Chuyên gia giải bài toán khắc phục ùn tắc, ô nhiễm môi trường Hà Nội

author 14:47 24/10/2018

(VietQ.vn) - Theo chuyên gia, cách giải bài toán ùn tắc, ô nhiễm môi trường ở Hà Nội phụ thuộc vào việc kiểm soát khí thải từ các phương tiện, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý hệ thống giao thông công cộng...

Ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường Hà Nội lên mức báo động

Phát biểu tại Tọa đàm “Giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường tại Hà Nội” diễn ra sáng 24/10, ông Phạm Hoài Chung, Giám đốc Trung tâm giao thông đô thị và nông thôn (Viện Chiến lược và phát triển GTVT) cho biết, theo nghiên cứu, thiệt hại do ùn tắc giao thông đối với Hà Nội dao động  từ 1-1,2 tỷ USD/năm.

Về mặt xã hội, sức khỏe người dân đô thị cũng đang bị ảnh hưởng vì chỉ số ô nhiễm không khí IQI gấp hơn 5 lần so với quy định, nồng độ bụi pm2.5 đang gấp khoảng 3 lần. Về thời gian đi lại của người dân thiệt hại hơn 1 triệu giờ lao động/năm. Ngoài ra, môi trường đầu tư và các vấn đề phát triển xã hội khác cũng bị ảnh hưởng.

Ùn tắc giao thông là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng không khí Hà Nội xấu đi, làm tăng ô nhiễm môi trường nói chung. 

Cũng theo ông Phạm Hoài Chung, hiện có 5 nguyên nhân chính gây ra thực trạng nêu trên. Đầu tiên là việc Hà Nội đã đi vào ngưỡng siêu đô thị bởi theo dự báo của một số tổ chức uy tín trên thế giới, vào năm 2030 Hà Nội sẽ có trên 10 triệu dân. Mật độ dân số phân bố không đồng đều tập trung quá đông ở nội đô. Vì thế cần giải pháp căn cơ thành lập đô thị vệ tinh, di chuyển các bệnh viện trường học theo đúng tiến độ…

Thứ hai tốc độ tăng trưởng phương tiện so với tốc độ tăng trưởng hạ tầng đang bất cập. Hà Nội đang có khoảng 5,5 triệu xe máy gần 500 nghìn ô tô, trong đó trên 327 nghìn ô tô con. Giai đoạn 2010-2017, tốc độ phát triển 10% với ô tô và 8% xe máy. Trong khi tốc độ tăng trưởng diện tích mặt đường chỉ đạt 0,39%/năm, chiều dài 1,3 %. 

Thứ ba vận tải hành khách công cộng vẫn đang kém phát triển, với tỷ lệ đáp ứng khoảng 8-9%. Tuy nhiên, cơ hội phát triển phương tiện này rất khó khăn, chất lượng dịch vụ không đạt như kỳ vọng, khó thu hút được người dân tham gia.

Thứ tư, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông so với quy chuẩn mới đạt 8,65% trên tổng diện tích đất dành cho đô thị trong khi theo quy chuẩn phải đạt từ hơn 16-26%.

Kiểm soát ùn tắc, ô nhiễm bằng cách nào?

Theo ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, năm 2017, Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 04 về các giải pháp tăng cường đảm bảo ATGT đường bộ nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, Nghị quyết này đã có những điểm đề cập tới việc ứng dụng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giao thông.

Cụ thể, Hà Nội hiện đang triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giao thông như: thành lập trung tâm quản lý giao thông công cộng thông minh trên địa bàn thành phố để tập trung điều hành toàn bộ công tác ATGT, phân luồng giao thông, ùn tắc giao thông…Tới năm 2019, tất cả các hệ thống camera, tổ chức giao thông, phân luồng, xây dựng bản đồ số giao thông sẽ được xây dựng và áp dụng. Đây cũng sẽ là hệ thống công nghệ thông tin kết nối chung toàn thành phố.

 Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết hiện thành phố đang tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giao thông. Ảnh: Tuổi trẻ thủ đô

Liên quan tới biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí do phương tiện giao thông gây ra, theo ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ GTVT), cần phải thực hiện kiếm soát phát thải từ phương tiện tham gia giao thông. Ông Tiến cho rằng, trong những năm vừa qua, Bộ GTVT thực hiện kiểm soát phát thải đối với phương tiện giao thông đường bộ. Cụ thể là áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 đối với phương tiện ô tô sản xuất lắp ráp và nhập khẩu mới; kiểm soát khia thải đối với ô tô đang lưu hành.

Thực hiện theo Quyết định 985a/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt chương trình quản lý chất lượng không khí, Bộ GTVT cũng đang xây dựng dự thảo nâng mức tiêu chuẩn khí thải với ô tô đang lưu hành nhằm giảm phát thải gây ô nhiễm đối với loại hình phương tiện này.

Về kiểm soát khí thải đối với xe máy, do đây là vấn đề tác động xã hội lớn, cơ sở pháp lý để triển khai còn thiếu, cần bổ sung có chế tài trong Luật Giao thông Đường bộ để triển khai.

“Phải khẳng định rằng kiểm soát khí thải xe đang lưu hành là giải pháp cần thiết nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hoạt động GTVT. Qua kiểm soát khí thải sẽ nâng cao được ý thức của người dân trong việc thực hiện chế độ bảo dưỡng nhằm duy trì tình trạng kỹ thuật của phương tiện, giảm phát thải chất gây ô nhiễm”, ông Nguyễn Hữu Tiến cho hay.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, về phía doanh nghiệp sản xuất lắp ráp, nhập khẩu phương tiện giao thông cần nghiêm túc thực hiện quy định về tiêu chuẩn khí thải; triển khai các ứng dụng mới tiết kiệm nhiên liệu, giải ô nhiễm môi trường trong sản xuất lắp ráp phương tiện. Mặt khác, những người sử dụng phương tiện cần nâng cao ý thức bão dưỡng phương tiện, và trong thực tế, cộng đồng dân cư cũng đã tự phát xây dựng các phong trào nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng như tắt máy khi dừng xe trên 30s, chuyển sang sử dụng xăng sinh học…

Bảo Lâm

Video: Cửa ngõ ùn tắc, người dân vật vã rời thủ đôChiều 27/4, cửa ngõ thủ đô kẹt cứng do dòng người về quê tăng mạnh, tại các bến xe, hành khách phải xếp hàng mua vé chờ đợi 2-3 giờ lên xe.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang