Vinastas công bố về nước mắm chứa arsen: Quá vội vàng?

authorDương Phương Ngọc 12:36 20/10/2016

(VietQ.vn) - Sau thông tin công bố 67% số nước mắm lấy mẫu thử vượt chuẩn về arsen, chuyên gia hóa học PGS.TS Trần Hồng Côn nói: “Nhà tôi vẫn dùng bình thường”.

Những ngày qua, bất ngờ trước công bố nước mắm nhiễm arsen, nhiều DN cho biết: Họ đã "bấn loạn" vì liên tục nhận điện thoại của khách chất vấn, dọa trả hàng, các siêu thị cũng yêu cầu phải giải trình.

Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản 584 Nha Trang cho biết: Ông đã rất bận rộn khi phải nhận nhiều cuộc điện thoại thắc mắc cũng như bức xúc từ các đối tác của mình, thậm chí, một số người tiêu dùng lẻ đã dọa đến trả lại hàng cho doanh nghiệp.

Hoang mang nước mắm chứa thạch tín: Có thể vì nguồn nước làm mắm?(VietQ.vn) - PGS Nguyễn Duy Thịnh nói: Nước mắm chứa thạch tín không thể đổ hết lỗi cho nước mắm cao đạm, có thể do nguồn nước làm nước mắm có thạch tín.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cũng phải thừa nhận: Các số liệu mà Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) đã khảo sát, công bố liên quan đến thực trạng sản xuất, tiêu thụ nước mắm tại Việt Nam đã khiến tất cả chúng ta, từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng phải suy nghĩ.

Tuy nhiên, để khẳng định một sản phẩm nước mắm hay nước chấm nào đó có bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng hay không, theo ông Quang, phải có cơ sở khoa học. Tức là, nước mắm hay nước chấm đó phải bảo đảm hai quy chuẩn về kim loại nặng và vi sinh do Bộ Y tế ban hành. Nếu hai quy chuẩn này vượt mức cho phép thì sản phẩm không bảo đảm an toàn cho người dùng.

Các con số về nước mắm được công bố mới đây chỉ là kết quả khảo sát của Vinastas, chứ không phải kết quả thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý Nhà nước. Do đó, chỉ cơ quan quản lý Nhà nước mới được công bố công khai các doanh nghiệp sản xuất, buôn bán nước mắm nếu vi phạm hoặc làm tốt. Nhưng, để định hướng dư luận xã hội, Vinastas nên công khai đối tượng khảo sát là các doanh nghiệp nào, khảo sát theo phương pháp nào để bảo đảm minh bạch, khoa học và thực tiễn.

Cũng đồng tình với quan điểm này, trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Trần Hồng Côn (Khoa Hoá học, Trường ĐH KHTN - ĐH QG Hà Nội), một chuyên gia có hàng chục năm nghiên cứu về arsen chia sẻ: Sau khi nghe xong kết quả công bố của Vinastas, ông thấy rất bình thường vì đó mới chỉ là kết quả phân tích 1 lần của 1 cơ quan.

PGS.TS Trần Hồng Côn nói: "Nhà tôi vẫn dùng nước mắm bình thường”. Ảnh: Internet.

PGS.TS Côn cho biết: Muốn có một kết quả có thể công bố rõ ràng được thì ít nhất phải có kết quả phân tích của 3 cơ quan có thẩm quyền. Khi 3 số liệu khớp với nhau, thì lúc bấy giờ mới nên công bố. Còn nếu không, thì phải chỉ rõ đây là cơ quan nào phân tích và cơ quan đó có chức năng phân tích hay không?

Bởi vì phân tích hàm lượng các chất như vậy là rất nhỏ, rất khó, phải có máy móc và trình độ mới làm được. Thế nên, mức độ chính xác của kết quả có đáng tin cậy hay không là một điều rất đáng phải quan tâm.

“Kết quả công bố nêu trên là về tổng lượng arsen, mà lại không có arsen vô cơ, nên tôi thấy rất mập mờ. Là người làm liên quan đến arsen mấy chục năm nay, tôi thấy rất khó tin.

Nước mắm vẫn được người dân sản xuất theo phương pháp truyền thống nhiều năm nay. Vì thế, khi công bố thông tin liên quan đến nước mắm - một thông tin nhạy cảm như vậy - thì phải rất thận trọng” – ông Côn nói.

"Mặc dù thông tin công bố nước mắm có arsen vượt chuẩn khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang, thiệt hại cho ngành hàng nước mắm nhưng “nhà tôi vẫn dùng bình thường. Hàng nghìn năm nay dân tộc Việt Nam dùng nước mắm, có ai bị làm sao đâu!” - PGS.TS Côn nhấn mạnh.

TS Côn còn cho rằng, kết quả công bố của Vinastas như “một thông tin lá cải” và “rất vô trách nhiệm vì không nói rõ cái gì cả, không nói rõ cơ quan phân tích, không nói rõ cái sai số”...

 Người dùng không nên lo lắng về lượng arsen cao trong nước mắm truyền thống.

Còn ông Nguyễn Tử Cương – Trưởng ban Phát triển Thuỷ sản bền vững (Hội Nghề cá Việt Nam) khẳng định trên báo chí rằng: Trong cấu trúc thịt của cá có thành phần Arsenic, thành phần này không có độc tố. Nhưng nếu là Arsen vô cơ (Arsen trong sản phẩm có được từ sự cộng hưởng trực tiếp từ bên ngoài) sẽ có độc tính cao.

Trong chỉ tiêu kiểm tra của thế giới đều không nói tới tổng số Arsen, người ta chỉ rõ ra Arsen hữu cơ và vô cơ. Khi kiểm nghiệm cũng chỉ quan tâm tới lượng Arsen vô cơ có trong sản phẩm.

Tất cả các mẫu nước mắm của Vinastas kiểm nghiệm đều không nhắc tới Arsen vô cơ, tức là, nước mắm của nước ta sản xuất là an toàn.

Trước đó, tại buổi kiểm tra Tổ công tác của Thủ tướng với Bộ Y tế sáng ngày 18/10, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, từ 12/10, đoàn thanh tra liên ngành gồm Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra thị trường nước mắm tại Hà Nội, TP.HCM, sắp tới sẽ đến Phú Quốc (Kiên Giang)...

Mục đích đợt kiểm tra này để rà soát lại hồ sơ công bố, nhãn mác đối với các sản phẩm nước mắm hiện hành, quy trình sản xuất, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và lấy mẫu để kiểm tra các chỉ số hóa học.

Theo đó, ông Phong cũng tiết lộ: kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy, chưa phát hiện sản phẩm nước mắm nào chỉ toàn hóa chất pha với nước như thông tin xuất hiện gần đây. Phụ gia trong nước mắm và hóa chất là hoàn toàn khác nhau. Nếu sử dụng đúng hàm lượng và độ tinh khiết của phụ gia trong nước mắm thì sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

“Ở đây phải dùng từ chính xác là phụ gia thực phẩm. Nếu phụ gia trong danh mục, đúng hàm lượng, đảm bảo độ tinh khiết thì không ảnh hưởng sức khoẻ. Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, tuy nhiên phải xác minh thông tin thận trọng để bảo vệ quyền lợi nhà sản xuất. Kết quả thanh tra sẽ được báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 22/10", ông Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang