Chuyên gia giải mã: Vì sao Lazada sắp “sập tiệm” tại Việt Nam?

author 06:41 16/03/2016

(VietQ.vn) - Dưới góc nhìn những người làm truyền thông, thương hiệu, cái kết của việc “sụp đổ” thương hiệu Lazada tại Việt Nam dường như đã được tiên đoán trước.

Cái kết đã được dự báo trước?!

Gần đây, sau FoodPanda, dư luận đang xôn xao trước thông tin thương hiệu Lazada sắp rút khỏi Việt Nam. Một số tờ báo đã đưa tin, quá trình bán Lazada đã được khởi động từ lâu.

Tại Việt Nam, Lazada không chỉ là một trong những sàn thương mại điện tử lớn nhất mà nó còn là nền tảng tiếp thị liên kết hàng đầu. Với hơn 6.000 gian hàng và 400.000 sản phẩm thuộc 13 ngành hàng khác nhau, Lazada thực sự là một nguồn thu nhập khá béo bở dành cho các "affiliater” bởi sự phong phú và đa dạng của các sản phẩm tiếp thị.

Chính vì vậy, việc Lazada có thể sắp “sập tiệm” khiến không ít người ngỡ ngàng. Tuy vậy, dưới góc nhìn của những người trong ngành, cái kết của việc “sụp đổ” thương hiệu Lazada tại Việt Nam dường như đã được tiên đoán trước.

Ông Phạm Hùng Thắng - Chuyên gia truyền thông & marketing, sáng lập Học viện Truyền thông & Marketing HEADS Academy, sáng lập công ty Vitot Seafood - Hải Sản tươi sống thực phẩm sạch cho biết: Cách đây gần 4 tháng, ông đã dự báo Lazada sẽ có biến và sự việc đang diễn ra theo đúng những gì ông đánh giá.

Chuyên gia truyền thông, marketing Phạm Hùng Thắng.

Theo ông Thắng, có 2 lý do khiến Lazada  không thể tồn tại thêm tại Việt Nam. Thứ nhất, ông chủ của Lazada - Rocket Internet xây dựng trang thương mại điện tử này với mục đích chính là để bán, vì vậy, nó không thể tồn tại thêm được khi có “con cá” lớn hơn sẵn sàng mua.

Thứ hai, Lazada là mô hình của Amazon, Alibaba tại Việt Nam, tuy vậy, ở Việt Nam, văn hóa tiêu dùng của người dân Việt vẫn chưa phải là "tiêu dùng và mua sắm thông minh". Chưa nói tới việc: Tại các tỉnh ngoại thành, thói quen tiêu dùng "ăn chắc mặc bền" và tính cẩn thận khi quyết định mua hàng của họ đã trở thành lối tư duy truyền thống.

Trong nội thành các thành phố lớn, Lazada có thể thành công ở một mức độ nào đó, tuy nhiên, nó chỉ dừng lại ở tiếng vang cao, chứ chưa kích thích được nhu cầu mua sắm cao. Hơn nữa, sản phẩm bán chạy nhất của Lazada, theo ông Thắng, chắc chắn là các sản phẩm như tai nghe, điện thoại và phụ kiện,... với mức giá không cao. Và đặc biệt, người thành phố thường có thói quen mua khi có "khuyến mại" từ Lazada nhiều hơn là thói quen mua sắm thường xuyên hay trở thành khách hàng trung thành của thương hiệu.

Ông Thắng giải thích: Mua sắm thông minh không chỉ là tâm lý mua hàng, mà còn là phương thức mua hàng. Lazada phù hợp với mô hình ở nước ngoài vì họ có thói quen tiêu dùng trên tài khoản tín dụng còn Việt Nam thì tỉ lệ người sử dụng thẻ tín dụng còn thấp.

“Nên việc làm truyền thông rất tốt của Lazada dường như chỉ mang lại giá trị về thương hiệu, chứ về doanh số chắc chắn không ổn. Ở Việt Nam kênh truyền thông marketing hay Digital Marketing chỉ là sử dụng để truyền thông sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu thôi. Còn để bán hàng tốt vẫn cần có Store (cửa hiệu – pv), chiếm tới 60% doanh số, chỉ 40% doanh số là từ order online (đặt hàng trên mạng – pv)” – ông Thắng nói.

Vị chuyên gia này dẫn chứng: Thế giới di động, FPT Store, Viettel Store, Adam Store đều là những mô hình thành công ở Việt Nam và kinh doanh dựa trên hệ thống cửa hàng. Vatgia ở Việt Nam kiếm được lợi nhuận là từ các gian hàng, chứ không phải là từ Customer (khách hàng) và họ chỉ đóng vai trò là trung gian sàn giao dịch. Adayroi có cơ hội thành công nếu có Store và có hình thức thanh toán COD, trong khi đó, nếu Payment Automatic (thanh toán tự động) thì cũng “khó sống” ở Việt Nam.

Tại Việt Nam, online hóa hoàn toàn là “chết”?

Ông Thắng cũng nhấn mạnh: “Thời gian qua thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam bị nát và loãng bởi chất lượng sản phẩm "chộp giật" trà trộn quá mạnh. Hiểu thị trường Việt Nam mới kinh doanh tốt được ở Việt Nam, còn online hóa hoàn toàn không “chết” sớm cũng “chết” muộn thôi!”.

Lazada là mô hình của Amazon, Alibaba tại Việt Nam.

Thêm vào đó, Lazada lại đi theo mô hình kinh doanh của nước ngoài: Hệ thống mạnh, đầu tư mạnh, sau đó là truyền thông, marketing và xây dựng thương hiệu mạnh để chiếm lĩnh "tâm trí" của thị trường dồn về mình.

Nhưng rõ ràng một điều rằng: Kinh doanh thương hiệu rất quan trọng nhưng khả năng tiếp cận của khách hàng với thương hiệu và sản phẩm, dịch vụ đi đến quyết định mua hàng lại còn quan trọng hơn.

“Thiếu “Thương hiệu”,  kinh doanh vẫn có thể thành công nhưng không thành công lâu dài do sức chiến đấu không bền.

Ngược lại, khả năng tiếp cận của khách hàng khó khăn hoặc chưa "thuần phong mỹ tục" thì dù thương hiệu lớn đến mức nào cũng giống như việc: Chúng ta - ai cũng có khao khát muốn đi xem một buổi hòa nhạc, liveshow hoặc hài kịch nhưng lại rất ít người Việt Nam có thói quen đi xem hòa nhạc, liveshow hay hài kịch? Không phải vì giá vé đắt!.

Có nhiều buổi, giá rất rẻ nhưng vấn đề là "thói quen và nhu cầu" tiếp cận mới của người dân chưa có. Đây là yếu tố quan trọng để cho sản phẩm, dịch vụ đó là "phổ cập, phổ dụng" hay "thu hẹp thị trường". Và đó cũng là lý do tại sao Lazada sắp “đóng cửa” tại Việt Nam” – chuyên gia truyền thông Phạm Hùng Thắng nhắc lại.

 Dương Phương Ngọc


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang