Chuyển giao công nghệ cho miền núi - Đi quá nửa chặng đường

author 07:21 18/12/2013

(VietQ.vn) – Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, mục tiêu là phải chuyển giao 900 công nghệ cho nông dân vùng sâu vùng xa, miền núi. Đến nay mới đi được quá nửa chặng đường.

Chương trình "Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011 - 2015" (Chương trình NTMN) đã đi được hơn một nửa chặng đường.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân cho biết, Chương trình NTMN do Bộ KH&CN chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam triển khai trong thời gian qua đã đạt được những mục tiêu do Thủ tướng Chính phủ giao.

Người nông dân có thể đặt hàng nhà khoa học.

Mục tiêu là phải chuyển giao 900 công nghệ cho nông dân vùng sâu vùng xa, miền núi. Đến nay mới đi được quá nửa chặng đường. Trong 278 nhiệm vụ của Chương trình NTMN đã chuyển giao được 961 công nghệ, trong đó hoàn tất chuyển giao 661 công nghệ, còn khoảng 300 công nghệ đang trong quá trình thực hiện và sẽ chuyển giao. Năm 2014, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục xây dựng một số dự án của chương trình và sẽ chuyển giao trên 1.000 công nghệ cho bà con nông dân ở các vùng NTMN.

Cái khó hiện nay theo các chuyên gia khi thực hiện chương trình là các sản phẩm nông nghiệp khi xuất khẩu như gạo, cà phê, trái cây,… đều gặp khó khăn về mùa vụ, chất lượng sản phẩm,… đặc biệt là khu vực miền núi. Mà nguyên nhân chính là sản xuất nông nghiệp của chúng ta còn rất manh mún nên với bà con nông dân, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đòi hỏi một trình độ sản xuất nhất định.

Ví dụ như giống lúa, phải sử dụng một số giống lúa chất lượng cao, sản lượng tốt mới có được giá xuất khẩu như các nước khác trong khu vực. Nhưng thực tế, do sản xuất manh mún, chưa "bắt tay" được với doanh nghiệp và chúng ta sử dụng hàng trăm giống lúa với năng suất khác nhau nên giá xuất khẩu chưa cao. Vì thế, theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, thời gian tới Bộ sẽ đưa ứng dụng tiến bộ KH&CN vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, miền núi theo quy mô sản xuất nhỏ. Ví dụ chương trình về nấm ăn gia đình nào cũng có thể làm được với phạm vi khép kín; chương trình trồng một số loại cây, hoa, rau cũng đi theo phương hướng như vậy.

Và để giải bài toàn này vấn đề cốt lõi là nhân lực. Đây là vấn đề bà con nông dân quan tâm và cũng là những mục tiêu của Chương trình NTMN. Đến nay, đã huấn luyện cho 90.000 người dân, cán bộ kỹ thuật tham gia vào chương trình, trong đó có 15.000 người làm chuyên môn, 75.000 bà con nông dân, cán bộ kỹ thuật ở cơ sở tham gia chương trình và nắm được những công nghệ do các viện, trường chuyển giao, giúp cho bà con thực hiện thành công các dự án trên chính đồng ruộng của mình.

Thí điểm liên kết 4 nhà.

Chương trình NTMN là một trong những chương trình thí điểm triển khai mối liên kết 4 nhà, thêm vai trò của doanh nghiệp. Thông qua các dự án, Bộ KH&CN mời các doanh nghiệp tham gia cùng các nhà khoa học và bà con nông dân. Còn nhà nước đóng vai trò điều tiết, hỗ trợ ngân sách. Chương trình NTMN đã huy động được nhiều doanh nghiệp tham gia và phần vốn doanh nghiệp bỏ ra thậm chí nhiều hơn ngân sách nhà nước hỗ trợ. Đây là điều rất thành công.

Thông qua chương trình NTMN, có thể thấy khi nhà nước có hỗ trợ, nhà khoa học có công nghệ thì việc mời các doanh nghiệp tham gia vào các dự án hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn rất thuận lợi. Các doanh nghiệp tham gia vào chương trình NTMN đều có lợi nhuận. Khi nhà nước, doanh nghiệp, người dân đều đầu tư thì nguồn vốn cho một dự án mới đủ lớn và mới đem lại hiệu quả.

Hơn nữa, nguồn cung của các viện nghiên cứu, trường đại học cũng không thiếu. Tuy nhiên ở nước ta cơ chế đặt hàng còn hạn chế bởi nguyên nhân quan trọng nhất là nền sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún. Người nông dân sản xuất quy mô hộ gia đình là chính, các tập thể lớn, mô hình mẫu lớn hiện mới ở giai đoạn hình thành. Vì thế, nhu cầu đặt hàng không lớn, nhưng nếu tổ chức lại cách sản xuất ở nông thôn, người nông dân có thể sản xuất ở quy mô lớn hơn, đưa máy móc, thiết bị tiên tiến, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, lúc đó nhu cầu đặt hàng chắc chắn sẽ trở thành bức thiết đối với người nông dân.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng đưa ra một ví dụ, thời gian gần đây, vấn đề đặt hàng đã trở nên quen thuộc đối với công chúng. Bộ KH&CN đã triển khai các đề tài, dự án KH&CN cấp nhà nước theo cơ chế đặt hàng. Người nông dân muốn đặt hàng sẽ đặt qua các cấp quản lý như UBND, các tỉnh sẽ đặt hàng với Bộ KH&CN và Bộ sẽ ký hợp đồng với các Viện, trường nghiên cứu giống, kỹ thuật canh tác, chế phẩm sinh học mới, công nghệ bảo quản, chế biến mới,… và sau đó các tỉnh là người đặt hàng sẽ nhận lại những kết quả nghiên cứu đó và chuyển giao lại cho nông dân, hướng dẫn để triển khai ứng dụng vào thực tế.

Đây là Chương trình NTMN ở giai đoạn thứ 3, 2 Chương trình trước đây đã sơ kết đánh giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Giai đoạn này đã triển khai được gần 3 năm, những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ với nguồn vốn của ngân sách nhà nước còn rất ít ỏi nhưng đã huy động được đóng góp của doanh nghiệp và người dân lớn hơn nhiều so với đầu tư của nhà nước. Hiện đã chuyển giao hàng ngàn công nghệ mới đến người dân, tập huấn cho gần 100.000 người gồm nông dân, cán bộ kỹ thuật làm chủ công nghệ mới và chuyển giao công nghệ.

Chương trình này được đánh giá có ý nghĩa đặc biệt bởi khi người dân còn đang nghèo khó, việc nhà nước, doanh nghiệp hỗ trợ thực sự quan trọng. Khi người nông dân đã nhìn thấy lợi ích của việc đưa công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất, họ sẽ huy động nguồn lực của chính mình vào dự án. Bộ KH&CN sẽ tiếp tục theo hướng này nhưng tiến tới giảm bớt số lượng các chương trình, dự án nhỏ lẻ, tập trung đến những sản phẩm có khả năng sản xuất, thương mại hóa lớn, có khả năng xuất khẩu thay thế những nông sản nhập khẩu, tạo ra nền sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả hơn.

Duy Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang