Chuyên gia dự đoán đường đi của lãi suất thời gian tới như thế nào?

author 10:55 25/09/2018

Trái ngược với tình trạng thanh khoản dư thừa trong nửa đầu năm, lãi suất huy động và lãi suất liên ngân hàng bất ngờ tăng cao trong thời gian gần đây...

Diễn biến này xảy ra khá sớm so với mọi năm khi thông thường phải đến những tháng cuối năm mới xuất hiện lúc nhu cầu vốn tăng cao. Vậy nguyên nhân gì đã đẩy lãi suất tăng trong thời gian này?

Không chỉ các ngân hàng nhỏ mà nhiều ngân hàng lớn cũng đã "nhập cuộc", tăng lãi suất huy động tiền gửi trong thời gian vừa qua. Trên thị trường liên ngân hàng, thanh khoản có phần eo hẹp trong nhiều tuần liền đã đẩy lãi suất tăng cao, lên trên 4% trong suốt hơn 6 tuần.

Xu hướng này xuất phát từ nguyên nhân gì và đường đi của lãi suất trong thời gian tới sẽ ra sao? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tài chính- Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ để làm rõ vấn đề này.

PV: Thưa ông, vì sao lại xuất hiện xu hướng lãi suất huy động và liên ngân hàng cùng tăng cao trong thời gian gần đây?

TS. Nguyễn Đức Độ: Có 3 yếu tố được coi là những nguyên nhân chính dẫn đến xu hướng tăng lãi suất thời gian qua. Thứ nhất, nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất là việc lạm phát có xu hướng tăng. Yếu tố thứ hai là tỷ giá. Khi tỷ giá tăng nhanh trong một thời gian ngắn, người dân và doanh nghiệp có xu hướng giảm nắm giữ VND, tăng găm trữ USD, đồng thời NHNN cũng phải tăng lãi suất để hạn chế tình trạng đầu cơ ngoại tệ. Bên cạnh đó, chính sách giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn được phép sử dụng để cho vay dài hạn cũng là nguyên nhân dẫn đến nhu cầu huy động vốn dài hạn của các tổ chức tín dụng gia tăng.

TS. Nguyễn Đức Độ

Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác ít được nhắc đến hơn là tốc độ tăng dự trữ ngoại hối quá nhanh của NHNN. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, chỉ trong vòng hơn 2 năm qua, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng từ mức 28 tỷ USD vào cuối năm 2015 lên mức 63 tỷ USD vào giữa năm 2018 - tức đã tăng thêm 35 tỷ USD.

PV: Ông có thể nói cụ thể hơn về nguyên nhân thứ 3 không?

TS. Nguyễn Đức Độ: Để mua vào khoảng 35 tỷ USD, NHNN đã bơm ra thị trường hơn 700 nghìn tỷ đồng. Lúc đầu lượng VND được cung ra thị trường có tác động làm tăng thanh khoản của hệ thống ngân hàng và khiến cho lãi suất VND giảm. Thậm chí các NHTM còn đua nhau mua TPCP, khiễn lãi suất TPCP kỳ hạn 5 năm giảm sâu xuống mức dưới 3%/năm.

Tuy nhiên, khi lượng tiền đồng trên thị trường quá nhiều, NHNN đã phải thực hiện biện pháp trung hoà bằng cách phát hành tín phiếu. Gọi là trung hoà, nhưng về bản chất là NHNN đã in tín phiếu để đổi lấy USD.

Khi lượng tín phiếu trên thị trường ngày càng nhiều, các NHTM sẽ đòi hỏi mức lãi suất ngày càng cao. Trong nhiều tháng gần đây các NHTM có vẻ ưa thích nắm giữ tín phiếu của NHNN có lãi suất cao và kỳ hạn ngắn hơn là mua TPCP. Điều này khiến lãi suất TPCP liên tục tăng cao, đồng thời tỷ lệ trúng thầu cũng ngày càng giảm. Khi lãi suất tín phiếu cao, các lãi suất khác cũng bị ảnh hưởng theo. Bên cạnh đó, lượng USD ngày càng ít trên thị trường cũng tạo sức ép lên tỷ giá, nhất là khi cầu đầu cơ tăng trở lại do đồng nhân dân tệ giảm giá trong những tháng gần đây.

PV: Với những nguyên nhân kể trên, theo ông, đường đi của lãi suất trong thời gian tới sẽ như thế nào?

TS. Nguyễn Đức Độ: Lạm phát so với cùng kỳ năm trước, theo tôi, đã đạt đỉnh vào tháng 6 năm nay và nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới vì giá xăng dầu và giá thịt lợn sẽ khó tăng mạnh sau khi đã đạt mức cao. Mặc dù lạm phát cơ bản có xu hướng tăng trong 2 tháng qua do tác động của tỷ giá, nhưng sẽ vẫn ở mức dưới 2% trong trung hạn, nếu tỷ giá được điều hành ổn định trong thời gian tới. Vì lạm phát tổng thể sẽ xoay quanh lạm phát cơ bản trong trung - dài hạn, nên áp lực của lạm phát lên lãi suất trong thời gian tới sẽ giảm dần.

Về chính sách giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn được phép sử dụng để cho vay dài hạn, khả năng NHNN sẽ không trì hoãn thêm nữa. Tỷ lệ tín dụng so với GDP của Việt Nam hiện đã đạt mức 130%, thuộc hàng cao trên thế giới, nên bất kỳ rủi ro nào liên quan đến tín dụng, trong đó có rủi ro về kỳ hạn, cũng cần được lưu ý. Bởi vậy, sức ép lên lãi suất dài hạn khả năng sẽ khó giảm.

Về tỷ giá, mặc dù khó có thể đoán định về xu hướng của các đồng tiền trên thế giới trong thời gian tới, nhưng thông điệp của NHNN là rất quan trọng. Nếu NHNN kiên trì điều hành tỷ giá với mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, thì sức ép của tỷ giá lên lãi suất sẽ không lớn. Nhưng nếu thông điệp của NHNN được hiểu là điều hành tỷ giá theo tín hiệu thị trường, thì tình hình sẽ phức tạp, khó dự đoán hơn nhiều.

PV: Chính phủ có định hướng tiếp tục ổn định và phấn đấu giảm lãi suất trong thời gian tới. Theo ông, NHNN sẽ có giải pháp gì để đạt được mục tiêu trên?

TS. Nguyễn Đức Độ: Bối cảnh hiện nay có nhiều điểm tương đồng với giai đoạn cuối năm 2015. Trong giai đoạn đó, trước việc sức ép lên cả lãi suất và tỷ giá cùng gia tăng, NHNN đã bán USD ra thị trường (dự trữ ngoại hối giảm từ mức 37 tỷ USD vào giữa năm 2015 xuống còn 28 tỷ USD vào cuối năm 2015), đồng thời thu về một lượng lớn tín phiếu đã phát hành trước đó. Giải pháp này đã giúp ổn định tỷ giá và lãi suất trong cả năm 2016. Tuy nhiên, việc NHNN mua quá nhiều USD trong năm 2017 và nửa đầu năm 2018 đã dẫn đến áp lực lên tỷ giá và lãi suất quay trở lại.

Ngoài ra, việc NHNN mua bán USD kỳ hạn cũng là một giải pháp giúp ổn định kỳ vọng về tỷ giá, lạm phát và lãi suất trong năm 2016. Nếu NHNN công bố tỷ giá kỳ hạn hàng ngày cùng với tỷ giá trung tâm và tỷ giá mua bán USD giao ngay, thị trường sẽ có thêm một chiếc neo trong bối cảnh các đồng tiền trên thế giới biến động khó lường, mặc dù chiếc neo này không còn cố định như trước đây.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo CafeF

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang