Chuyện gia đình của một người anh hùng

author 15:36 28/06/2014

(VietQ.vn) – Nhân ngày gia đình Việt Nam, chúng tôi xin giới thiệu một gia đình anh hùng, một doanh nhân thành đạt – gia đình Đại tá Nguyễn Đăng Giáp.

Khi đại tá Nguyễn Đăng Giáp được phong anh hùng,  nhiều tờ báo viết bài ca ngợi. Ông trở nên nổi tiếng với những điều mà báo chí gọi là “ kỳ tích” không chỉ trong chiến đấu, mà ngay cả trong thời bình. Tôi đến chúc mừng, và bảo “Chắc ông sinh ra trong một gia đình thế nào  mới có được như ngày  hôm nay chứ?”.

 Bây giờ, mỗi lần gặp nhau, ông đều nhắc lại câu nói đó. Ông bảo tôi “ Em luôn nhớ câu nói của anh, truyền thống gia đinh là quan trọng lắm.”.

Đại tá Nguyễn Đăng Giáp quê ở Ngệ An, một vùng đất nghèo  hiếu học, nhưng gốc tích lại là người làng tranh Đông Hồ nổi tiếng của miền Kinh Bắc.

Cố nội ông là Nguyễn Đăng Lương, bạn đồng môn với cụ Nguyễn Sinh Sắc thân phụ của Bác Hồ.

Đời cố, đời ông nội đại tá Nguyễn Đăng Giáp đều học hành đỗ đạt, đều thấm nhuần câu nói của cụ Phan Bội Châu “Tìm người dạy chữ thì dễ, tìm người dạy làm người mới khó”.

Gia đình đại tá Nguyễn Đăng Giáp

Nguyễn Đăng Giáp sinh ra trong một gia đình có tám anh em trai, cả tám người đều đi bộ đội, có một người là liệt sỹ trong chiến tranh chống Mỹ.

Trong chiến tranh, nhiều năm ông là lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn khói lửa.

Vốn bản tính bộc trực, ngang tàng, ông tự ví mình như những người lính trong “ Tiểu đội xe không kính” của Phạm tiến Duật :

“ Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi

Ung dung buồng lái ta ngồi

Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng …”.

Hình như cả đời ông chỉ có nhìn thẳng. Và điều đầu tiên ông dạy các con mình là dạy làm người đứng thẳng!

“Coi thường danh lợi, ngửng đầu mà đi” ; “ Làm cây thông đứng bao điều nghĩ suy …” Ông dạy con bằng thơ, những câu thơ  ông làm  như vậy “ Con đừng quên, làm quan khi hết vận ; thì độc mã, đơn thương trở về …”. Ông dạy cho con cái lẽ đời, dạy cho con đạo làm người …Ông coi các con như những người bạn …

Vợ ông, bà Lê Thị Thu Lan theo như ông nói lại khác : “Rất nghiêm khắc với các con, lơ tơ mơ với bà ấy là không được đâu”! 

Đại tá Nguyễn Đăng Giáp có bốn người con gái.

Nguyễn Thị Lệ Bình cô con gái đầu đã tốt nghiệp thạc sỹ ở Anh giờ về làm việc cho một công ty ở Xinhgapo.

Nguyễn Thị Thu An cũng tốt nghiệp thạc sỹ ở Anh quốc.

Nguyễn Thị Thu Hà tốt nghiệp đại học ngoại thương.

Chuyện cô con gái út Nguyễn Thị Lan Thành làm “ Đau đầu” bố mẹ khi vợ ông muốn con mình theo ngành ngoại giao.

Đại tá Nguyễn Đăng Giáp cũng như vợ ông biết con mình có năng khiểu đối ngoại,  nên muốn con mình thi vào đó.

Vì thương và không muốn bố mẹ buồn nên cô con gái út chuẩn bị giấy tờ, hồ sơ …nộp thi vào học viện ngoại giao.

Đến ngày thi, Lan Thành loay hoay tìm xe máy, rồi kêu mất chìa khóa xe … nên đến phòng thi quá muộn. Thế là bỏ cả kỳ thi.

Sau này chính cô con gái út Nguyễn Thị Lan Thành thú nhận với bố mẹ là không muốn thi vào ngành ngoại giao.

“Cháu một mình một ba lô tự tìm đường sang Anh du học. Tôi chỉ chu cấp cho cháu một ít tiền, còn thì cháu tự đi làm thêm.  Từ nhỏ tôi đã dạy các con phải tự lực cánh sinh, tự bươn chải lấy …Tôi tự chiêm nghiệm từ bản thân mình : trường đời chính là trường học lớn nhất. Tôi dạy con sống làm người ngay thẳng, không luồn cúi, không nhờ vả, không xin xỏ một ai. Tôi luôn nhắc các cháu tấm gương của ông cha mình, tổ tiên mình để sống sao cho không hổ thẹn với tiền nhân. Tôi thường kể cho các con mình nghe những câu chuyện về nhân quả, làm điều thiện thì gặp điều thiện, làm điều ác thì gặp cái ác, nhân tốt ắt có quả lành. Không ai biết trước điều gì có thể xẩy ra với mình nên phải “ dĩ bất biến, ứng vạn biến” như người xưa dạy. Tôi sinh ra và lớn lên ở Nghệ An một vùng đất nghèo, thủa nhỏ đã phải bươm chải nên rất thấm câu nói mà ở quê tôi gần như ai cũng biết “ Cha lươn không đào lổ cho lươn ở”.

Khi tôi hỏi ông rằng, có phải một dạo người ta đã thuê  người của “ xã hội đen” để theo dỗi, cố ý làm hại ông có đúng không?. Chuyện như vậy các con ông có biết và có lo sợ không?

Ông bảo  “Đúng đấy, rồi chính một trong những người được thuê theo dõi tôi  hối hận, đã khai báo với cơ quan chức năng, giờ bút tích vẫn còn đây …Khi mình làm được một cái gì đó mà người ta không làm được là nẩy thói kèn cựa, gen ăn ghét ở.Tôi gét cay gét đắng cái trò đó. Tôi cũng luôn nhắc nhở các con mình rằng cứ sống ngay thẳng, mình không làm điều xấu thì không sợ gì cả”

 Là một người lính trưởng thành trong khói lửa của cuộc chiến tranh nhưng đến thời bình ông mới được phong anh hùng, anh hùng lao động.

Ông nói tính tôi ngang tàng lắm.  Tôi nhập ngũ tháng 1-1972 nhưng đến năm 2000 tôi mới được kết nạp đảng. Khi xí nghiệp 36 nợ nần hàng chục tỷ, sắp giải thể, tôi đẫ tự nguyện xin về làm giám đốc. Có người bảo tôi là “ đồ điên”. Tính tôi nó thế mà”.

Bây giờ tổng công ty 36 không những trả hết nợ nần, mà tài sản đã tăng lên mấy ngàn tỷ, đã trở thành một đơn vị anh hùng, nhiều người mong được vào làm ở đây nhưng các con ông lại không muốn ỷ vào thế của bố, không vào làm ở tổng công ty 36.

“ Các con tôi tự tìm đường riêng, ra nước ngoài làm việc hay tự thành lập công ty.

Tôi để cho các cháu tự lựa chọn lấy nghề nghiệp và cuộc sống theo ý chúng. Tương lại của chúng là do chúng định đoạt.

Cha lươn không đào lỗ cho lươn ở mà”!

Ông nhắc lại câu nói rất Nghệ này, một câu nói trong dân gian mà rất thấm thía. Một bài học dạy con, một triết lý nhân sinh giản đơn mà sâu xa, một bài học về tính tự lực, tự cường không phải chỉ gói gọn trong một gia đình, một miền quê.

Bây giờ không ít người bằng mọi giá kể cả việc bòn rút công quỹ, vun vén cho gia đình mình,  mua xe, mua nhà để lại của cải cho con, cho cháu … làm cho chúng trở nên lười biếng, ỷ lại không chịu cố gắng, vươn lên.

Bài học dạy con của một người anh hùng không lạ mà xem ra cũng lạ!

                              Nhà vườn Sóc Sơn 2013

Nhà thơ Dương kỳ Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang