Chuyện lên sàn của Ngân hàng Phương Đông: Chủ tịch HĐQT 'hứa suông'?

author 08:53 15/11/2018

(VietQ.vn) - Kỳ vọng vốn hóa 1 tỷ USD sau khi niêm yết nhưng đến thời điiểm này, ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vẫn chưa có động thái gì để đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Không loại trừ, tham vọng này của OCB có thể sẽ gặp một số thách thức.

Nợ xấu tăng vọt trong 9 tháng đầu năm

BCTC hợp nhất quý 3/2018 của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) mới đây cho thấy, trong quí III, hầu hết hoạt động kinh doanh của ngân hàng đều tăng trưởng. Các mảng như kinh doanh ngoại hối, đầu tư chứng khoán và hoạt động khác có tăng trưởng đột biến. Đặc biệt, lãi thuần từ đầu tư chứng khoán tăng vọt đạt 167 tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối đạt gần 52 tỷ đồng, từ hoạt động khác đạt hơn 31 tỷ đồng, đều gấp 3 lần. Chỉ duy nhất hoạt động kinh doanh chứng khoán là ghi nhận giảm 33% về lãi thuần so với quí III/2017.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế OCB đạt 1.846 tỷ đồng, tăng 133% so với cùng kỳ năm 2017, bằng 92,3% kế hoạch lợi nhuận năm (2.000 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế đạt gần 1.477 tỷ đồng.

Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ, chiếm gần 548 tỷ đồng, do đó lợi nhuận sau thuế của OCB còn gần 1.477 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ.

Tính đến 30/09/2018, tổng tài sản của OCB đạt hơn 86.459 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với hồi đầu năm. Tiền gửi khách hàng và cho vay khách hàng cũng tăng 14% và 11% so với đầu năm, đạt lần lượt 60,850 tỷ đồng và 53,715 tỷ đồng, thực hiện được 75% và 88 % kế hoạch năm.

Nợ xấu của ngân hàng 9 tháng đầu năm tăng 65% so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) gấp 2,9 lần và còn nợ nghi ngờ (nhóm 4) gấp 3,2 lần so với đầu năm, riêng nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) giảm 4%. Kéo theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng nhảy vọt lên mức 2,66% so với 1,79% hồi đầu năm. Ngân hàng hiện còn nắm giữ 242 tỷ đồng trái phiếu của VAMC, giảm 67% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, trích lập dự phòng 154 tỷ đồng.

Kế hoạch lên sàn khất lần?

Trước áp lực từ Thông tư số 180/2015/TT-BTC ngày 13/11/2015 của Bộ Tài chính, đến hết năm 2016, các công ty đại chúng phải đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch tập trung. Với kết quả kinh doanh khả quan, tín dụng tăng trưởng, các nhà đầu tư ngoại đổ bộ vào thị trường Việt Nam là một trong những nguyên nhân khiến các nhà băng chọn 2018 là năm chào sàn. Và nếu kế hoạch đúng như dự kiến thì OCB sẽ là ngân hàng thứ 4 niêm yết trên HOSE trong năm nay, sau HDBank, TPBank và Techcombank.

Trước đó vào năm 2017, OCB đã có kế hoạch niêm yết trên HOSE nhưng chưa triển khai được, vì vậy HĐQT tiếp tục trình cổ đông xem xét và thông qua tại ĐHĐCĐ 2018. Theo chia sẻ của ông Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng OCB tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức hồi cuối tháng 3, khả năng cao là OCB sẽ niêm yết trên HOSE trong năm 2018 và chậm nhất là khoảng thời gian cuối quý 3 - đầu quý 4 sẽ lên sàn.

Vậy nhưng đến thời điểm này, quý IV đã đi được nửa chặng đường mà OCB vẫn chưa có động tĩnh nào về việc lên sàn.

Hiện tại, trong tổng số 31 ngân hàng thương mại cổ phần, mới có 16 ngân hàng giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán, trong đó có 9 ngân hàng hàng niêm yết trên HOSE, 3 ngân hàng niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và 4 ngân hàng đăng ký giao dịch trên UPCoM. Tính riêng từ đầu năm đến nay, một số ít ngân hàng tiến hành niêm yết cổ phiếu như Techcombank, HDBank, TPBank...

Theo giới chuyên gia, việc niêm yết trên sàn chứng khoán đòi hỏi các ngân hàng phải minh bạch về thông tin, công khai báo cáo tài chính. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng gặp khó khăn trong quản trị, điều hành nên chưa đáp ứng được yêu cầu này. Một ngân hàng nhỏ như OCB có lẽ cũng không ngoại lệ.

Mặt khác, những ngân hàng thương mại quy mô nhỏ khi lên sàn, ngoài việc minh bạch thông tin, còn phải chú ý đến vấn đề tăng hiệu quả hoạt động để cổ phiếu có sức hút với nhà đầu tư, tạo nền tảng để có thể hút vốn ngoại qua kênh chứng khoán... song trên thực tế, chưa nhiều ngân hàng thực sự cải thiện được hiệu quả hoạt động.

Nếu đi sâu vào BCTC và nhìn vào cơ cấu cho vay của OCB cho thấy, tín dụng của ngân hàng này chủ yếu tập trung vào mảng cho vay ngắn hạn hay còn gọi là vay nóng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro…

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, OCB là một trong số ít ngân hàng tư nhân có tốc độ tăng trưởng tốt ở Việt Nam và có hơn 25% room cho các nhà đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, việc áp dụng và triển khai Basel II thành công đã giúp OCB tối ưu hóa lợi nhuận bằng các chiến lược kinh doanh dựa vào mức độ rủi ro, phân bổ vốn hợp lý vào các đối tượng khách hàng và sản phẩm, thiết lập được danh mục đầu tư, tín dụng có mức lợi nhuận tối ưu. Theo đó, khách hàng sẽ được hưởng các quyền lợi về điều kiện cấp tín dụng phù hợp với mức độ rủi ro của khách hàng.

Trước đây, OCB còn có tham vọng thu hút vốn khoảng 1 tỷ USD sau khi niêm yết lên sàn. Tuy nhiên, tham vọng này của OCB có thể sẽ gặp một số thách thức. Ngoài những rủi ro về thị trường trong đợt phát hành sắp tới, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã bị các nhà đầu tư bán mạnh trên thị trường trong các phiên giao dịch vừa qua. Như vậy, cổ phiếu ngân hàng trong thời điểm hiện tại không còn là tâm điểm hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Hơn nữa, chỉ số P/E của và OCB là 12,03, thấp hơn so với con số trung bình của ngành ngân hàng là 17,07. Xét về hiệu quả sinh lời dựa trên hai chỉ số tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE), Techcombank đang là ngân hàng dẫn đầu với số liệu tính toán của các chuyên gia lần lượt là 2,55% và 27,71%, cao hơn cả VPBank, Vietcombank và OCB (1,1% và 20,3%). Làm phép toán so sánh với tỷ lệ ROE trung bình của toàn ngành ngân hàng hiện ở mức 10,2% cho thấy OCB đang hoạt động khá hiệu quả.

Nói về thương hiệu và tầm ảnh hưởng trong giới ngân hàng, nếu so sánh tổng tài sản, tổng doanh thu, mạng lưới giao dịch, đội ngũ CEO chuyên nghiệp và các vị thế thương hiệu của OCB với trung bình ngành hiện nay còn là một khoảng cách khá xa. Bên cạnh đó, hiện các ngân hàng lớn cũng đang chật vật tìm đối tác ngoại để bán vốn thì trường hợp một ngân hàng nhỏ như OCB nhằm đạt tham vọng nâng vốn hoá khi lên sàn niêm yết quả là một thách thức cũng không hề nhỏ.

An Nhiên 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang