'Chuyển đổi số là một quá trình, không phải đích đến'

author 16:18 21/11/2019

(VietQ.vn) - Đây là nhận định của ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Phát triển Kinh doanh FPT IS khi nói về chuyển đổi số. Ông cũng cho rằng, công nghệ tạo ra nhiều ngành mới, trở thành luật chơi mới mà Việt Nam không thay đổi thì sẽ không thể cạnh tranh.

Thời đại thay đổi cần nhanh nhẹn, mạo hiểm hơn để đi trước

Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Phát triển Kinh doanh FPT IS cho biết, chuyển đổi số là một quá trình, không phải đích đến. Ông dẫn số liệu, 43% nằm ở khám phá chuyển đổi số, 15 % đăng ký vào cuộc chơi, 25% thực sự là digital player, 4% những công ty thay đổi ngành, tạo nên ngành mới. Đối với Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp chưa chuyển đổi số cao gấp 1,5 lần các nước trên thế giới.

Đại diện FPT cho hay, chuyện chuyển đổi số được nhắc đến nhiều, và dài nhưng không mấy ai hiểu. Chuyển đổi số đến từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tốc độ ngày càng nhanh. Mức độ ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 lan rộng không phân biệt quốc gia và lĩnh vực. "Đứng trước sự thay đổi của thời đại, chúng ta phải nhanh nhạy hơn, mạo hiểm hơn để đi trước. Chi phí để mua các sản phẩm như robot, công nghệ phần mềm ngày càng rẻ hơn. Thời gian đào thải của những sản phẩm này cũng nhanh hơn", ông Sơn đúc kết.

 Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Phát triển Kinh doanh FPT IS.

Các quốc gia hiện đang đón nhận và vận động theo cách mạng 4.0. Ông Sơn dẫn chứng từ sự thay đổi ngành công nghiệp của Trung Quốc. Quốc gia này thực hiện chương trình thế kỷ mang tên "Made in China", với mục tiêu đưa công nghệ Trung Quốc ra thế giới. "Như những gì đang diễn ra thì họ đã làm được. Ngoài ra còn nhiều quốc gia khác cũng thực hiện những chính sách tương tự như Đức, Ấn Độ", ông Sơn nói.

Còn tại Việt Nam, ông Sơn tin rằng hoàn cảnh phát triển có nhiều thuận lợi từ sự ủng hộ của Chính phủ đến tinh thần khởi nghiệp trong các doanh nghiệp. Trong đó, công nghệ tạo ra nhiều ngành mới, trở thành luật chơi mới mà các công ty Việt Nam không thay đổi thì sẽ không thể cạnh tranh.

Khi chuyển đổi số, các doanh nghiệp kết nối với nhau trong giá trị mới, tạo ra cơ hội trong nhiều ngành. Hai bên chia sẻ dữ liệu, dịch vụ, khách hàng trên một nền tảng nào đó.

Chuyển đổi số là cách sống còn của doanh nghiệp

Kể câu chuyện về chính doanh nghiệp mình, ông Nguyễn Thanh Đạm, Giám đốc CNTT Trung Nguyên nhấn mạnh thách thức, khó khăn khi chuyển đổi, tích hợp hệ thống trên điện toán đám mây. Tiến trình của doanh nghiệp bắt đầu từ số hoá, tin học hoá, chuyển đổi số, cần sự liên tục đầu tư và tái đầu tư, đi cùng quản lý. Sau 5, 6 năm sử dụng, hệ thống CNTT lớn, bài toàn đặt ra là vấn đề bảo trì, bảo dưỡng hay nâng cấp, thay mới. Sau khi cân nhắc, so sánh về chi phí, Trung Nguyên quyết định chuyển đổi sang điện toán đám mây.

Ông Nguyễn Thanh Đạm, Giám đốc CNTT Trung Nguyên.

Ngoài ra, doanh nghiệp của ông Đạm cũng gặp phải vấn đề đó là việc tích hợp hệ thống. "Trung Nguyên là công ty tiêu dùng nhanh có nhiều hệ thống, từ sản xuất, phân phối, bán lẻ... mỗi hệ thống chuyển lên một đám mây khác nhau gặp nhiều khó khăn", ông Đạm nói.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, bà Kiều Ngọc Phương, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thương Mại Cơ khí Tân Thanh có cái nhìn về chuyển đổi số dựa trên chính những trải nghiệm của mình tại công ty gia đình.

Khi trở về Việt Nam, bà Phương nhận thấy quy trình vận hành của Tân Thanh quá chậm chạp và thiếu chính xác. "Báo cáo kinh doanh rất quan trọng nhưng lại tập hợp vào cuối tháng khi mọi vấn đề được quyết định xong rồi. Con số trên giấy tờ không có ý nghĩa và không thể thay đổi", bà Phương nói.

Từ những kinh nghiệm học tập và làm việc ở một số doanh nghiệp nước ngoài khiến bà Phương hiểu rằng chuyển đổi số là cách sống còn. Do đó, sau 4 năm thuyết phục gia đình, nghiên cứu, năm 2017, Tân Thanh đã quyết định đầu tư chuyển đổi số.

Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang