững

author 07:02 15/01/2021

(VietQ.vn) - Việc chuyển đổi sang KTTH cũng là cơ hội lớn để phát triển nhanh, bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế - xã hội, môi trường mà còn ứng phó biến đổi khí hậu một cách hiệu quả; nâng cao nhận thức của người dân về tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế tiêu dùng các mặt hàng sử dụng một lần không cần thiết.

Như chúng ta đã biết, kinh tế tuần hoàn (KTTH) là mô hình kinh tế chú trọng đến quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín, nhằm tránh tạo ra phế thải và ô nhiễm môi trường. Nếu "kinh tế tuyến tính" chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên, sản xuất, tiêu dùng và thải bỏ ra môi trường dẫn đến việc tạo ra một lượng phế thải lớn, cũng như khai thác tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thì KTTH lại chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo vòng khép kín để tránh tạo ra chất thải. Việc chuyển đổi sang KTTH cũng là cơ hội lớn để phát triển nhanh, bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế - xã hội, môi trường mà còn ứng phó biến đổi khí hậu một cách hiệu quả; nâng cao nhận thức của người dân về tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế tiêu dùng các mặt hàng sử dụng một lần không cần thiết.

KTTH giúp nâng cao nhận thức của người dân về tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế tiêu dùng các mặt hàng sử dụng một lần không cần thiết. Ảnh minh họa.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT)Võ Tuấn Nhân cho biết: Tại Việt Nam, mặc dù chưa có những mô hình KTTH đầy đủ đúng nghĩa, nhưng thực tế đã có một số mô hình gần với KTTH xét theo từng lĩnh vực ngành, nghề, dịch vụ. Ðiển hình trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại các làng nghề truyền thống đã sử dụng phế liệu, phụ phẩm, chất thải từ sản xuất công nghiệp để sản xuất thép tái chế, sản xuất giấy tái chế, sản xuất đồ nhựa, ni-lông, thủy tinh tái chế…

Tuy nhiên, các hoạt động này chủ yếu mang lại lợi ích tài chính cho cơ sở sản xuất và người tiêu dùng, mà chưa tính tới lợi ích kinh tế tổng thể. Ðây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm và suy thoái môi trường tại không ít địa phương hiện nay.

Để từng bước chuyển đổi mô hình kinh tế tuyến tính sang KTTH, Việt Nam đã ban hành các chủ trương, chính sách về chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững; đẩy mạnh quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó BÐKH và tăng cường tái chế, tái sử dụng để tạo điều kiện phát triển mô hình KTTH. Hiện Bộ TN& MT đang triển khai các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng chính sách, lộ trình tiến tới loại bỏ chất thải nhựa sử dụng và túi ni-lông không phân hủy; xây dựng mô hình hướng tới nền KTTH "nói không với rác thải nhựa và ni-lông không phân hủy", đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành TN&MT đối với công tác bảo vệ môi trường…

Thời gian gần đây ở nước ta đã xuất hiện một số mô hình mới tiến tới gần hơn với nền KTTH như mô hình khu công nghiệp sinh thái; mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản; liên minh tái chế bao bì Việt Nam… Mặc dù vậy, các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế về năng lực công nghệ, tái sử dụng.

Người dân và cả doanh nghiệp còn thói quen cố hữu trong sản xuất và tiêu dùng đối với sản phẩm túi ni-lông, sản phẩm nhựa dùng một lần. Trong khi đó, Việt Nam chưa có hành lang pháp lý cho phát triển KTTH, thách thức này cần được khắc phục, nếu không việc thực hiện phát triển KTTH cũng chỉ là mang tính tự phát và chịu sự điều chỉnh của thị trường…

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, nhất là các quốc gia đã và đang thực hiện thành công KTTH, từ đó chuyển giao và áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Tăng cường tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân thực hiện tốt việc phân loại rác tại nguồn và rác sau khi phân loại phải được thu gom, làm sạch và vận chuyển để đưa vào tái chế, nhất là việc phân loại rác tại nguồn phải trở thành yêu cầu bắt buộc, trở thành tiêu chí đánh giá văn hóa đối với mỗi người dân…

Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia(VietQ.vn) - Bộ Tài chính vừa ban hành Kế hoạch hành động của ngành Tài chính thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang