Chuyển đổi số: Doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp những thách thức nào?

author 06:45 13/01/2020

(VietQ.vn) - Theo chuyên gia, mặc dù Việt Nam có nhiều tiềm năng để đẩy mạnh chuyển đổi số nhưng trong quá trình này, không ít các thách thức sẽ xuất hiện với doanh nghiệp.

Việt Nam có tiềm năng lớn về chuyển đổi số

Trong bối cảnh kỷ nguyên 4.0 và kinh tế toàn cầu, vấn đề chuyển đổi số luôn được quan tâm bởi những hiệu quả và lợi ích về kinh tế, xã hội nó mang lại. Trên thế giới, chuyển đổi số đã được nhắc đến như một xu hướng tất yếu. Chính phủ và nhiều doanh nghiệp lớn đã và đang sử dụng công nghệ số để thúc đẩy nâng cao hiệu quả và phát triển tạo ra giá trị mới nhằm tăng cường sự hài lòng của khách hàng cũng như tìm kiếm thị trường mới.

Khảo sát trên 2.000 doanh nghiệp toàn cầu của Công ty tư vấn McKinsey đưa ra cho thấy, đóng góp của chuyển đổi số vào tăng doanh thu lợi nhuận rất đáng kể. Với nỗ lực chuyển đổi toàn diện, một doanh nghiệp có thể tăng doanh số thêm 11,2% và lợi nhuận 7,3%.

Có thể nói, chuyển đổi số mở ra cơ hội mới, để hội tụ nguồn nhân lực, bao gồm cả việc bỏ qua các cơ sở hạ tầng trung gian của thời đại công nghiệp, tận dụng sự lan tỏa của kiến thức rộng lớn từ Internet, tận dụng thị trường mới, được cung cấp bởi nền tảng kỹ thuật số và khai thác khả năng sản xuất được kích hoạt bởi công nghệ số.

Đặc biệt cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cùng với quản trị tốt sẽ tạo điều kiện để vượt qua vấn đề phối hợp hay thiếu thị trường, thường gặp của các doanh nhân ở những nền kinh tế đang phát triển. Cho phép doanh nghiệp rời khỏi địa phương, đi ra toàn cầu phù hợp với xu hướng tự do hóa thị trường và giảm các rào cản thương mại.

Việt Nam có nhiều lợi thế, tiềm năng để có thể tiến hành chuyển đổi số thành công. Ảnh minh họa 

Còn theo nghiên cứu từ năm 2017 của Microsoft tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP năm 2017 là khoảng 6%, năm 2019 được dự đoán là 25% và tới năm 2021 là 60%. Chuyển đổi số cũng làm tăng năng suất lao động 15% trong năm 2017, dự kiến 2020 là 21%; 85% công việc trong khu vực sẽ bị biến đổi trong ba năm tiếp theo. Công ty nghiên cứu McKensey cũng chỉ ra rằng, vào năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, còn ở các nước châu Âu là khoảng 36%.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, kinh tế số đang diễn ra nhanh chóng và có tác động to lớn, sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội của tất cả các quốc gia; thúc đẩy quá trình chuyển đổi toàn diện trên tất cả các mặt của cuộc sống xã hội, từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh, đến cách thức tiêu dùng, cách thức giao tiếp...

Ông Thắng dẫn nghiên cứu của Google và Temasek (Singapore) cho biết, kinh tế số của Việt Nam đạt 3 tỷ USD năm 2015, tăng lên 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Trong khi đó một nghiên cứu khác của Tổ chức Data 61 (Australia) cho thấy, GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm nếu Việt Nam chuyển đổi số thành công.

Nhiều thách thức đang ở phía trước

Chuyển đổi số chính là cơ hội để các doanh nghiệp nói riêng và quốc gia nói chung phát triển nền kinh tế và đẩy mạnh tiến độ, bắt kịp xu hướng thời đại. Tuy nhiên, đây cũng chính là thách thức lớn đối với quốc gia khi hiện nay, các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa nhận thức đúng vai trò của chuyển đổi số trong cuộc cách mạng 4.0.

Theo ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Hội đồng Quản trị CMC, thế giới đang mở ra một thời kỳ mới, kỷ nguyên internet, kỷ nguyên số, kỷ nguyên của nền kinh tế tri thức. Cơ hội rất lớn nhưng thách thức không hề nhỏ. Đáng nói, không có ngoại lệ trong chuyển đổi số vì gần như mọi ngành kinh doanh truyền thống đều sẽ chịu tác động của chuyển đổi số, nếu không thay đổi sẽ rất khó tồn tại và cạnh tranh.

“Đối với doanh nghiệp đang hoạt động khi họ tiến hành chuyển đổi số sẽ phải áp dụng công nghệ mới dẫn đến vấn đề chi phí đầu tư rất lớn. Chi phí đó bao gồm chi phí cho máy móc công nghệ, thay đổi dây chuyền sản xuất, thay đổi hệ thống quản lý, con người, hệ thống đào tạo. Đó là chưa kể đến việc với chuyển đổi số thì yêu cầu về con người là rất lớn”, ông Chính nói.

Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Chính cho rằng khó khăn không đến từ việc thay đổi công nghệ do ngay từ đầu đã xác định sử dụng các công nghệ mới, đổi mới sáng tạo trong quá trình kinh doanh. Khó khăn lớn nhất của họ nằm ở khung pháp lý chưa sẵn sàng. Ngoài ra, khởi nghiệp còn gặp khó trong vấn đề lòng tin và lộ trình thực hiện. Quá trình xây dựng lộ trình không được tốt, không tạo được lòng tin trong quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, ông Chính cũng đưa lưu ý rằng chuyển đổi số sẽ giúp cho các DN có cơ hội tận dụng những thành tựu về khoa học công nghệ, tận dụng công nghệ số để có thể phát triển nhanh hơn, điều này sẽ khác trước rất nhiều.

“Trước đây cơ hội mà doanh nghiệp có thể tiếp cận thị trường, nắm bắt được những thành tựu khoa học công nghệ để tận dụng vào phát triển doanh nghiệp của họ khó khăn hơn rất nhiều. Bây giờ chính công nghệ số và cách tiếp cận của nền kinh tế số, chuyển dịch số sẽ giúp cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận thị trường một cách nhanh chóng hơn”, ông Chính nhấn mạnh.

Ông Lê Nhân Tâm, Giám đốc Công nghệ IBM Việt Nam cho rằng, trong quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn lớn là thiếu vốn. Ảnh: Dân trí 

Liên quan tới vấn đề trên, ông Lê Nhân Tâm, Giám đốc Công nghệ IBM Việt Nam cho hay, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường phát triển và có tốc độ chuyển đổi số nhanh trên thế giơi. Thế nhưng, khảo sát của IBM cho thấy, các doanh nghiệp, tập đoàn tại Việt Nam mới thực hiện được 10-20% trong hành trình chuyển đổi số sang đám mây của họ.

“Hơn 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước rất thuận tiện và dễ dàng trong việc chuyển đổi số do quy mô nhỏ gọn, tổ chức đơn giản. Thế nhưng vấn đề khó khăn là nguồn vốn dù bản thân chủ các doanh nghiệp đều quan tâm đến việc chuyển đổi số để nâng cao hiệu suất kinh doanh”, ông Tâm nói.

Còn ông Hoàng Nguyên Vân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ SAVIS cho biết thêm, hạn chế rào cản chuyển đổi số hiện nay đối với doanh nghiệp còn thể hiện ở sự thiếu kết nối, chia sẻ, tin cậy bền vững. “Nhìn chung rào cản cải cách thủ tục hành chính cơ quan nhà nước còn chậm, thiếu kết nối chia sẻ dữ liệu công khai minh bạch cho doanh nghiệp và người dân”, ông Vân khẳng định.

Với cơ quan nhà nước, ông Vân cho rằng việc chuyển đổi số còn chậm và thiếu đồng bộ, chính sách và hướng dẫn chưa cụ thể rõ ràng. Do đó, rào cản chính là chính sách đầu tư công thuê mua dịch vụ công nghệ thông tin còn chưa cụ thể dẫn đến hạn chế trong việc thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực công.

“Câu chuyện chuyển đổi số không phải một sớm một chiều. Trọng tâm là phát triển Chính phủ số, vấn đề chính sách là yếu tố quan trọng giúp kết nối giữa doanh nghiệp và nhà nước. Hướng tới tổ chức doanh nghiệp không giấy tờ, giải quyết triệt để vấn đề làm việc qua nhiều cửa”, đại diện SAVIS nhấn mạnh.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang