Chuyên gia nói về tranh thêu chữ thập có chất độc hại

author 06:57 29/03/2014

(VietQ.vn) – Biết là có thể mang nhiều loại bệnh từ việc thêu tranh chữ thập nhưng không ít người vẫn làm ngơ.

Để thêu được tranh chữ thập, nhà sản xuất nước ngoài đã làm cho vài thêu cứng hơn so với vải bình thường bằng một loại hóa chất. Trên bức thêu cũng có in sẵn các đường hướng dẫn, các ô màu khác nhau phù hợp với các họa tiết, hoa văn. Người thêu chỉ làm mỗi nhiệm vụ là luồn kim, chỉ qua những ô mầu đó. Khi hoàn thiện, được hướng dẫn là mang giặt, ngâm bức tranh đã thêu trong vài giờ. Tiếp đến là giặt sạch và phơi khô.

Tranh thêu có độc tố từ thuốc nhuộm vải

Nguy cơ mắc các bệnh nan y từ tranh thêu chữ thập. Ảnh minh họa

Từ một bức tranh với các mầu vẽ nhòe nhoẹt, sau những tháng ngày đeo đuổi, ngồi còng cả lưng, đau cả gối, mắt mờ, vai mỏi… cuối cùng những bức tranh thêu chữ thập đã là một tác phẩm hoàn chỉnh và sẽ nổi bật hơn khi được khung, được quét nhũ óng ánh.

Không ít chuyên gia cho rằng, nếu những bức tranh thêu chữ thập không bị ngâm tẩm hóa chất, mầu nhuộn an toàn với người sử dụng, chỉ cần biết cách là người thêu không dính hóa chất độc hại và bệnh tật về xương khớp, về mắt, về dây thần kinh tọa… khi ngồi quá nhiều. Nhưng thực tế, trong lĩnh vực dệt may và nhuộm vải, việc dùng các hóa chất làm cho vài cứng, vải mềm, làm cho bám mầu nhuộm là hiện tượng rất phổ biến. Đặc biệt, trong vải còn có những hóa chất, thuốc nhuộm không chỉ độc hại đối với người trực tiếp tiếp xúc mà các chất đó khi được giặt, thải ra môi trường còn là nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng về lâu dài.

Liên quan đến tranh thêu chữ thập đang được cho là nguồn cơn hủy hoại sức khỏe người dùng. Các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo, nhưng không ít người vẫn “vùi đầu” vào tranh thêu chữ thập.

TS Đặng Chí Hiền – Viện công nghệ hóa học (TP. HCM): aromatic amine thuộc nhóm amine thơm, đã bị cấm sử dụng từ lâu. Nó gây kích ứng cho da, mẩn ngứa, viêm nhiễm. Đặc biệt, nếu mặc đồ có chứa chất này có thể gây ung thư. Người có cơ địa dị ứng càng dễ bị nhiễm độc hơn. Tuy nhiên, đây không phải là một chất mà là một nhóm hợp chất hữu cơ có cấu trúc nhân thơm và nhóm thế là amine. Để biết chúng có gây độc hại hay không thì cần phải phân tích, xét nghiệm mẫu để biết chính xác trong quần áo, vải sợi Trung Quốc có chứa chất độc hại gì, hàm lượng ra sao.

Để bảo vệ sức khỏe của người dân, các ngành chức năng cần sớm vào cuộc kiểm tra các lô hàng trước khi nhập khẩu vào Việt Nam, nhất là từ Trung Quốc. Các cơ quan chức năng cũng cần đưa ra những thông tin chính xác, tránh gây hoang mang cho người sử dụng. Người dân bằng mắt thường khó có thể nhận biết được sản phẩm chứa chất gây ung thư amine này vì có nhiều hóa chất thể hiện cùng một màu khi quan sát.

Để đề phòng bệnh tật lây nhiễm, người tiêu dùng nên giặt quần áo thật kỹ và phơi nắng ráo trước khi mặc. Tốt nhất người tiêu dùng nên chọn mua quần áo được sản xuất tại Việt Nam, có nguồn gốc rõ ràng, ghi đầy đủ thành phần nguyên liệu.

PGS. TS Trần Hồng Côn, Giảng viên Khoa Hoá, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội: Chất aromatic amine có khả năng gây ung thư với người sử dụng. Khi sử dụng phẩm nhuộm azo cho quần áo thuộc da, các phẩm nhuộm azo sẽ dần dần phân giải cho ra các aromatic amine trên và dễ dàng thâm nhập vào cơ thể khi tiếp xúc với da. Ngoài ra, các aromatic amine có độ pH khá cao nên nếu tiếp xúc với da dễ dàng gây kích ứng da, đặc biệt là da trẻ em vì làn da trẻ dễ mẫn cảm. Tuy nhiên, độc chất này chỉ gây hại khi quần áo, vải vóc còn mới. Bình thường thì sẽ không có vấn đề gì nhưng khi mặc trẻ nhỏ va quệt vào miệng thì sẽ nguy hại.

Để tránh những độc hại từ các loại quần áo không được sản xuất an toàn, người tiêu dùng nên tránh các loại quần áo có mùi khó ngửi. Với quần áo nhuộm, nên giặt cho đến khi ra hết màu mới sử dụng. Quần áo mới mua về không nên mặc ngay, mà phải giặt nhiều lần để loại bỏ chất độc bám trên đó. Sau đó đem quần áo phơi nắng.

Bác sĩ Nguyễn Minh Quang, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội: Trong chất liệu may mặc có hóa chất nhuộm màu, nếu không phải là các hóa chất đảm bảo chất lượng thì nó có thể là yếu tố gây kích ứng, dị ứng lên bề mặt da với biểu hiện như sẩn ngứa, mẩn đỏ. Vì vậy, các sản phẩm tuy là bên ngoài nhưng nếu không rõ nguồn gốc, sản phẩm không đảm bảo chất lượng thì cũng ảnh hưởng đến sức khỏe ở các mức độ khác nhau phụ thuộc vào loại hóa chất, nồng độ tồn dư, mức độ tiếp xúc và yếu tố cơ địa.

Th.S-BS Bùi Văn Khánh, Trung tâm dị ứng - miễn dịch lâm sàng - Bệnh viện Bạch Mai: Chất liệu vải, chất nhuộm vải có thể là yếu tố gây dị ứng dù việc xác định, khẳng định chính xác loại vải đó, chất nào trong đó gây dị ứng là rất khó. Gần đây, trung tâm có tiếp nhận bệnh nhân nam, sống tại Hà Nội bị dị ứng được chẩn đoán là có liên quan đến chất liệu áo mà bệnh nhân thường mặc. Theo bác sĩ Khánh, cũng như các hóa chất khác, chất nhuộm màu có thể gây phản ứng nặng nhẹ khác nhau mà phổ biến nhất là gây sẩn ngứa (cơ địa, viêm da tiếp xúc). Dị ứng hóa chất nhuộm trong vải may trang phục có thể biểu hiện: khó thở, có thể nổi ban toàn thân.

Nhiều hóa chất được dùng để làm cứng vải và in mầu dẫn thêu

Nhiều hóa chất được dùng để làm cứng vải và in mầu dẫn thêu. Ảnh minh họa

Theo ThS Trần Thị Thu Dung, Giám đốc Trung tâm thí nghiệm Dệt may (Viện Dệt may): Các amin thơm gây ung thư có thể giải phóng ra từ thuốc nhuộm azo là các chất bị cấm có trong vải. Còn formandehyt cũng được xem là chất có nguy cơ gây ung thư, dị ứng cho người sử dụng. Cả hai chất này đều được Bộ Công Thương quy định là phải kiểm tra đối với các mặt hàng dệt may theo Thông tư số 32/ 2009/TT – BCT. Theo đó, các sản phẩm dệt may được sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh trên thị trường Việt Nam đều phải thực hiện việc kiểm tra chất lượng trước khi lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, bà Dung cũng nhấn mạnh, hiện chưa có bất cứ đơn vị nào nhập khẩu mặt hàng tranh thêu chữ thập có chứng nhận kiểm nghiệm chứng minh đạt tiêu chuẩn các chỉ tiêu trên. Điều nay có thể gây mất an toàn cho người tiêu dùng. Bởi khi thêu, người sử dụng tiếp xúc với vải, chỉ thêu rất lâu. Thậm chí có những người còn mút, vuốt chỉ thêu để xâu kim, hay sử dụng tranh thêu vào các đồ dùng gia đình như gối, chăn, khăn...

Kỹ sư Trương Phi Nam, Trưởng phòng nghiên cứu, thí nghiệm mẫu nhuộm Việt Dệt may: Hiện có 22 chất amin thơm có thể giải phóng ra từ thuốc nhuộm azo được cho là có khả năng gây ung đến người tiêu dùng. Trong đó có 5-6 chất được chứng minh gây ung thư. Các chất này hiện nay đã bị cấm.

Ông Hoàng Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (TT 3): Chưa có đơn vị nhập khẩu chỉ thêu, vải thêu nào đăng ký kiểm định chất lượng tại TT 3. Phần lớn hàng được nhập theo đường tiểu ngạch. Hiện nay chưa có quy định bắt buộc nào áp dụng cho mặt hàng tranh thêu, riêng chỉ thêu thuộc nhóm vật liệu dệt phải qua kiểm tra chất lượng theo quy định của Bộ Công Thương vì có khả năng chứa phẩm màu nhuộm azo (chất thuộc danh mục cấm) và formandehyt (chất có nguy cơ gây dị ứng, ung thư đối với người tiếp xúc nhiều). phát triển ở trẻ em, rối loạn giới tính, hiếm muộn, vô sinh, dị dạng, quái thai.

TS. Huỳnh Khánh Duy - giảng viên Bộ môn Kỹ thuật hữu cơ, Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM: Để được một sợi chỉ thêu hoàn chỉnh, sợi sau khi được se từ xơ phải trải qua các quá trình: tiền xử lý (nấu, tẩy), nhuộm màu. Mỗi quy trình đều sử dụng chất hóa học. Giai đoạn xử lý giúp sợi dễ ngấm thuốc nhuộm. Các chất tiền xử lý được sử dụng tùy thuộc vào nguồn gốc của mỗi loại sợi. Thí dụ, với loại sợi được làm từ xơ cotton, sau giai đoạn rũ hồ bằng men vi sinh là giai đoạn nấu với dung dịch xút (NaOH). Nếu xút không được giặt sạch, vẫn còn tồn trên sợi thì tùy theo hàm lượng tồn dư mà chất này có thể gây các tác dụng khác nhau như: kích ứng da, khô da, phỏng, hoại tử, tiêu chảy (nếu nhiễm vào đường tiêu hóa). Chưa kể, sợi còn qua chất tẩy trắng hydrogen peroxide. Đây là chất oxy hóa và có tính ăn mòn khá mạnh, có thể ăn mòn da và mô khi ở nồng độ lớn.

Nghiêm trọng hơn, một số quy trình cũ, lạc hậu có thể sử dụng chlorine hoặc dung dịch hypochlorite làm chất tẩy cho sợi. Nếu sử dụng quy trình này, sản phẩm sẽ tồn lưu các chất độc hại. Dù có thể tồn đọng trên chỉ thêu với hàm lượng rất nhỏ nhưng những hợp chất hữu cơ chứa chlor độc hại này vẫn có thể gây ra những nguy cơ cho sức khỏe như rối loạn nội tiết, rối loạn quá trình.

Trước sự ưa chuộng tranh thêu chữ thập của người tiêu dùng nhưng chưa có cảnh báo nào của các cơ quan chức năng và sự lo lắng của nghề nghiệp nên Trung tâm thí nghiệm Dệt may (Viện Dệt may) đã thử nghiệm mẫu tranh thêu được mua ngẫu nhiên ngoài chợ. Chỉ tiêu kiểm nghiệm là tìm hàm lượng chất formandehyt và các amin thơm gây ung thư có thể giải phóng ra từ thuốc nhuộm azo trên vải, chỉ thêu. Kết quả cho thấy, hàm lượng formandehyt không vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Đồng thời không tìm thấy các các amin thơm gây ung thư có thể giải phóng ra từ thuốc nhuộm azo trên màu vải và chỉ.

“Đối với một mẫu kiểm nghiệm của Trung tâm chỉ mang tính chất thử nên không đánh giá được toàn bộ chất lượng mặt hàng này. Trên thực tế có rất nhiều hãng, cơ sở sản xuất khác nhau. Mỗi nơi sẽ sử dụng hóa chất nhuộm, chất liệu vải, và mỗi một bức tranh có thể có hơn 50 màu chỉ khác nhau. Vì thế chưa thể xác định sản phẩm đó có an toàn hay không. Cách duy nhất để an toàn cho người tiêu dùng là các cơ quan chức năng cần kiểm tra kỹ mặt hàng này từ khâu nhập khẩu đến phân phối. Đồng thời, các đơn vị cũng tuân thủ quy định của Nhà Nước thông qua thông tư 32 của Bộ Công Thương, tức phải kiểm tra chất formandehyt và các amin thơm từ thuốc nhuộm azo. ThS Trần Thị Thu Dung - Giám đốc Trung tâm thí nghiệm Dệt may (Viện Dệt may) cho biết.

Nguyễn Nam (s/t)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang