Chuyên gia nước ngoài khuyên Việt Nam mạnh dạn tăng giá điện

author 10:32 12/06/2015

(VietQ.vn) - “Chính phủ Việt Nam nên mạnh dạn hơn trong việc tăng giá năng lượng đối với các công ty, nhà máy tiêu thụ điện năng lớn. Các doanh nghiệp đều sẵn sàng chấp nhận việc tăng giá điện theo thời gian”.

Doanh nghiệp không quan tâm đến giá điện

Trong trình bày của mình, ông Sean Chung - đại diện Tiểu Nhóm công tác điện và năng lượng của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) mới đây cho rằng, các doanh nghiệp nước ngoài không đầu tư vào năng lượng Việt Nam chỉ vì giá năng lượng được ghi nhận ở mức thấp. Vậy nên khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam không dựa trên năng lượng giá rẻ. Điều này một phần có thể do các công ty nước ngoài, tiêu tốn một chi phí tương đối không đáng kể cho việc tiêu thụ điện năng.

Theo ông Sean Chung, thực tế, các doanh nghiệp xếp hạng giá năng lượng là yếu tố ít quan trọng nhất, trong 10 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của họ tại Việt Nam. Các yếu tố quan trọng hơn đối với nhà đầu tư là chi phí, mức độ sẵn sàng của lao động tay nghề, điều kiện thị trường nội địa và chính sách phát triển của Chính phủ.

Dẫn chứng về vấn đề này, Tiểu Nhóm Công tác điện và năng lượng VBF chia sẻ, nghiên cứ mới đây cho thấy có 90% công ty nước ngoài trong hầu hết các ngành chi ít hơn 10% trong tổng chi phí hoạt động cho điện, 60% công ty có chi phí cho điện thấp hơn 5%. 

“Các doanh nghiệp hoàn toàn hiểu rõ thực trạng Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục bị lỗ, giá điện vẫn ở mức thấp trong khu vực. Vì vậy, Việt Nam cần phải nghiêm túc xem xét việc tăng giá điện để trang trải chi phí và khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực năng lượng từ phía EVN và khu vực tư nhân”, ông Sean Chung nhận định. 

Chuyên gia nước ngoài khuyên Việt Nam mạnh dạn tăng giá điện

Các chuyên gia nước ngoài khuyên Việt Nam tăng giá điện để thu hút đầu tư. Ảnh minh họa

Giá điện thấp, hạn chế đầu tư

Trước vấn đề trên, Nhóm Công tác điện và năng lượng VBF  cũng đã đưa ra đề nghị Việt Nam cần tiếp tục và đẩy nhanh lộ trình điều chỉnh chính sách trợ giá điện, để giúp phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam. Đồng thời sẽ giúp EVN tái cấu trúc để hoạt động hiệu quả hơn, có lợi nhuận theo thông lệ quốc tế. “Việc điều chỉnh giá điện làm cho tị trường năng lượng cạnh tranh lành mạnh và sẽ tránh hiện tượng mất điện, thiếu hụt điện mà hiện nay đang ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành công nghiệp của Việt Nam”, Nhóm công tác này kiến nghị. 

Để hướng tới mục tiêu tăng giá điện đối với các nhà máy công nghiệp, Nhóm Công tác điện và năng lượng VBF khuyến nghị Việt Nam cần thực hiện bằng cách tăng giá dần dần. Nhìn chung các doanh nghiệp đều sẵn sàng chấp nhận việc tăng giá điện theo thời gian; tuy nhiên, việc tăng giá điện trong một thời gian ngắn sẽ có những hạn chế nhất định mà các doanh nghiệp thực tế có thể chấp nhận được.

Kết quả khảo sát cho thấy chỉ có một số ít doanh nghiệp có thể chịu đựng được mức tăng trên 20% một năm. Mặc dù việc tăng giá điện là thực sự cần thiết, Chính phủ Việt Nam cần xác định và chỉ nên đưa ra một biểu giá điện công nghiệp với mức tăng khoảng 15 đến 20% một năm (với khả năng tăng cao hơn phụ thuộc vào tỷ lệ lạm phát) trong vòng từ 3-4 năm tới. Điều này sẽ giúp giải quyết đáng kể các vấn đề liên quan đến giá điện thấp như hiện nay, trong khi tạo niềm tin cho doanh nghiệp để lên kế hoạch và tránh những ảnh hưởng không đáng có của việc tăng giá điện đột ngột.

Nhóm này quan ngại, EVN tiếp tục hoạt động không hiệu quả và giá điện vẫn duy trì mức giá thấp nhất trong khu vực. Điều này hạn chế vốn đầu tư trực tiếp vào cơ sở hạ tầng hệ thống lưới điện đồng thời giảm nỗ lực tiết kiệm năng lượng của khách hàng. Vì vậy, đã đề nghị tiếp tục và đẩy nhanh lộ trình điều chỉnh chính sách trợ giá điện để giúp phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam.

Đồng thời đề nghị Bộ Công thương chuẩn bị lộ trình chi tiết cho Giá bán lẻ điện đến năm 2020 tầm nhìn năm 2030. Động thái này sẽ giúp EVN tái cấu trúc để hoạt động hiệu quả hơn, có lợi nhuận hơn. Đồng thời, sẽ tạo điều kiện gia nhập thị trường cho các nhà đầu tư cả trong nước và quốc tế nhằm thúc đẩy và khuyến khích các nỗ lực tiết kiệm năng lượng của người sử dụng cuối cùng. Theo đó, chúng tôi ủng trợ bảo lãnh của các nhà tài trợ cho các điều khoản của Hợp đồng mua bán điện (PPA) cho EVN, mà hiện nay đang phải yêu cầu bảo lãnh của Bộ Tài chính cho mỗi dự án điện.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang