Chuyên gia Phạm Chi Lan: Kinh tế số Việt Nam đang khát khao phát triển!

author 12:48 26/03/2019

(VietQ.vn) - "Chúng ta khao khát sự thay đổi, vươn lên nắm bắt xu thế mới làm cho kinh tế số nói chung và thương mại số nói riêng phát triển mạnh mẽ hơn, phát triển chứ không chỉ có tăng trưởng", Chuyên gia Phạm Chi Lan nhận định.

"Chúng ta khao khát sự thay đổi, vươn lên nắm bắt xu thế mới làm cho kinh tế số nói chung và thương mại số nói riêng của Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn. Phát triển chứ không phải chỉ có tăng trưởng, vì thường tăng trưởng có thể cao hơn các nước xung quanh về tốc độ nhưng vẫn thua về khoảng cách, do xuất phát điểm của Việt Nam thấp so với các nước khác", bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo “Cách mạng dữ liệu: Thương mại trên nền tảng số và cơ hội cho Việt Nam”.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. 

Chuyên gia Phạm Chi Lan cho biết, một thông tin gây “sốc” cho người Việt Nam đó là việc cách đây 2 năm, chỉ số sáng tạo của Lào cao hơn Việt Nam và Lào đang có xu hướng vượt lên Việt Nam về chỉ số này. Tuy nhiên, chuyên gia chia sẻ, đó cũng là một thông tin tốt (dù làm cho không ít người Việt Nam buồn), nó làm cho chúng ta "tỉnh" hơn và không có quyền hài lòng với những gì chúng ta đã làm được.

Bà Lan đưa ra 3 khía cạnh cũng là thách thức đối với thương mại số Việt Nam hiện nay: Vấn đề về dữ liệu vẫn còn thiếu vắng thông tin, số liệu công bố tương đối chậm; Vấn đề về pháp luật, từ năm 2015 trở lại đây, chúng ta đưa ra khá nhiều quy định hoặc ở tầng luật, hoặc ở tầng nghị định về khuyến khích phát triển công nghệ cao với khát vọng lớn ứng dụng công nghệ vào Việt Nam, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển công nghệ, từ đó có năng lực cạnh tranh mới, tạo ra năng suất lao động cao hơn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, hệ thống luật pháp ở đây vẫn tồn tại ở chỗ ngay cả những quy định mới được đưa ra chưa đủ độ minh bạch, độ nhất quán giữa văn bản này, văn bản khác có vênh nhau. Thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn còn nhiều doanh nghiệp lúng túng do vướng mắc về thanh toán điện tử, chữ kí điện tử...

Vấn đề về tập quán kinh doanh, văn hóa kinh doanh, 98% doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có nhiều hạn chế như quy mô, thương mại bán buôn bán lẻ nhiều mặt hàng làm phân tán, thiếu tính chuyên môn cần thiết, quản trị... hoặc việc liên kết nội ngành, giữa các ngành với nhau vẫn yếu...

Bà Lan nhấn mạnh, chính từ thách thức này, chúng ta càng phải nhìn nhận để vươn lên. Đồng thời, bà cũng đưa ra những cơ hội lớn để Việt Nam có thể tiếp cận với thương mại số, kinh tế số nói chung, điển hình như việc Việt Nam đang thực sự bàn bạc cấp cao nhất về việc đổi mới mô hình tăng trưởng.

“Phải đổi mới do những động lực cũ đã dần cạn kiệt: lao động giá rẻ không còn nữa, tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt, các động lực khác không còn khai thác được... Mới đây, tôi cùng tổ tư vấn của Thủ tướng, Ngân hàng thế giới... trình bày những ý tưởng thống nhất tương đối cao về việc “Mô hình tăng trưởng tương lai của Việt Nam phải do năng suất lao động dẫn dắt”, năng suất lao động tăng lên dựa vào chất lượng con người và công nghệ, cùng với đó thể chế cũng là tiền đề để có được dẫn dắt bằng năng suất lao động cho Việt Nam trong tương lai”, bà Lan cho hay.

Bên cạnh đó, TS. Konstantin Matthies, Công ty AlphaBeta cho biết, 2 thành tố của thương mại số đó là giá trị trong nước và giá trị nước ngoài. Trước đây, người ta quan tâm tìm kiếm nhiều hơn đến giá trị nước ngoài – cơ hội xuất khẩu từ thương mại điện tử nhưng có lúc quên đi giá trị tìm kiếm được ngay trên sân nhà.

Thương mại trên nền tảng số hỗ trợ cho năng suất, tăng trưởng và hiệu quả chi phí qua 6 kênh chính: Xác định và gia nhập thị trường mới; Giảm chi phí và tăng tốc độ lưu trữ, xử lý và truy cập dữ liệu; Hỗ trợ cộng tác; Đưa ra những hiểu biết sâu hơn dựa vào dữ liệu; Giới thiệu các thực hành kinh doanh hiệu quả hơn; Tạo và hợp lý hóa các chuỗi giá trị toàn cầu.

TS. Matthies khẳng định, Việt Nam đã và đang thu về được giá trị đáng kể từ thương mại trên nền tảng số nhưng giá trị này trong tương lai còn có thể cao hơn nhiều.

Chuyên gia Phạm Chi Lan: Muốn làm lớn phải có khát vọng và thay đổi tư duy!(VietQ.vn) - "Bối cảnh hiện nay buộc chúng ta phải nghĩ lớn, làm lớn mà không có sự lựa chọn nào khác…".

Thanh Ngọc

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang