Chuyên gia lý giải tiền Việt Nam mất giá 'khủng' từ năm 2007 tới nay

author 06:11 11/07/2014

(VietQ.vn) - Đồng tiền mất giá nhiều hay ít phụ thuộc vào tình hình lạm phát.

Mới đây, Một biểu đồ so sánh diễn biến tỷ giá với USD của tiền đồng và các nước lân cận cho thấy VND của Việt Nam và Ruliah của Indonesia là 2 đồng tiền mất giá nhiều nhất kể từ năm 2007.

Cụ thể, so với USD, tiền đồng Việt Nam đã giảm khoảng 25%. Trong khi đó tiền của Thailand, Philippines và Malaysia "vượt qua USD" khoảng 10%…

Chất lượng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long xung quanh câu chuyện đồng tiền mất giá.

Đồng tiền Việt Nam mất giá từ 2007 tới nay

Ông nhận định sao về biểu đồ so sánh tỷ giá của tiền đồng Việt Nam với USD. Nói tiền đồng mất giá nhiều nhất  so với các nước trong khu vực liệu có đúng không ?

Giá trị đồng tiền thể hiện sức mua đối nội (giá cả hàng hóa trong nước)  và sức mua đối ngoại (tỷ giá). Hiện nay trong khu vực, Việt Nam và Indonesia đang có mức lạm phát cao nhất, cũng  có nghĩa sức mua đồng tiền giảm, vậy sức mua đối nội và đối ngoại cũng giảm. Thậm chí, mức lạm phát của Việt Nam còn cao hơn cả Lào, Campuchia.

Mặt khác, tỷ giá giữa tiền đồng với tờ đô la Mỹ trong những năm gần đây biến động ít do tình hình sản xuất trong nước khó khăn, nhập khẩu giảm. Một khi mức lạm phát vẫn còn lớn, tính tỷ giá so với đồng ngoại tệ thì tiền đồng Việt Nam  mất giá là điều hiển nhiên .

Vậy với giá trị tiền đồng như hiện nay, hoạt động thương mại của Việt Nam sẽ gặp những ảnh hưởng  như thế nào?

Về nguyên tắc, khi tỷ giá thấp thì vẫn giữ được giá đồng tiền, nhưng nếu giữ lâu quá sẽ  không phản ánh đúng giá trị thực của đồng tiền,  gây ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu. Chính vì thế, vừa qua  Ngân hàng Nhà nước đã quyết định tăng điều chỉnh tý giá lên 1%.

Tuy nhiên ngược lại nếu phá giá, tăng giá trị đồng tiền, nhất là trong tình hình nợ công lớn như hiện nay nếu phá giá đồng tiền thì tỷ lệ nợ chắc chắn sẽ tăng lên. Hơn nữa nhiều nước cũng đã từng rơi vào tình cảnh phá giá quá nhiều khiến cho đồng tiền mất giá tạo hiện tượng nguy hiểm cho hoạt động nhập khẩu.

Chính vì vậy mỗi lần tỷ giá được điều chỉnh thì đều đem lại tác động từ 2 chiều, được cái nọ thì mất cai kia. Quan trọng tùy từng thời điểm, bối cảnh của nền kinh tế, nhà quản lý chính sách sẽ dựa trên cơ sở ưu tiên cho mục tiêu kiềm chế lạm phát hay tăng trưởng để đưa ra mức tỷ giá phù hợp. Cụ thể, tình hình Việt Nam hiện nay, giữa kìm chế lạm phát và tăng trưởng kinh tế thì chúng ta đang ưu tiên kìm chế lạm phát phải là số 1.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê 6 tháng đầu năm cho thấy, tình hình lạm phát đã được kìm chế, nền kinh tế đã phục hồi và thoát khỏi đáy. Ông nhận định như thế nào về đánh giá trên?

Trong tình hình khó khăn, để yên lòng dân,  các cơ quan chức năng vẫn đưa ra cái nhìn lạc quan nhất, chỉ cần nền kinh tế có dấu hiệu nhích lên 1 chút đã có thể cho là phục hồi. Tới nay vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại trong nền kinh tế mà chúng ta chưa giải quyết được. Ví như nợ xấu nói là đã có giải pháp song thực chất vẫn chỉ gom về một chỗ;  hàng tồn cũng  vẫn còn lượng lớn,  đặc biệt tồn kho bất động sản, tuy vừa rồi  có dấu hiệu nhích lên nhưng cũng chỉ là ảo…

Điều  quan trọng  cần phải phản ánh đúng thực trạng tăng trưởng có chất lượng  hay không ? Nói kiểm soát lạm phát nhưng là do chúng ta dùng chính sách thắt chặt tiền tệ tài chính, chứ không phải do năng suất, hiệu quả của tăng trưởng. Biểu hiện rõ nhất hiện nay tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn ở dưới mức tiềm năng.

Để kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, chú trọng 3 trụ cột cơ bản bao gồm:  giảm thất nghiệp, kìm chế lạm phát, tỷ giá hối đoái ổn định… Tuy nhiên, như đã nói ở trên, trong bối cảnh lạm phát vẫn còn cao thì kìm chế lạm phát vẫn phải được coi trọng hơn. Tất nhiên  hoạt động này kéo dài sẽ  có những tác dụng phụ: tăng trưởng dưới tiềm năng dẫn tới khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh khiến thu nhập giảm, sức mua thấp, đầu ra không có…cứ như thế tạo thành vòng luẩn quẩn nếu  kéo dài gây ra khủng hoảng kinh tế.

Chính vì vậy trước hành động tập trung kiểm soát lạm phát của Chính phủ, nhiều đại biểu Quốc hội thẳng thắn nhận định: Nếu kiểm soát được lạm phát nhưng để tăng trưởng dưới mức tiềm năng thì kết quả cũng là vô nghĩa.

Vậy theo ông để thoát khỏi vòng luẩn quẩn này thì phải làm như thế nào?

Kiểm soát lạm phát đồng thời cũng phải kích thích sản xuất. Tuy nhiên cũng phải tính tới hiệu quả năng suất chất lượng tăng trưởng. Đây chính là gốc của vấn đề.Nếu anh làm 10 mà vốn phải bỏ ra 10 thì cũng vô nghĩa, trong khi chỉ làm ra 3 nhưng với số vốn bỏ ra 1,5 cùng là có hiệu quả hơn rồi. Điều này ai cũng biết nhưng nói có đi đôi với làm hay không lại là vấn đề…  Hoạt động tái cơ cấu kinh tế thay đổi mô hình tăng trưởng cũng chính nhằm nâng cao năng suất hiệu quả.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Vũ (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang