Chuyên gia Hàn “phải lòng” Tết Việt

author 16:38 25/01/2020

(VietQ.vn) -“Nói về Tết Việt Nam, đây là dịp vô cùng đặc biệt với người nước ngoài như chúng tôi. Tôi yêu thích cảm giác tất cả bạn bè ngồi quây quần bên mâm cơm cùng nhau nói “chúc mừng năm mới” - đó là những chia sẻ của ông Joongha Shin Ph.D, Giám đốc Viện nghiên cứu và kiểm tra chất lượng tại Hàn Quốc - người đã có ba lần được trải nghiệm đón Tết cổ truyền tại Việt Nam.

Thưa ông, ông có thể chia sẻ về công việc hiện tại của mình tại Việt Nam?

Là Giám đốc Viện nghiên cứu và kiểm tra chất lượng tại Hàn Quốc, công việc hiện tại của tôi tại Việt Nam là hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc trong việc xuất khẩu sang thị trường 2 nước. Việc xuất khẩu hàng hóa sang thị trường nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn trong việc chứng nhận, ví dụ như chứng nhận về nhãn CR… Bên cạnh đó, nơi tôi làm việc còn đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỏi đáp những thắc mắc của doanh nghiệp liên quan đến hàng rào kỹ thuật TBT.

Ông Joongha Shin Ph.D, Giám đốc Viện nghiên cứu và kiểm tra chất lượng tại Hàn Quốc.

 

 Trong suốt thời gian dài làm việc và hợp tác cùng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, ông có cảm nhận như thế nào?

Trong suốt quá trình làm việc tại Việt Nam, Trung tâm Chứng nhận Phù hợp cũng như Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã giúp đỡ tôi rất nhiều, chính vì vậy tôi đã hòa nhập rất tốt mà không gặp bất kỳ khó khăn nào. Tuy nhiên sắp tới, tôi phải quay trở lại làm việc tại Hàn Quốc và cảm xúc của tôi khá hụt hẫng khi phải xa đất nước và con người Việt Nam. Nhân cơ hội này, tôi muốn cảm ơn đồng nghiệp của tôi cùng tất cả những người làm việc với tôi trong suốt khoảng thời gian ở Việt Nam đã giúp đỡ rất nhiều để tôi có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Việt Nam – Hàn Quốc: Hợp tác cùng phát triển.

Trong quá trình làm việc với ngành Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chắc hẳn có nhiều dấu ấn đối với ông?

Quá trình làm việc tại đây tôi nhận thấy Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển rất nhanh, tôi có thể cảm nhận điều này trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Việt Nam còn là một trong những nước áp dụng tiêu chuẩn quốc tế với tốc độ nhanh chóng cả về khía cạnh áp dụng công nghệ mới và hoàn toàn tương thích với tiêu chuẩn mới. Được biết sắp tới, ông sẽ trở về Hàn Quốc làm việc, nếu có cơ hội, ông có chọn Việt Nam là nơi làm việc hay không? Việt Nam giống như ngôi nhà thứ hai của tôi vậy, có rất nhiều kỉ niệm, những người đồng nghiệp, những người bạn, người thân thương mà có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên. Ngay cả người vợ và những đứa con thân thương của tôi cũng có những kỷ niệm đáng nhớ khi học tập và làm việc thời gian dài ở Việt Nam, bên cạnh đó là những chuyến đi thăm những địa danh nổi tiếng như: Sa Pa, Đà Lạt, Phú Quốc… Và điều chắc chắn rằng, nếu có cơ hội tôi vẫn sẽ tiếp tục chọn Việt Nam là nơi làm việc.

Ông đã bao giờ đón Tết tại Việt Nam chưa? Và ông cảm nhân thế nào về Tết truyền thống của người Việt?

 Tôi là người rất may mắn khi được đón tới ba cái Tết truyền thống tại Việt Nam. Nói về Tết Việt, đây là dịp vô cùng đặc biệt với người nước ngoài như chúng tôi. Tôi yêu thích cảm giác tất cả bạn bè ngồi quây quần bên mâm cơm cùng nhau nói: Chúc mừng năm mới. Trong thời gian đó, tôi đã tận hưởng không khí Tết cùng bạn bè, sau những bữa ăn ấm áp, chúng tôi cùng nhau đi dạo, ngắm cảnh và cảm nhận không khí Tết ở khắp phố phường Hà Nội. Đó thực sự là một kỷ niệm rất đáng nhớ trong cuộc đời tôi.

Theo tôi được biết, Việt Nam là quốc gia luôn mang trong mình nền văn hóa lớn và độc đáo. Văn hóa Việt Nam gắn liền với văn hóa lúa nước vì vậy nó vẫn chất phác, đơn sơ, giản dị, gần gũi nhưng cũng không kém phần tinh tế. Những nét văn hóa ấy được giữ gìn và lưu truyền bao đời nay.

Một trong những viên ngọc quý của văn hóa Việt Nam là các ngày lễ, tết cổ truyền. Tết cổ truyền dân tộc không chỉ là nét văn hóa mà còn là vốn văn hóa quý giá bởi nó chứa đựng rất nhiều ý nghĩa và thiêng liêng. Từ xưa đến nay, Tết Nguyên đán thỏa mãn được nhiều nhu cầu nhất của người Việt, về vật chất, về tâm linh, nếp sống và với mọi lứa tuổi, so với mọi dịp lễ trong năm.

Vậy Tết truyền thống Hàn Quốc có diểm gì khác với Tết truyền thống tại Việt Nam, thưa ông?

So với Việt Nam, người Hàn Quốc chúng tôi có ngày lễ Tết ngắn hơn. Chúng tôi chỉ được nghỉ có 3 ngày từ ngày cuối cùng năm cũ, đến ngày mùng 2 năm mới. Trong ngày cuối cùng của năm cũ chúng tôi sẽ cùng nhau dọn dẹp, trang hoàng lại nhà cửa, nấu nướng và chuẩn bị những công việc mang tính nghi lễ truyền thống cũng như tắm nước nóng với mong muốn gột rửa những điều không may mắn trong năm cũ.

Trong đó, phụ nữ sẽ đảm nhiệm công việc đi chợ tết mua sắm lễ vật thờ cúng, chuẩn bị thức ăn, làm bánh bột gạo, tu sửa nhà cửa. Công việc của nam giới là sửa sang, dán giấy viết các chữ may mắn hoặc tuế họa vẽ các vị tiên, các con vật có sức mạnh lên cửa để xua đuổi ma quỷ và cầu phúc cho gia đình. Vào đêm Giao thừa, gia đình người Hàn chúng tôi sẽ quây quần cùng nhau thức đến sáng để thực hiện 2 phong tục đặc biệt là treo sàng đuổi quỷ dạ quang lên tường trước nhà và đón cái đấu gạo may mắn cũng được treo trước nhà hoặc trong bếp để cầu phúc cho cả năm. Tiếp đó, vào ngày đầu tiên của năm mới, gia đình Hàn Quốc sẽ cùng nhau mặc bộ trang phục truyền thống Hanbok làm cơm dâng cúng tổ tiên để thể hiện lòng kính trọng cũng như xin sự phù hộ từ tổ tiên trong năm mới.

Xin cám ơn ông! Chúc ông một năm mới vạn sự như ý!

Áp dụng thành công tiêu chuẩn ISO 22000 từ công ty XNK Trân Châu (VietQ.vn) - Với mục tiêu thành tập đoàn kinh tế vững mạnh, xây dựng một vị thế mạnh mẽ ở thị trường châu Á, đồng thời xác định phát triển bền vững, công ty đã xây dựng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn quốc tế ISO 22000:2018.

Hồng Vân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang