Người chuyển giới: Loay hoay tìm kế mưu sinh

author 10:41 28/06/2014

(VietQ.vn) - Không có việc làm, người chuyển giới buộc phải đi hát đám ma, "làm gái" để kiếm sống

Thu nhập thấp, rủi ro lớn

Trong quá trình Bộ Tư pháp đang hoàn thiện luật dân sự, Hội thảo “chuyển giới”: Người vô hình trong pháp luật Việt Nam do Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế, Môi trường (iSEE) tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. Đây là cơ hội để các bạn trẻ bày tỏ thái độ của mình về cộng đồng người chuyển giới, đồng thời góp thêm tiếng nói để đảm bảo quyền lợi của người chuyển giới trong Bộ luật Dân sự.

Th.s Lê Quang Bình - Viện trưởng iSEE khai mạc hội thảo

Th.s Lê Quang Bình - Viện trưởng iSEE khai mạc hội thảo

Theo thống kê mới đây, số lượng người chuyển giới tại Việt Nam vào khoảng 100.000 người sinh sống tại hầu khắp các vùng trên cả nước, tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Đáng nói có tới 70% người chuyển giới chưa dám công khai giới tính của mình, chỉ có khoảng 45% những người chuyển giới có việc làm với thu nhập thấp từ 1- 4 triệu đồng ở các công ty tư nhân, nhà hàng, khách sạn, lái taxi, người mẫu và thậm chí.. "làm vợ người ta".

"Tại TPHCM, nhiều người chuyển giới chọn cách  làm vợ bé, chấp nhận cuộc hôn nhân hợp đồng để duy trì cuộc sống" ông Lê Quang Bình lý giải.

Cũng theo ông Bình, chính sự kỳ thị của gia đình và xã hội, không được pháp luật thừa nhận mà người chuyển giới đã có những hành động thiếu suy nghĩ như tự kỉ, trầm cảm, e sợ không gian cộng đồng. Nhiều người chuyển giới do ít có cơ hội việc làm nên đã đi hát đám ma, làm gái để kiếm sống. Hệ quả  người chuyển giới đang phải sống với nhiều rủi ro về sức khỏe tình dục, nguy cơ lây nhiễm HIV cao.

Tiến sĩ Phạm Quỳnh Phương (Viện nghiên cứu văn hóa) chia sẻ: “Người chuyển giới đang sống trong một ma trận rào cản, những vòng luẩn quẩn mà chưa có lối thoát, sự kỳ thị của xã hội cùng với sự không công nhận của pháp luật đã dẫn đến sự đói nghèo và những rủi ro về sức khỏe tình dục đối với người chuyển giới. Vậy nên, gỡ bỏ rào cản pháp lý đối với người chuyển giới sẽ giúp họ được sống an toàn đúng với quyền con người, thiếu hành lang pháp lý bảo vệ thì quyền con người của người chuyển giới sẽ bị vi phạm nghiêm trọng”.

TS. Phạm Quỳnh Phương nêu lên các vấn đề về kỳ thị, định kiến và các khó khăn trong cuộc sống và pháp lý của người chuyển giới

TS. Phạm Quỳnh Phương nêu lên các vấn đề về kỳ thị, định kiến và các khó khăn trong cuộc sống và pháp lý của người chuyển giới

Thực tế cho thấy, ở nhiều quốc gia tiến bộ trên thế giới, việc bảo vệ quyền của người chuyển giới đã được tiến hành rộng rãi, sớm nhất là ở Thụy Điển năm 1972 cho phép thay đổi thân nhân sau khi phẫu thuật chuyển giới, và đến năm 2013 Thụy Điển cho phép người chuyển giới không cần triệt sản.

Song ở Việt Nam, đây lại là một vấn đề hết sức khó khăn, đặc biệt là điều 27 trong Bộ luật Dân sự năm 2005 về quyền thay đổi họ, tên và Nghị định 88/2008/NĐ – CP của chính phủ về việc nghiêm cấm hành vi thực hiện việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính. Anh Lương Thế Huy, cán bộ pháp lý của Viện nghiên cứu khẳng định: “Việt Nam cần ban hành luật chống phân biệt đối xử để đảm bảo tất cả mọi người có cùng cơ hội trong cuộc sống”.

Chuyển giới tính nhưng tên chưa đổi

Cũng tại hội thảo, nhiều đại diện của cộng đồng người chuyển giới đã có những chia sẻ thẳng thắn về khó khăn của bản thân khi chuyển giới cùng những mong muốn của những người trong cuộc đối với chế độ pháp lý của nhà nước. Jessica Tố An (Nguyễn Hữu Toàn) cho biết: “bản thân mình may mắn có một việc làm ổn định – sở hữu cửa hàng cho thuê đồ và trang điểm tại TP. Hồ Chí Minh. Bây giờ, mình đã đổi được giới tính, nhưng chưa đổi được tên vì vậy gặp nhiều rắc rối trong các hoạt động xã hội, mình rất mong muốn tên mình có thể được thay đổi theo đúng giới tính của mình”.

Jessica Tố An

Jessica Tố An

Vy Vy An Trần (22 tuổi – TP. Hồ Chí Minh) tâm sự: “Mình thuộc thế hệ sau nên không gặp mấy khó khăn trong việc tiêm hooc-môn giới tính, tuy nhiên mình vẫn gặp phải sự kỳ thị của mọi người, điều đó đã thôi thúc mình tiếp tục đi học nghề để tránh sự phân biệt đối xử của mọi người”.

Vy Vy An Trần 

 Vy Vy An Trần

Khát khao được thay đổi họ tên, giới tính sau khi đã phẫu thuật, nhiều người chuyển giới đã tìm đến Sở Tư pháp để xin đổi tên song không được chấp nhận vì lý do không chính đáng. Chính rào cản pháp lý hiện nay đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của những người chuyển giới.

Nhằm đảm bảo quyền lợi của mình trước pháp luật và trong xã hội, cộng đồng chuyển giới đưa ra 4 khuyến nghị, bao gồm:Cho phép người chuyển giới được đổi tên mà không bắt buộc phải phẫu thuật hay đặt tên trung tính; Được phép phẫu thuật thay đổi giới tính kể cả với những người “đã hoàn chỉnh về mặt sinh học”; Được phép thay đổi giới tính trên giấy tờ sau khi phẫu thuật chuyển giới; Sau khi chuyển giới, việc kết hôn của người chuyển giới dựa trên giới tính sau khi đã phẫu thuật.

Theo đó, những khuyến nghị trên tại hội thảo sẽ được đưa ra để bàn bạc trong quá trình hoàn thiện Bộ luật Dân sự để người chuyển giới có quyền được tôn trọng, được an toàn, có sức khỏe, hạnh phúc và tương lai.

 Cao Huyền

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang