Chuyên gia lý giải về việc đốt vàng mã, dắt tiền vào tay thần linh

author 11:45 25/02/2018

(VietQ.vn) - Khá nhiều người luôn suy nghĩ cứ phải “tốt lễ dễ kêu” như sắm vàng mã thật nhiều, rồi đặt tiền lên ban thờ, dắt vào tay thần linh... thì suy cho cùng là sự hối lộ thần linh mà thôi.

GS Trần Lâm Biền

Nói về câu chuyện không đốt vàng mã ở chùa và hành vi đặt, nhét tiền vào ban thờ và tay tượng phật, Giáo sư Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu di sản văn hóa đã chia sẻ với PV Báo điện tử Infonet quan điểm của ông về vấn đề này.

* Mới đây của Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyến khích người dân không đốt vàng mã nơi cửa chùa. Thượng tọa Thích Nhật Từ đã bày tỏ sự đồng tình với công văn này bởi ông cho rằng, việc không đốt vàng mã có thể nuôi sống hàng triệu người dân nghèo nước ta. Là một trong số ít những nhà nghiên cứu gắn bó cả đời với lĩnh vực di sản văn hóa, giáo sư đánh giá như thế nào về công văn này? Và công văn này đưa ra ở thời điểm hiện nay là quá muộn?

* GS Trần Lâm Biền: Tôi rất hoan hô tinh thần của Giáo hội phật giáo Việt Nam. Công văn đó đúng với tinh thần của văn hóa, chính sách của Nhà nước đó là điều rất tốt. Rất mong ý thức tuân thủ chủ trương của phật giáo được duy trì lâu dài và luôn luôn được Giáo hội phật giáo Việt Nam quan tâm nhắc nhở. Để thay đổi được tập tục này cần quá trình lâu dài bởi Giáo hội phật giáo không phải là tổ chức hành chính để có thể đưa ra những thiết chế, hình thức xử phạt, kỷ luật mà chỉ dừng ở khuyến khích.

Việc đưa ra văn bản đúng là hơi muộn trước một thực tế không mấy tốt đẹp về hiện tượng đốt vàng mã. Trước đây trong nhiều chùa có hiện tượng đốt vàng mã, tất nhiên không phải đem vàng mã lên ban thờ phật nhưng trong chùa còn có những ban bệ liên quan đến tục thờ mẫu, hoặc thờ những vị có công, vị thần được thờ … thì họ có đốt vàng mã ở trong chùa. Nhưng rõ ràng muộn còn hơn không.

* Không chỉ dừng lại ở việc đốt vàng mã, ngay cả tập tục đặt tiền, nhét tiền vào tay tượng phật cũng dần trở nên phổ biến khi phật tử đi lễ. Theo Giáo sư, những việc làm này có giúp họ đạt được điều mà họ mong muốn hay không?

* GS Trần Lâm Biền: Nhiều người dân không biết thì khó trách lắm bởi vì không ai nói cho họ biết. Thực sự, chúng ta cần phải có những giải thích về vấn đề này với người dân, nhất là với những người đi lễ. Bởi vì nhiều người đi lễ không hiểu được rằng, chính cái ban thờ là tầng trời, là biểu tượng cho tầng trên là các thánh thần.

Nếu đem đồng tiền thế gian đưa vào tầng trên không đúng với tín ngưỡng tôn giáo. Đồng tiền của thế gian chỉ được sinh hoạt ở thế gian chứ không phải đưa lên cúng cho thần linh.

Thần linh được người ta nhìn nhận có uy quyền, có siêu lực vô bờ bến. Cho nên thần linh là người cầm cân nẩy mực và thích ứng với các tấm lòng thành (cái Tâm – cái Trí tốt đẹp chứ không phải cứ có đồ lễ là tốt).

Vì nếu thực sự thần linh thích đồ lễ thật thì không bao giờ đồ lễ dâng lên rồi lại lấy về được. Rõ ràng chúng ta dâng cái gì lên cúng rồi lại được lấy về nguyên vẹn những đồ lễ đó. Những cái đó thần linh biểu tượng cho một tinh thần cao thượng nhất, tốt đẹp nhất và trí tuệ nhất…

Khá nhiều người luôn suy nghĩ cứ phải “tốt lễ dễ kêu” như sắm vàng mã thật nhiều, rồi đặt tiền lên ban thờ, dắt vào tay thần linh... thì suy cho cùng là sự hối lộ thần linh và điều này chỉ có đem đến tai họa mà thôi.

* Nói như Giáo sư thì người đi lễ phải thành tâm chứ không cần “tốt lễ” để mong “dễ cầu". Tuy nhiên, những năm gần đây đã có rất nhiều tổ chức, cá nhân sắm lễ vật khủng như bánh chưng, bánh dày khủng để dâng các thánh thần, ông lý giải sao về việc này?

* GS Trần Lâm Biền: Vấn đề này có nhiều mặt. Trong đó có sự chạy đua lòng thành kính. Nhưng lòng thành kính không thể cân, đong, đo, đếm bằng vật chất được. Khi vật chất càng nặng bao nhiêu thì ý thức vật chất nặng bất nhiêu. Vật chất càng nặng bao nhiêu thì tính thế gian càng níu kéo bấy nhiêu, không thể từ bỏ vật chất mà đi đến siêu thoát được. Vật chật càng nặng thì càng khó đi vào chỗ siêu thoát và càng xa với chân lý cao đẹp mà tổ tiên đã để lại.

Ngoài ra, nếu nói về mặt tốt đẹp là biểu hiện sự kính trọng của con người qua thần linh để xác nhận thành tâm của mình nhưng nếu có cái Tâm mà không có cái Tuệ làm bệ đỡ cho cái Tâm thì dễ đi đến chỗ sa đà vào cái mẽ, cái sĩ chứ không phải đi vào chỗ kính trọng.

Thần linh và tổ tiên thần linh không bao giờ nhận vật chất của bất kể ai. Đồ lễ cúng chỉ đưa lên để biểu hiện lòng thành kính thôi chứ không cần cái to hay cái nhỏ, mà cái quan trọng nhất là cái Tâm của anh có thành thực hay không chứ không phải cứ dâng lễ càng to thì càng dễ tìm được vinh quang trong đời này.

Thần linh không cần cái đấy, thần linh cần nhất sự thành tâm. Có người chỉ đi chùa, đến với một nén hương thôi với lòng thành tâm… thì họ vẫn nhận được quả phúc cao hơn những người mâm cao cỗ đầy như có tính chất đặt cược với thần linh vậy.

Hiện tượng dùng vật chất để đặt cược với thần linh không bao giờ người đó hưởng được quả phúc. Đi đến các chùa, các đền tâm thành mới là cao quý nhất.

* Xin cảm ơn Giáo sư về những chia sẻ của ông xung quanh vấn đề này!

Điểm c, khoản 1, Điều 18, Nghị định 75/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/7/2010 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi “đốt vàng mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hoá, nơi công cộng khác”

 Theo Infonet

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang