Chuyển đổi số nhằm nâng cao năng suất, doanh nghiệp cần đi theo hướng nào?

author 19:33 15/10/2020

(VietQ.vn) - Theo chuyên gia, ngoài việc doanh nghiệp chủ động thực hiện các hoạt động đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, Nhà nước cũng cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, tăng năng suất lao động.

Lợi ích từ quá trình chuyển đổi số

Theo ông Nguyễn Kim Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Kim Nam, chuyển đổi số (Digital transformation) là việc ứng dụng công nghệ và kỹ thuật số vào các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, việc này sẽ làm thay đổi toàn diện (transformation) cách thức mà một doanh nghiệp hoạt động, tăng hiệu quả, tối ưu hóa hiệu suất làm việc và mang lại giá trị cho khách hàng.

Đối với doanh nghiệp, chuyển đổi số mở ra những mô hình kinh doanh mới, tạo ra giá trị mới, giúp GDP Việt Nam tăng tới 1,1%/năm. Chuyển đổi số giúp kết nối, thu ngắn khoảng cách của các bộ phận trong doanh nghiệp; thúc đẩy hiệu quả trong quản trị doanh nghiệp; nâng cao năng suất lao động quốc gia; nâng cao chất lượng sản phẩm; nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm quốc nội.

Về tình hình và cơ hội phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số, theo báo cáo của Google, Tamesek và Bain & Company (2019), kinh tế số của Việt Nam và Indonesia tăng trưởng dẫn đầu khu vực Đông Nam Á (khoảng 38%) và có thể đạt mục tiêu 43 tỷ USD vào năm 2025. Chuyển đổi số của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có thể đóng góp từ 24 tỷ đến 30 tỷ USD vào GDP Việt Nam góp phần phục hồi kinh tế hậu COVID-19.

“Do ảnh hưởng của Covid19 đã gia tăng mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số. Hàng chục ngàn trường học đã sử dụng những phần mềm học trực tuyến giúp trẻ em vẫn có thể học tập mà không phải đến trường. Mô hình Đại học điện tử cũng phát huy tối đa hiệu quả khi các dữ liệu được liên thông. Chuyển đổi số mở ra những mô hình kinh doanh mới cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, đẩy mạnh số hóa hệ thống hành chính công”, ông Nguyễn Kim Hùng cho hay.

Những khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Chủ tịch Tập đoàn Kim Nam cho rằng, quá trình phát triển KH&CN của doanh nghiệp Việt Nam hiện còn gặp một số khó khăn. Cụ thể, mức đầu tư bình quân cho nghiên cứu KH&CN của một tập đoàn lớn của Nhà nước khá thấp. Khu vực kinh tế tư nhân hầu như chưa tham gia vào hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D). Thường đổi mới công nghệ một cách thụ động do nhu cầu phát sinh trong SXKD, không có kế hoạch dài hạn, phương thức được sử dụng nhiều nhất là nguồn công nghệ nhập khẩu.

Theo khảo sát của GTZ và VCCI, doanh nghiệp khu vực tư nhân chỉ dành ít hơn 0,1% doanh thu cho hoạt động nghiên cứu, triển khai, phát triển công nghệ.

Đối với bộ phận doanh nghiệp nhỏ và vừa, Việt Nam có 72% doanh nghiệp nhỏ và vừa đang tìm cách chuyển đổi số để đưa sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường, tăng so với mức 32% của năm 2019, tập trung vào nâng cấp phần cứng công nghệ thông tin, công nghệ đám mây và an ninh mạng. Theo số liệu từ Enterprise cho biết có 76% doanh nghiệp Việt Nam chưa bắt đầu chuyển đổi số, gấp 1,5 lần so với thế giới.

Tuy nhiên, trong quá trình này, doanh nghiệp Việt Nam thường gặp khó khăn về vốn và nguồn lực. Bởi theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, Việt Nam có hơn 98,1% doanh nghiệp nhỏ và vừa và 99% doanh nghiệp này đang gặp khó khăn về vốn. Chính vì thiếu vốn, nên các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ ưu tiên đầu tư vào các hình thức tăng trưởng ngắn hạn thay vì đầu tư cho KH&CN. Do đó, Nhà nước cần hỗ trợ chính sách để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn đầu tư đổi mới KH&CN và chuyển đổi số.

“Đại dịch Covid-19 đang diễn ra để lại hậu quả nặng nề đối với nền kinh tế, doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng không có doanh thu để tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh và giữ chân người lao động. Tuy Nhà nước đã tung ra gói 62.000 tỷ để hỗ trợ nhưng chưa thực sự hiệu quả với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nguồn vốn chưa tới được với doanh nghiệp do những thủ tục chính sách còn bất cập, chưa hợp lý”, ông Nguyễn Kim Hùng nêu khó khăn của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Kim Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kim Nam. Ảnh: Báo đầu tư 

Cũng theo ông Hùng, khó khăn thứ hai là về trình độ lao động. Theo số liệu thống kê, có tới 55,63% số chủ doanh nghiệp có trình độ học vấn từ trung cấp trở xuống, trong đó 43,3% chủ doanh nghiệp có trình độ học vấn từ sơ cấp và phổ thông các cấp. Về lực lượng lao động, có tới 75% lực lượng lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa qua đào tạo chuyên môn. Do đó, cần phải có các Chương trình hỗ trợ đào tạo đội ngũ lao động đặc biệt lao đông trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa các kĩ năng cần thiết vận hành khi doanh nghiệp áp dụng KH&CN và chuyển đổi số.

Giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số

Ông Nguyễn Kim Hùng cho rằng, thời gian tới, điều đầu tiên cần làm là tăng cường hoạt động quản trị hệ thống đổi mới sáng tạo. Trong đó, Chính phủ đóng vai trò dẫn dắt, tạo cơ chế, môi trường thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số của toàn xã hội làm xuất hiện xã hội số; ban hành các đường hướng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức phát triển đầu tư khoa học kĩ thuật vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Bộ KH&CN sẽ đóng vai trò đề xuất, điều tiết và phát triển các lĩnh vực chuyển đổi số trọng điểm.

Thứ hai, hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hàng năm, Quốc hội Việt Nam phân bổ khoảng 2% tổng chi ngân sách (tương đương khoảng 0,5% GDP) cho KH&CN, nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và áp dụng thành tựu KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. So với nhiều nước trên thế giới, nguồn chi cho KH&CN ở Việt Nam về con số tuyệt đối là rất thấp.

Việc huy động các nguồn vốn đầu tư cho KH&CN cần được chú trọng. Trong điều kiện doanh nghiệp nhỏ và vừa còn có nguồn lực hạn chế thì Quỹ phát triển KH&CN do nhà nước điều tiết hướng dẫn là một nguồn quan trọng để phát triển KH&CN nước nhà.

Thứ ba, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực. Xây dựng nền giáo dục của nền kinh tế số và xã hội số, gắn chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo với chiến lược phát triển nguồn nhân lực và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trên cả hai phương diện vĩ mô và vi mô.

Nâng cao nhận thức toàn xã hội về nền kinh tế số. Hệ thống cơ quan báo chí, truyền thông cần thông tin thường xuyên, đầy đủ về nền kinh tế số tới doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội, từ đó hình thành tâm thế chủ động thích ứng xu hướng phát triển này; Xây dựng chương trình truyền thông và giáo dục sâu rộng về internet để nâng cao nhận thức và kỹ năng của người dùng. Các chương trình giáo dục cần rà soát để cập nhật và giáo dục cho trẻ em về internet ngay từ trong các cấp học phổ thông.

Thứ tư hỗ trợ liên kết hợp tác nghiên cứu. Đẩy mạnh hợp tác phát triển giữa các viện nghiên cứu và các doanh nghiệp trọng điểm; Xây dựng hệ thống hợp tác giữa các viện nghiên cứu công, trường đại học và các doanh nghiệp tư nhân để đẩy mạnh và phát triển các ứng dụng tạo lập nền tảng chuyển đổi số; Đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh; Đổi mới hoạt động quản lý khoa học và công nghệ theo hướng dỡ bỏ các rào cản, giải phóng tối đa tiềm năng sáng tạo.

“Chúng tôi sẽ đồng hành cùng Bộ KH&CN thực hiện các Chương trình hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc thực hiện chuyển đổi số, chương trình đào tạo kĩ năng số cho các lao động, chương trình đào tạo, huấn luyện, tư vấn chuyển đổi số cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc triển khai các giải pháp chuyển đổi số”, Chủ tịch Kim Nam cho hay.

Hán Hiển

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang