Chuyên gia cảnh báo những rủi ro rình rập với kinh tế Việt Nam

author 14:23 20/07/2018

(VietQ.vn) - Theo nhận định của chuyên gia, kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2018 có nhiều khởi sắc nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

6 tháng đầu năm, GDP đạt 7,08%

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), kinh tế Việt Nam bước vào quý II với nhiều dấu hiệu lạc quan và tích cực. Những chuyển biến về cải thiện môi trường kinh doanh, tái cơ cấu kinh tế song song với ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô trong những quý trước ít nhiều đã củng cố niềm tin của thị trường.

Tăng trưởng kinh tế đạt 7,08% trong 6 tháng đầu năm, mức cao nhất trong 6 tháng đầu năm kể từ 2011. Kết quả này giúp giảm áp lực điều hành trong 6 tháng cuối năm nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm. Kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn mở rộng trong chu kỳ tăng trưởng. GDP thực tế vẫn cao hơn so với xu thế.

Ông Nguyễn Anh Dương cho rằng kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm đã có những dấu hiệu tích cực. 

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản phục hồi rõ rệt, tăng 3,99% trong quý II/2018 và 3,93% trong 6 tháng đầu năm 2018; tuy còn thách thức liên quan đến EU vẫn giữ thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam và Trung Quốc có khả năng tăng yêu cầu chất lượng đối với hàng nông sản Việt Nam.

Tăng trưởng của khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 8,46%, với điểm sáng là tăng trưởng cao của công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm sự phụ thuộc vào khu vực khai khoáng. Tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt 7,3% - mức cao nhất trong cùng thời kỳ kể từ 2010.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản vẫn ổn định ở mức thấp, trung bình tăng 1,35% trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Diễn biến lạm phát trong 6 tháng đầu năm ít chịu áp lực từ các yếu tố tiền tệ hay tổng cầu.

Áp lực lạm phát trong những tháng cuối năm vẫn rất đáng lưu tâm. Yêu cầu xử lý áp lực lạm phát hiện nay cũng tương đối giống năm 2008 (dù khác mức độ) do còn rủi ro suy giảm kinh tế dưới tác động của các yếu tố bên ngoài.

Những rủi ro rình rập

Về triển vọng, ông Dương nêu dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể đạt mức 6,71%. Tăng trưởng xuất khẩu cả năm dự báo ở mức 12,11%. Thặng dư thương mại dự báo ở mức 1,2 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2018 đạt 3,93%.

Tuy vậy, kết quả kinh tế - xã hội trong quý IV/2017 và quý I/2018 còn nhận được một vài ý kiến nghi ngại, đặc biệt là về chất lượng tăng trưởng và áp lực lạm phát. Rủi ro suy giảm kinh tế cũng được đề cập nhiều hơn, chủ yếu do lo ngại về diễn biến chu kỳ tăng trưởng và diễn biến khó lường của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc.

“So với những lần khủng hoảng trước, Việt Nam hiện đã có thêm kinh nghiệm và bình tĩnh hơn để ứng phó với tác động bất lợi từ những diễn biến kinh tế thế giới. Tuy nhiên, không ít băn khoăn vẫn hiện hữu, về mức độ chuyển biến về chất lượng tăng trưởng còn chưa thực sự rõ nét; áp lực lạm phát còn hiện hữu; khả năng duy trì đà cải cách kinh tế vi mô nói chung và cải cách môi trường kinh doanh nói riêng là một dấu hỏi lớn” ông Dương bày tỏ lo ngại.

Do đó, cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động.

Ông Dương đề nghị, nên thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ngoài ra cần xây dựng "cơ sở dữ liệu lớn", hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và áp dụng kinh tế số để vận hành chức năng đại diện chủ sở hữu; làm rõ cơ chế giám sát đối với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; tập trung quyền sở hữu gắn với nâng cao trách nhiệm giải trình; áp dụng cách thức và công cụ giám sát theo thông lệ tốt về quản trị doanh nghiệp nhà nước.

TS Nguyễn Đình Cung cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung không ảnh hưởng quá nhiều tới Việt Nam. 

Liên quan tới những lo ngại về việc hàng hóa của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến giữa thương mại Mỹ-Trung, TS Nguyễn Đình Cung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, trong cuộc chiến giữa hai cường quốc, Việt Nam không bị chịu tác động hay tổn thất quá lớn nào như những sự thổi phồng trong dư luận.

“Hãy nghĩ rằng chúng ta có lợi trong chiến lược và địa chính trị, không quá thổi phồng và gây tâm lý hoang mang với các nhà đầu tư”, ông Cung cho hay.

Cũng theo vị này, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể khiến tăng trưởng, tổng cầu kinh tế thế giới giảm. Tuy nhiên xuất khẩu của Việt Nam không phải những mặt hàng nhạy cảm về cầu.  

Điều mà Việt Nam cần chú ý là hiện Mỹ có xuất khẩu sang Việt Nam một số mặt hàng như đậu tương, ngô, nông sản. Việc này có thể khiến giảm thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam. Hàng hóa này có thể vào Việt Nam và cạnh tranh với nông sản Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp tạm nhập tái xuất nông sản Mỹ vào Việt Nam rồi sang Trung Quốc. Theo TS Cung, Việt Nam cần cẩn thận vì Trung Quốc có thể kiểm tra toàn bộ hàng nông sản của Việt Nam khiến ta gặp khó.

Bảo Lâm

Kinh tế Việt Nam có bị 'ám ảnh' chu kỳ khủng hoảng 10 năm?“Việt Nam đã trải qua mấy đợt khủng hoảng, với kinh nghiệm hội nhập lớn của Việt Nam, chúng tôi tin Việt Nam có giải pháp hạn chế ảnh hưởng suy giảm kinh tế toàn cầu”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang