Chuyên gia nước ngoài 'hiến kế' nông dân Việt Nam không bị ép giá

author 11:26 04/11/2014

(VietQ.vn) - Có nhiều lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp và nông thôn nhưng người dân Việt Nam luôn bị động và không có nhiều quyền trong thương lượng giá nên bị thiệt thòi.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Bên lề Hội thảo “Tích hợp trang trại quy mô nhỏ vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu thông qua ký kết hợp đồng” do Viện Năng suất Việt Nam - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) tổ chức trong các ngày từ 3 - 7/11/2014 tại Hà Nội, các chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) và từ 23 nước thành viên APO đều cho rằng, trong xu hướng hội nhập hiện nay, người nông dân nói chung và người nông dân Việt Nam nói riêng cần phải hướng vào làm ăn có các cam kết, giao dịch hợp đồng. Việc giao dịch bằng các hợp đồng cũng đòi hỏi người nông dân phải có trách nhiệm và nỗ lực hơn. Thông qua đó, các doanh nghiệp sẽ không ép giá hoặc thu mua tùy tiện, gây nhũng nhiễu thị trường. 

TS. Carlos A.B.da Silva khẳng định, việc người nông dân ký kết hợp đồng mua bán với doanh nghiệp sẽ giúp họ có lợi ích tốt hơn

TS. Carlos A.B.da Silva khẳng định, việc người nông dân ký kết hợp đồng mua bán với doanh nghiệp sẽ giúp họ có lợi ích tốt hơn. Ảnh: N. N

Theo TS. Carlos A.B.da Silva, vấn đề tích hợp trang trại quy mô nhỏ vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu thông qua ký kết hợp đồng ở trên thế giới không phải là vấn đề mới nhưng nó lại rất mới đối với Việt Nam. Đặc biệt, người nông dân Việt Nam còn rất xa lạ với vấn đề ký kết hợp đồng, bán theo giao kèo, thỏa thuận. Người nông dân Việt Nam vẫn thường tự cung tự cấp, có sản phẩm là tự bán, chưa có nhiều nơi tổ chức được thành mạng lưới. Cũng chính vì thế mà họ luôn ở thế bị động và bị thương lái ép giá.

"Ký kết hợp đồng với người nông dân là hình thức bán hàng trực tiếp nhất để mà liên kết giữa nhà phân phối và nông dân, đưa sản phẩm ra thị trường. Đây là phương thức rất hiệu quả, vì thông thường, làm ăn theo phương thức cũ, người nông dân sẽ bị ép giá và phải bán qua thương lái. Sản phẩm của người nông dân cũng vì thế khi đến tay người tiêu dùng bị đội giá bởi qua rất nhiều cầu. Điều này cũng có nghĩa, người tiêu dùng không mua được giá tốt mà người nông dân cũng không bán được giá cao. Khi đã ký kết hợp đồng sẽ giúp cho người nông dân cải thiện thu nhập, cải thiện sản xuất, kỹ thuật trong nông nghiệp", TS. Carlos A.B.da Silva nói.

Cũng theo TS. Carlos A.B.da Silva, ông là người Brazil, nước đứng số 1 ngành chăn nuôi thế giới, 75% các sản phẩm chăn nuôi được thực hiện theo phương thức ký kết hợp đồng. Brazil cũng có thế mạnh xuất khẩu được thực hiện bởi các doanh nghiệp lớn nhưng nguồn cung hàng xuất khẩu lại được lấy từ các hộ dân rất nhỏ. Các doanh nghiệp đầu mối thu mua cung cấp hết cho người nông dân kỹ thuật, thức ăn chăn nuôi, thuốc men... còn người nông dân chỉ đầu tư công sức để làm theo yêu cầu của doanh nghiệp. Cũng chính vì thế mà thời gian qua, Brazil đã trở thành nước xuất khẩu rất cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

 Hình thức giao kết hợp đồng này cũng giúp cho người nông dân chịu ít áp lực hơn và họ chỉ cần tập trung vào việc chăn nuôi cho tốt. Còn các vấn đề về tài chính, thu mua sản phẩm, đầu tư và tìm kiếm thị trường đã được công ty thu mua thực hiện.

ông Joselito C Bernardo - Trưởng ban Nông nghiệp, Tổ chức Năng suất Châu Á (APO)

Ông Joselito C. Bernardo - Trưởng ban Nông nghiệp, Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) khẳng định, APO sẽ tăng cường hơn nữa các hỗ trợ nâng cao năng lực cho người nông dân Việt Nam. Ảnh: N. N

Ở Việt Nam có nhiều ví dụ điển hình trong việc giao kết hợp đồng giữa người nông dân và doanh nghiệp nhưng vẫn còn rất manh mún. Đã có những mô hình ký kết hợp tác chăn nuôi, bao tiêu sản phẩm gia cầm như trong chăn nuôi gà lôi, gà đông cảo ở TP. Hồ Chí Minh. Mô hình này, doanh nghiệp Việt Nam cũng đã bao tiêu toàn bộ sản phẩm, thức ăn, kỹ thuật chăm sóc và thị trường đầu ra cho sản phẩm. Hoặc các mô hình trồng rau sạch cũng đang được triển khai ở khắp nơi.

Về vấn đề sản xuất nông nghiệp trong nước để không phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài để cạnh tranh tốt hơn, TS. Carlos A.B.da Silva cho rằng, việc cạnh tranh là hết sức bình thường, Việt Nam nên tìm ra các mặt hàng tốt nhất, có khả năng cạnh tranh tốt nhất, đó là chìa khóa để người nông dân tìm được đầu ra cho sản phẩm.

Theo ông Joselito C Bernardo - Trưởng ban Nông nghiệp, Tổ chức Năng suất Châu Á (APO), trong thời đại toàn cầu hóa, đồng nghĩa với việc cạnh tranh khốc liệt diễn ra, người nông dân phải tiếp cận với thị trường và người tiêu dùng. Việc ký kết các hợp đồng giữa doanh nghiệp và người nông dân để tăng tính cạnh tranh, đảm bảo lợi ích giữa các bên. APO là tổ chức quốc tế, có 25 chương trình về nông nghiệp vào năm 2014. Các chương trình này là cầu nối để các nước thành viên APO cùng nhau thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp nói chung.

"APO không trực tiếp hỗ trợ từng hộ nông dân vì số lượng quá đông. Chúng tôi chỉ hỗ trợ chung với sự tham gia của các bộ, ngành, các nhà quản lý, các nhà khoa học... qua các chương trình như vậy, cung cấp các kỹ năng quản lý, marketing, kỹ năng về nông nghiệp để từ đó truyền thụ rộng rãi trong cộng đồng", ông Joselito C Bernardo nói.

APO và FAO có sự hợp tác với nhau để cùng hỗ trợ người nông dân trên thế giới tham gia vào ký kết hợp đồng với doanh nghiệp. Mô hình này đã thịnh hành ở Thái Lan, Philippin và nhiều nước châu Á khác. Đặc biệt ở Philippin, mô hình ký kết hợp đồng như vậy đã xuất hiện từ những năm 70 của thế kỷ trước với những sản phẩm thêu và đã rất thành công. Hiện nước này đã mở rộng mô hình ký kết hợp đồng ở rất nhiều lĩnh vực khác.

Hiện nay APO có 20 quốc gia và nền kinh tế là thành viên. Việt Nam đã là thành viên của tổ chức này vào năm 1996. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là cơ quan chủ trì tham gia thành viên APO. Với khẩu hiệu "Vì một ngày mai tốt hơn ngày hôm qua" các hoạt động của APO góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các nền kinh tế thành viên thông qua các hoạt động nâng cao năng suất chất lượng tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, môi trường, phát triển cộng đồng vì mục tiêu tối đa hóa nguồn lực và phát triển bền vững.

Nguyễn Nam


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang