Chuyên gia lo ngại chất lượng nền kinh tế tăng trưởng chậm

author 14:38 24/06/2014

(VietQ.vn) – Các chuyên gia kinh tế hàng đầu ở Việt Nam và thế giới lo ngại năng suất tổng hợp và chất lượng nền kinh tế Việt Nam tăng chậm do nhiều nhân tố tác động.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển

Hiện tại chúng ta đang nằm ở khu vực thu nhập thấp, người ta đang rất sợ Việt Nam nằm mãi ở khu vực thu nhập thấp chứ chưa nói tới trung bình.

Ông Tuyển dẫn chứng: “Philippin là một nước phát triển trong thời kì trước vượt xa Malaysia, Hàn Quốc, nhưng bây giờ thì đang luẩn quẩn mãi không tăng trưởng kinh tế được, vì một điều đơn giản chưa thống nhất về mặt thế chế.”

GS. Kenichi Ohno từ Đại học Nghiên cứu Chính sách (Nhật Bản)

“Bẫy thu nhập trung bình là tình huống một nước bị mắc kẹt tại mức thu nhập nhất định với một nguồn lực và lợi thế nhất định mà không thể vượt qua ngưỡng đó để trở nên giàu có hơn”.

Theo GS. Kenichi Ohno, giải pháp lúc này với Việt Nam là: “Việt Nam có hai nhóm vấn đề cần thay đổi. Thứ nhất là thay đổi cách nghĩ của lãnh đạo mà Việt Nam vẫn gọi là thay đổi tư duy và thứ hai là thay đổi chính sách.”

GS.TS. Vương Đình Huệ - Trưởng ban Kinh tế Trung ương

“Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình (thấp). Việt Nam, cũng như nhiều nước khác khi đạt được mức thu nhập trung bình đều quan tâm đến nguy cơ vướng bẫy thu nhập trung bình liên quan đến các chỉ số về tốc độ tăng trưởng kinh tế; năng suất lao động và năng suất tổng hợp; chất lượng tăng trưởng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; các chỉ số xếp hạng toàn cầu của quốc gia”.

PGS. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Việt Nam

Nếu Việt Nam chưa rơi thì cũng sẽ rơi vào bởi có hai thực tế rất rõ. Thứ nhất, đẳng cấp phát triển của Việt Nam còn thấp, ví dụ công nghiệp chủ yếu chỉ là khai thác tài nguyên, gia công, lắp ráp. Tức là những ngành thấp nhất trong hệ thống các ngành công nghiệp, trong khi nhiều nước đã chuyển sang các ngành kinh tế tri thức, ngành công nghệ cao. Thứ hai, trong khoảng 7 năm trở lại đây, nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng giảm, cấu trúc tăng trưởng rất thấp, không tận dụng được cơ hội vươn lên. 

GS.TS. Trần Thọ Đạt - Đại học Kinh tế quốc dân

Để nâng mức thu nhập bình quân của Việt Nam lên gấp đôi (tương đương 4.000 USD/năm - ngưỡng khởi đầu của thu nhập trung bình cao) trong 10 năm tới, tốc độ tăng trưởng phải đạt 7,2%/năm với điều kiện phải kéo dài và bền vững, nếu không, nguy cơ rơi vào "bẫy" là rất cao.

TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển

"Công cuộc tái cơ cấu mà Việt Nam đang hướng đến vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Tôi không lạc quan nhưng không bi quan về chuyện chúng ta đã rơi hoặc sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Nhưng theo tôi, hiện nay Việt Nam chưa rơi vào bẫy thu nhập trung bình".

Giải thích về quan điểm trên, TS. Hồ cho biết: Nếu tính theo cách tính của Ngân hàng Thế giới, chúng ta còn hơn 20 năm nữa mới rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp chứ chưa phải bẫy thu nhập trung bình cao. Vì vậy, nếu từ nay đến năm 2025, Việt Nam có thể thực hiện tốt công cuộc tái cơ cấu thì chúng ta sẽ không rơi vão bẫy thu nhập trung bình. Tuy nhiên, nếu cứ tiếp diễn tình trạng tăng trưởng như hiện nay, bẫy thu nhập trung bình là rất đáng báo động.

TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương

Việc phân bổ nguồn lực và vốn vẫn diễn ra bất hợp lý, méo mó dẫn đến lãng phí nguồn lực cho phát triển. Vì vậy, cần có sự đột phá về cải cách thể chế, với những quy định rõ ràng, cụ thể để tạo sự bứt phá nhanh về tốc độ tăng trưởng liên tục trong nhiều năm tới và thoát bẫy thu nhập trung bình. 

GS. Kenichi Ohno cho rằng, có “5 triệu chứng” của một nền kinh tế bị dính bẫy thu nhập trung bình là tốc độ tăng trưởng chậm lại từ sau năm 2006, khi tăng trưởng giảm xuống còn từ 5 đến 6% và đất nước trải qua một giai đoạn với bất động sản trầm lắng, lạm phát, nợ xấu.  

Tiếp đến là việc tăng trưởng dựa trên đầu tư với hiệu quả sử dụng vốn thấp. Sau đó là tăng lương tại Việt Nam đã lớn hơn nhiều so với mức tăng năng suất lao động, làm chi phí sản xuất trở nên đắt đỏ hơn trong những năm gần đây. 

Trong khi đó, sự mất giá của đồng Việt Nam so với USD trong giai đoạn trên với tỷ lệ 5,5% mỗi năm là quá nhỏ để bù đắp cho tốc độ mất khả năng cạnh tranh của nền kinh tế mỗi năm là 22,7%.  Và cuối cùng là do sự dịch chuyển cơ cấu, năng lực cạnh tranh trong bảng xếp hạng chậm cải thiện.

GS. Ohno cũng cho rằng Việt Nam không nên đòi hỏi phải phát triển công nghệ cao ngay, mà nên bắt đầu từ những công nghệ cơ bản, chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển, sau đó nâng cao dần lên.

Bảo Ngọc (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang