Chuyện gạo Việt chinh phục người tiêu dùng châu Âu

author 06:53 16/09/2020

(VietQ.vn) - Theo nhận định từ giới chuyên gia, việc miễn giảm thuế là thuận lợi lớn cho hạt gạo Việt Nam trên thị trường châu Âu. Thế nhưng, gạo Việt có chinh phục được khách hàng châu Âu hay không lại là câu chuyện khác…

Sau hơn 1 tháng Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực, mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào thị trường EU, trong đó gạo là một trong số những mặt hàng điển hình. Bên cạnh đó, Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã công bố quản lý về hạn ngạch nhập khẩu gạo của Việt Nam theo thỏa thuận của Hiệp định EVFTA. Cụ thể, EC đưa ra quy định riêng và với hạn mức hằng năm là 80.000 tấn, trong đó có 20.000 tấn gạo đã chà xát, 30.000 tấn gạo đã xay và 30.000 tấn gạo thơm (Hoa nhài 85, ST 5, ST 20, Nàng Hoa 9, VD 20, RVT, OM 4900, OM 5451, Tài nguyên Chợ Đào). Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm.

Theo nhận định từ giới chuyên gia, việc miễn giảm thuế là thuận lợi lớn cho hạt gạo Việt Nam trên thị trường châu Âu. Thế nhưng, gạo Việt có chinh phục được khách hàng châu Âu hay không lại là câu chuyện khác.

Chất lượng gạo Việt phải ổn định, đều từ đầu năm đến cuối năm, đấy là điều vô cùng quan trọng. Ảnh minh họa.

Cụ thể, đối với một chiến dịch quảng bá thương hiệu ở nước ngoài rất tốn kém. Giới thiệu một loại gạo mới lạ mà khách hàng chưa hề biết phải trải qua nhiều công đoạn như: mời ăn thử, phát tờ rơi… là một khoản đầu tư lớn. Gạo Việt Nam có tham vọng “đem chuông đi đánh xứ người” thì chất lượng phải đạt chuẩn, cộng thêm việc EVFTA có hiệu lực khiến giá bán càng thêm hấp dẫn. Thế nhưng, ngon và rẻ vẫn chưa đủ để tạo dựng thương hiệu.

Bà Phạm Bích Thủy, Chủ cửa hàng Le Panier Asiatique (Bỉ) cho biết: “Chất lượng gạo Việt Nam không thua kém gì so với gạo Thái Lan. Nhưng vấn đề quan trọng nhất của gạo Việt Nam là phải đảm bảo tiến độ đều đặn, nguồn cung đều đặn. Khi khách hàng không tìm thấy được mặt hàng quen thuộc họ vẫn mua thì buộc họ phải đi tìm một loại gạo khác, nghĩa là chúng ta mất đi một lượng khách hàng ổn định”.

Công ty Xuất nhập khẩu Thanh Bình Jeune (Pháp) là công ty có kho lớn tại Pháp, chuyên nhập khẩu nông sản châu Á, chủ yếu là nông sản Việt Nam, duy trì nguồn cung liên tục cho các cửa hàng bán lẻ. Tuy nhiên có kho lớn cũng không giải quyết được vấn đề chất lượng gạo không ổn định.

Theo ông Ngô Minh Đường, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Thanh Bình Jeune: “Khách hàng cho biết gạo Việt Nam chất lượng chưa được đều, nghĩa là có lúc nhận được lô hàng đẹp, có lúc nhận được lô xấu, và chuyện đó khó có thể chấp nhận được. Vì vậy chất lượng gạo Việt phải ổn định, đều từ đầu năm đến cuối năm, đấy là điều quan trọng nhất”.

Cùng với đó, giá bán của gạo Việt Nam cũng cần phải ổn định, không được lên xuống thất thường kiểu “nay cao, mai thấp” nếu như muốn gây dựng thương hiệu tại một thị trường khắt khe về tiêu chuẩn như EU.

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, kể từ 1/8, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng 80-200 USD/tấn tùy loại so với trước đó. Ước tính trị giá xuất khẩu gạo tháng 8 của Việt Nam vào EU đạt hơn 1,2 triệu USD, tăng 93,5% so với tháng 7 và tăng 35,6% so với cùng kỳ năm trước.

Giá gạo Việt đạt đỉnh sau 9 năm(VietQ.vn) - Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), 8 tháng đầu năm 2020, tổng khối lượng và trị giá xuất khẩu gạo đạt 4,5 triệu tấn và 2,2 tỷ USD, giảm 1,7% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang