TS. Lê Đăng Doanh: Phải cải cách thể chế hơn nữa để DN thừa nhận và quốc tế công nhận

authorNgọc Xen 06:53 20/01/2019

(VietQ.vn) - Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh khẳng định, chúng ta phải nỗ lực cải cách thể chế để doanh nghiệp thừa nhận mà quốc tế họ cũng công nhận.

Phát triển nông nghiệp, thủy sản luôn là một trong những vấn đề 'nóng' được xã hội quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển như vũ bão như hiện nay. Theo đó, phóng viên Chất Lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh về lĩnh vực này!

 Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh.

PV: Thưa ông, năm 2018 là năm có những bước chuyển biến tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản. Vậy theo ông đâu là những nét nổi bật trong lĩnh vực này năm qua?

Theo tôi, năm 2018, Việt Nam đã có những thành tựu khá toàn diện về nhiều mặt. Tôi đánh giá cao sự phát triển của dịch vụ, du lịch và đặc biệt là nông nghiệp, thủy sản.

Điều mà cần phải đánh giá cao chính là giá trị gia tăng (GTGT) của nông nghiệp, dịch vụ và du lịch thì lớn hơn rất nhiều so với GTGT trong công nghiệp chế biến. Trong công nghiệp chế biến, thì phần lớn là của nước ngoài, còn GTGT của chúng ta thì không được bao nhiêu. Trong khi đó thì trong nông nghiệp chúng ta có thể đạt được GTGT và cải thiện đời sống của người nông dân đáng kể và tiềm năng của ngành nông nghiệp vẫn còn rất lớn.

Nếu như chúng ta tiếp tục phát triển công nghiệp chế tác, không phải chỉ có xuất khẩu thô là: cá ngừ thô, tôm đông lạnh... mà chúng ta có thể hợp tác với các doanh nghiệp Nhật bản, Hàn Quốc chế biến thành các món ăn thì lúc bấy giờ chúng ta xuất khẩu sang Nhật Bản thì GTGT của chúng ta có thể tăng lên đến 20% chứ không phải chỉ có hạn chế như bây giờ.

PV: Thưa ông, vậy đâu là những yếu tố giúp cho ngành nông nghiệp của Việt Nam đạt được những hiệu quả xuất khẩu tốt như vậy?

Ngành nông nghiệp của Việt Nam gần đây đã có những bước phát triển rất đáng khích lệ, đó là chúng ta hiện nay có đến khoảng 10.000 doanh nghiệp nông nghiệp là các trang trại và chúng ta đang canh tác khoảng 1,5 triệu ha theo công nghệ hiện đại.

Ví dụ như là tưới tiêu theo công nghệ hiện đại, rồi có nhà kính... tăng tỉ lệ xuất khẩu rau tươi, hoa quả tươi sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc... Tôi nghĩ đó là những bước phát triển rất đáng khích lệ và đúng đắn.

Thứ hai nữa là, nông dân và nông nghiệp cũng đã vận dụng nhiều những thành tựu khoa học công nghệ vào trong sản xuất và chế biến.

Một điểm nữa rất đáng mừng, đó là những doanh nghiệp tư nhân trước kia chỉ đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên hiện nay họ đã bắt đầu đầu tư vào nông nghiệp, đầu tư vào khoa học công nghệ, đầu tư vào công nghiệp chế tác. Ví dụ như Vingroup đã đầu tư vào ô tô, hay là Trường Hải đã xuất khẩu được ô tô sang 8 nước ở trong khu vực. Đấy là những dấu hiệu rất đáng mừng. 

Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân vẫn còn mong đợi Chính phủ phải làm việc và cải thiện có hiệu quả hơn. Các con số về cắt giảm điều kiện đầu tư nêu lên thì rất ấn tượng, thế nhưng doanh nghiệp lại than phiền. Ví dụ, có 3 điều kiện, sau khi cắt giảm gộp còn một điều kiện thì vẫn như thế. Hoặc là các thủ tục có giảm đi nhưng "phong bì" lại dày lên!?

PV: Thưa ông, bên cạnh những thuận lợi, ngành nông nghiệp của Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn. Vậy ông đưa ra lời khuyên gì để phát triển ngành nông nghiệp, thủy sản trong thời gian tới?

Tất cả những điều đó theo tôi phải có những cải thiện, cần phải giảm bớt rõ rệt các chi phí ngoài pháp luật đối với doanh nghiệp. Còn trên môi trường quốc tế thì mức cải thiện của chúng ta còn chậm và các cái đánh giá về môi trường kinh doanh của Việt Nam thì họ đánh giá là chậm mất 1 năm. Nhưng vừa qua chúng ta lại không tăng lên được, mà trái lại lại giảm mất 2 bậc. Chúng ta cần phải có nỗ lực đầy đủ hơn, nhất là về mặt cải cách thể chế để doanh nghiệp thừa nhận mà quốc tế họ cũng công nhận. Đó là điều mà chúng ta cần phải nỗ lực trong thời gian tới đây.

Xin cảm ơn ông với những chia sẻ trên!

TS. Nguyễn Đình Cung: 'Khai thác dự án tư nhân, một mũi tên trúng nhiều đích'(VietQ.vn) - TS. Nguyễn Đình Cung khẳng định: "Nếu khai thác được những dự án của tư nhân thì vừa huy động vốn phát triển kinh tế, vừa phát triển kinh tế tư nhân. Một mũi tên trúng nhiều đích".

 Ngọc Xen

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang