Không nên trói buộc ĐKKD không phổ biến theo kiểu ‘một người bị bệnh bắt cả làng mua thuốc’

authorNgọc Xen 07:13 28/03/2019

(VietQ.vn) - Nếu không phải điều kiện kinh doanh phổ biến thì không nên quy định thành những trói buộc pháp luật theo kiểu “một người bị bệnh bắt cả làng mua thuốc”, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định.

Trao đổi với phóng viên về thách thức gây ra những khó khăn, nghi ngại về khả năng tiếp cận và phát triển thương mại số của Việt Nam, cũng như cơ hội phát triển cho nền kinh tế số nước nhà, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã có những chia sẻ hết sức xác đáng.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, có 3 khía cạnh thách thức với thương mại số Việt Nam hiện nay, cụ thể là:

Vấn đề về xây dựng hệ thống dữ liệu vẫn còn yếu, thông tin thống kê vẫn còn thiếu, công bố tương đối chậm và thiếu độ mở... “Một khi thiếu chuẩn mực về thống kê hoặc phương pháp luận khi xây dựng dữ liệu sẽ làm cho độ tin cậy của các con số đưa ra chưa cao. Do vậy, tôi hình dung hệ thống dữ liệu của Việt Nam sẽ chưa dễ dàng để hình thành một hệ thống đủ độ tin cậy và đủ khả năng giúp cho chúng ta có cơ sở để xây dựng, hoạch định, đánh giá các chiến lược chung cho cả doanh nghiệp (DN) lẫn nhà nước.

Nếu như DN dùng số liệu giả thì chính bản thân DN sẽ tự lừa mình hoặc bị nhiễu đi về đánh giá hoặc định vị mình cho xác đáng”.

Vấn đề về tập quán kinh doanh, văn hóa kinh doanh: “Trên thực tế, nước ta hiện nay chiếm đến 98% DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Đối với những DN này luôn có một loạt hạn chế như quy mô nhỏ, kinh doanh đa dạng, thương mại bán buôn bán lẻ nhiều mặt hàng làm phân tán, thiếu đi tính chuyên môn cần thiết, trình độ quản trị cũng cần phải xem xét, năng lực cạnh tranh, năng suất lao động đều có vấn đề... hoặc việc liên kết nội ngành, giữa các ngành với nhau vẫn yếu...”.

Chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh tới rào cản thứ 3, chính là vấn đề pháp luật: “Từ năm 2015 trở lại đây, chúng ta đưa ra khá nhiều các quy định ở tầng luật hoặc tầng nghị định về khuyến khích phát triển công nghệ cao với khát vọng lớn ứng dụng công nghệ vào Việt Nam, thúc đẩy DN Việt phát triển công nghệ, từ đó có năng lực cạnh tranh mới, tạo ra năng suất lao động cao hơn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, căn bệnh hệ thống luật pháp ở đây thường nằm ở chỗ ngay cả những quy định mới được đưa ra chưa đủ độ minh bạch, độ nhất quán; giữa văn bản này, văn bản khác có vênh nhau; thiếu tính ổn định nhất định, nhiều khi tính khả thi vẫn còn yếu...

Có những chính sách, quy định tốt mà nhà nước ban hành để hỗ trợ, khuyến khích DN phát triển nhưng trên thực tế nhiều DN chưa tiếp cận được, thành ra có mà không dùng được.

Thương mại điện tử ở Việt Nam càng ngày càng phát triển khá hơn, nhưng nhiều DN vẫn còn rất lúng túng vì vướng một số vấn đề như việc thanh toán điện tử chưa được hình thành tốt, mật độ người Việt Nam sử dụng thanh toán qua ngân hàng cũng chưa cao... Hoặc vấn đề chữ kí điện tử cũng chưa phải là vấn đề mà xã hội Việt Nam dễ dàng chấp nhận được, chưa kể những giao dịch xuyên biên giới thì sẽ phức tạp hơn nhiều.

Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, tuy có cắt giảm được nhiều nhưng cũng rất nhiều điều kiện 'mọc' lên. Nghĩa là những điều kiện chuyên ngành cho các ngành cụ thể quá rối rắm, nhiều khi theo góc độ chuyên ngành quy định một đằng, nhưng lại cản trở DN hoạt động trên góc độ khác liên quan.

Bởi vậy, tính đồng bộ thiếu vắng kể cả trong các hoạt động chuyên ngành gây nên nhiều khó khăn, nhất là khi các DN Việt Nam hoạt động đa ngành, hoặc liên quan đến những ngành khác là đầu vào, đầu ra cho DN thì sẽ lập tức vấp phải ngay những quy định về chuyên ngành mà thiết kế bất cập, hoặc quá chi tiết cho một lĩnh vực nào đó, hoặc nó không phải là điều kiện kinh doanh phổ biến thì không nên quy định thành những trói buộc pháp luật theo kiểu “một người bị bệnh bắt cả làng mua thuốc” (!?)

Thiết nghĩ, những quy định đó phải mở và thông thoáng hơn, nhà nước nên tin và để cho bản thân các DN giám sát lẫn nhau hơn là việc bất kì điều gì cũng sử dụng công cụ nhà nước giám sát".

Ngoài ra, chuyên gia cũng đưa ra những cơ hội lớn để Việt Nam có thể tiếp cận được với thương mại số, kinh tế số nói chung, điển hình như việc Việt Nam đang thực sự bàn bạc cấp cao nhất về việc đổi mới mô hình tăng trưởng: “Phải đổi mới do những động lực cũ đã dần cạn kiệt: lao động giá rẻ không còn nữa, tài nguyên thiên nhiên đã cạn kiệt, các động lực khác không còn khai thác được nữa... Mới đây, tôi cùng tổ tư vấn của Thủ tướng, Ngân hàng thế giới... đã trình bày những ý tưởng thống nhất tương đối cao về việc ‘mô hình tăng trưởng tương lai của Việt Nam phải do năng suất lao động dẫn dắt’, năng suất lao động tăng lên dựa vào chất lượng con người và công nghệ...

Đặc biệt, theo tôi, nếu như chúng ta có một thể chế thực sự hỗ trợ, khuyến khích cho kinh tế số nói chung và thương mại số nói riêng phát triển tại Việt Nam thì tôi tin nhất định nó sẽ phát triển được.

Chuyên gia Phạm Chi Lan: Kinh tế số Việt Nam đang khát khao phát triển!(VietQ.vn) - "Chúng ta khao khát sự thay đổi, vươn lên nắm bắt xu thế mới làm cho kinh tế số nói chung và thương mại số nói riêng phát triển mạnh mẽ hơn, phát triển chứ không chỉ có tăng trưởng", Chuyên gia Phạm Chi Lan nhận định.

Ngọc Xen

 

 

 

 

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang