Chuyện nữ y tá chăm sóc “thần chết”

author 06:52 19/03/2013

(VietQ.vn) - “Người bệnh nằm cứng đờ, bất động trên giường, toàn thân đầy mụn nhọt đã đóng vảy, nhiều chỗ lở loét, ứa nước vàng tanh nồng cùng máu đỏ, tôi phải thay quần áo cho bệnh nhân trước khi chuyển xuống phòng an táng, lúc đó chỉ cần sơ sảy một chút là có thể bị phơi nhiễm HIV ngay”, nữ y tá Thảo kể lại.

Kinh hãi khi thay quần áo cho "thần chết"

Nằm im lìm trên tấm ga trắng muốt của giường số 3 là bệnh nhân có tấm thân gầy, khô quắt, khó đoán được tuổi, bởi khuôn mặt đầy mụn nhọt đóng vảy thâm sì, đôi mắt ngây dại, vô hồn, mũi gắn ống thở. Gã uể oải kéo ống tay áo lên cao, để lộ phần da đầy sẹo đen, nặng nhọc lê cánh tay dài ngoằng, da bọc xương ra gần thành giường rồi run run nắm không nổi bàn tay lại để nữ y tá Thảo kiểm tra huyết áp.
 
 
Y tá Thảo, tai đeo ống nghe, đầu đội mũ ni lông trắng, đeo khẩu trang, mặc bộ quần áo blu trắng, bàn tay đeo găng cao su nhẹ nhàng quấn máy đo huyết áp vào tay bệnh nhân rồi nghe nghóng. “Sức khỏe của anh yếu lắm”, Thảo nói với người bệnh.
 
Vẫn ánh mắt vô hồn, giọng yếu ớt, gã hỏi “Y tá Thảo đã gọi giúp người nhà tôi đến đây chưa?”. “Tôi gọi rồi, họ bảo đang thu xếp để ra Hà Nội đấy”, y tá Thảo đáp lại.
 
Đó là cảnh khám bệnh của nữ y tá Tạ Thu Thảo, Khoa Ngoại – Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện 09, Thanh Trì, Hà Nội cho các bệnh nhân HIV/AIDS tại đây.
 
Bệnh nhân ở giường số 03 vừa được Thảo đo huyết áp là Trương Công Vọng, ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa nhiễm AIDS giai đoạn độ 4 (giai đoạn cuối), bệnh nhân Vọng chuyển về khoa này được 6 tháng, những bệnh nhân cùng chuyển với Vọng đều đã “đi cả”.
 
“Mấy hôm nay, anh Vọng thường nhờ bệnh viện liên hệ với gia đình ở quê ra gặp lần cuối, bệnh viện đã gọi điện thông báo cho gia đình nhưng chưa ai đến. Hiện nay sức khỏe anh Vọng rất yếu, ngay cả việc bón ăn, uống, đi giải, đại tiện cũng do em chăm sóc”, Thảo cho biết.
 
Thảo kể, những bệnh nhân khi được chuyển đến bệnh viện này thường đã bị nhiễm AIDS giai đoạn cuối, đặc biệt những bệnh nhân chuyển về khoa ngoại – hồi sức cấp cứu là sức khỏe rất yếu, tỷ lệ tử vong cao. Nhiều bệnh nhân khi đến đây bị gia đình bỏ mặc, thậm chí khi chết cũng không có người nhà đến.
 
Năm nay 25 tuổi, quê ở Thanh Oai, Hà Nội, tốt nghiệp trường Cao đẳng Y Hà Đông, về làm y tá điều dưỡng được hơn 2 năm, thường xuyên tiếp xúc, chăm sóc trực tiếp cho các bệnh nhân AIDS nặng tại khoa. Việc thay quần áo, lau chùi sạch sẽ cho các bệnh nhân AIDS tử vong là công việc thường nhật mà nữ y tá trẻ này phải đảm nhiệm trước khi chuyển xuống khoa hỏa táng.
 
Thảo nhớ lại lần đầu tiên khi thay quần áo cho bệnh nhân tử vong, lúc đó khoảng 2 giờ sáng, ngoài trời tối đen, các bệnh nhân phòng khác đã chìm trong giấc ngủ, khi đi kiểm tra phòng bệnh nhân nặng, cô phát hiện một bệnh nhân duy nhất trong phòng đã tắc thở. Thảo rùng mình lùi lại, dưới ánh điện sáng xanh, huyền ảo, nhìn người bệnh khuôn mặt thâm sì, lở loét, không một tiếng người, nhìn qua cửa sổ thấy trời tối đen như mực, Thảo nổi hết da gà, sợ hãi đến mức hai hàm răng va vào nhau cầm cập, người đứng im nhưng đôi chân run lẩy bẩy, nước mắt ứa ra vì sợ hãi.
 
Phải đến 20 phút sau, Thảo mới lấy lại bình tĩnh, đến sát giường bệnh, tìm bộ quần áo bệnh nhân còn mới, tay run run thay quần áo cho người chết, trong đêm tối, một mình trong căn phòng rộng 30 m2, vắng lặng, đối mặt với xác chết, gầy đét, đen sì, nặng nhọc nhấc tấm lưng da bọc xương để thay áo, sức phụ nữ yếu phải làm đi làm lại mấy lần mới mặc được áo cho bệnh nhân, Thảo vừa làm vừa khóc. Qua 20 phút một mình xoay xở với cái xác vô hồn, khi xong việc Thảo chạy ào về phòng vừa xả nước đầy người vừa khóc vì sợ.
 
“Nhiều bệnh nhân khi tử vong, người cứng đờ, gầy đét, nằm bất động trên giường, toàn thân đầy mụn nhọt thâm đen, chỗ khô đóng vảy, cái còn lở loét, ứa nước vàng tanh nồng cùng máu đỏ, là điều dưỡng em phải thay quần áo, lau chùi sạch sẽ cho bệnh nhân trước khi chuyển xuống phòng an táng. Mỗi khi lau vào chỗ mụn lở loét bong vảy, chảy máu, lúc đó chỉ cần sơ sảy một chút như găng tay bị rách, tay bị xướt là có thể bị phơi nhiễm HIV ngay. Mỗi khi nhớ đến những trường hợp như vậy em lại không ăn nổi cơm vì kinh hãi”, Thảo nhớ lại.
 
Thảo kể, “Khi mới vào làm việc tại bệnh viện, tiếp xúc với bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối, đặc biệt là bệnh nhân tử vong em rất sợ, nhưng làm nghề y là để chăm sóc cho người bệnh em lại quyết tâm làm việc”. 
 
Sơ suất là “lĩnh án tử”
 
Tiếp xúc hàng ngày với bệnh nhân là “bạn thần chết”, cũng như hàng chục bệnh nhân đã tử vong, những y tá điều dưỡng như Thảo chỉ cần sơ suất một chút là có thể “lĩnh án tử”, không cẩn thận trong lúc tiêm, truyền lấy ven hay tay bị xước, găng tay bị thủng là sẽ nhận hậu quả khôn lường nếu không phát hiện kịp thời.
 
Chia sẻ sự hiểm nguy của nghề, bác sỹ Nguyễn Thị Kim Xuân (39 tuổi), Khoa ngoại – Hồi sức cấp cứu cho biết, tất cả bệnh nhân đến đây đều phụ thuộc 100% vào đội ngũ y bác sỹ của bệnh viện từ chăm sóc, chữa trị đến khi tử vong nên bất cứ ở giai đoạn nào chúng tôi cũng gặp phải sự nguy hiểm bị phơi nhiễm bệnh.
 
Bác sỹ Xuân kể, mặc dù chúng tôi được trang bị đầy đủ những trang thiết bị bảo hộ khi tiếp xúc với  bệnh nhân, tuy nhiên nhiều trường hợp để chữa bệnh nếu dùng bảo hộ rất khó thực hiện.
 
“Khi làm thủ thuật chích hạch hay chọc rò màng bụng theo quy định chúng tôi phải đeo kính để bảo hộ mặt, mắt đề phòng khi thủ thuật vào đúng mạch máu thì máu của bệnh nhân sẽ phun ra không dính vào người. Nhưng đối với các bệnh nhân HIV/AIDS thì khi lấy ven rất khó, do vậy để làm thủ thuật chúng tôi thường phải bỏ kính ra để nhìn rõ và chính xác hơn, tuy nhiên rủi ro rất cao nếu động vào mạch máu thì tia máu sẽ phun ra mạnh, nhiều hầu như cả ê kíp mổ đều sẽ bị dính vào mắt, mặt như vậy hậu quả sẽ khôn lường”, bác sỹ Xuân tiết lộ.
 
Theo bác sỹ Vũ Đức Phê, Trưởng phòng Kế hoạch – Tổng hợp, Bệnh viện 09, trước đây bệnh viện rất ít y bác sỹ là phụ nữ, khoảng 3 năm trở lại đây số cán bộ nữ mới được tăng cường. Từ khi thành lập bệnh viện (2005) đến nay, đã có 4 cán bộ bị nhiễm lao và 4 cán bộ bị phơi nhiễm HIV khi chăm sóc, khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Tuy nhiên, do phát hiện kịp thời nên 4 cán bộ bị phơi nhiễm HIV đã được uống thuốc phòng chống phơi nhiễm HIV, đến nay cả 4 người đều không bị nhiễm bệnh.
 
“Năm 2011 bệnh viện có 757 bệnh nhân thì có tới 71 trường hợp tử vong do AIDS, năm 2012 có 766 bệnh nhân thì có 91 trường hợp tử vong do AIDS”, bác sỹ Phê cho hay.
 
Anh Hùng
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang