Chuyện ông Quân ‘khùng’ ở Hà Nam đạp xe tìm thân nhân cho đồng đội vô danh

author 06:19 16/07/2018

(VietQ.vn) - Hơn mười năm qua, người cựu chiến binh Đào Văn Quân ở thôn Yên Từ, xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam vẫn âm thầm đạp chiếc xe đạp cũ đi tìm thân nhân cho những đồng đội vô danh.

Với người dân thôn Yên Từ, hình ảnh người cựu chiến binh gầy gò đạp chếc xe đạp cũ đi tìm thân nhân cho đồng đội vô danh đã không còn xa lạ. Và người dân nơi đây còn gọi ông với cái tên trìu mến - ông Quân “khùng” - Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Bởi lẽ, hơn 10 năm qua, với chiếc xe đạp cũ, ông Quân “khùng” rong ruổi khắp các tỉnh thành để mong sao tìm bằng được thân nhân cho những ngôi mộ liệt sĩ vô danh ở khắp các nghĩa trang. Để đồng đội của ông được đoàn tụ gia đình.

Ông Quân “khùng” tên thật là Đào Văn Quân, sinh năm 1955 tại thôn Yên Từ, xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Năm 1970, đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh, như bao thanh niên lúc bấy giờ ông gấp sách vở, tạm gác công việc học hành lên đường nhập ngũ. Ông là quân nhân của Trung đoàn 88 Sư đoàn 308 (khi đó ông mới 15 tuổi). Mùa hè năm 1972, ông cùng đồng đội vào giải phóng thành cổ Quảng Trị, tại đây ông bị thương và phải lùi về tuyến sau điều trị.

Chuyện ông Quân ‘khùng’ ở Hà Nam đạp xe tìm thân nhân cho đồng đội vô danh

 Ông Quân “khùng” kể về những chiến công của đơn vị mình và câu chuyện về đồng đội cũ một cách say sưa. Ảnh Đức Văn.

Năm 1986, ông Quân rời quân ngũ về sống cuộc sống điền viên như bao cựu chiến binh khác tại quê nhà thôn Yên Từ.

Trong căng nhà tuềnh toàng, ngoài chiếc ti vi thì không có gì đáng giá. Nhưng ông Quân tự hào, lạc quan khoe: “Tài sản vô giá của cuộc đời tôi là những tấm huy chương, kỉ niệm chương của các đơn vị trao tặng, cả những lá thư cảm ơn của người thân đồng đội, tôi cất kĩ lắm”.

Kể về “nhiệm vụ” tìm đồng đội của mình ông cho biết: “Đó là nhiệm vụ do chính tôi đặt ra. Năm 2007, khi chỉ huy đơn vị cũ ở Trung đoàn 88 giao nhiệm vụ tìm thân nhân cho những ngôi mộ liệt sĩ vô danh tôi đã xung phong nhận”.

Ông nhận vì niềm tự hào về đơn vị, cũng là vì tình cảm sâu nặng dành cho những người đồng đội đã hi sinh tại chiến trường xưa. Với ông Quân “khùng”, đó là nhiệm vụ của thời bình, của người lính cụ Hồ và ông nhất định sẽ hoàn thành nó.

Ông thực hiện “nhiệm vụ” bằng cả tấm lòng. Ngoài hơn một triệu đồng tiền trợ cấp thương binh thì ông không còn khoản trợ cấp nào khác. Khi được hỏi với số tiền như vậy ông làm cách nào để đi tìm đồng đội rồi sau đó tìm thân nhân cho đồng đội? Ông Quần “khùng” nở một nụ cười tươi chỉ xuống gian bếp cũ: “Đây ngựa sắt của tôi đây”. Thì ra, chiếc xe đạp cũ kĩ chính là người bạn đồng hành cùng ông đi khắp các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên,…

Ông Quân “khùng” tâm sự thêm: “Do điều kiện còn khó khăn, chỉ những chuyến đi xa tôi mới đi xe khách, mỗi lần đi tiết kiệm lắm cũng mất cả triệu đồng, có khi còn mất mấy tháng trợ cấp ấy. Nhưng, chỉ cần thấy thông tin của đồng đội là tôi vui lắm rồi. Tôi vẫn là người may mắn hơn đồng đội khi được trở về quê hương và sống trong hòa bình”.

Chuyện ông Quân ‘khùng’ ở Hà Nam đạp xe tìm thân nhân cho đồng đội vô danh

 Ông Quân thăm đồng đội tại Nghĩa trang liệt sĩ. Ảnh Đức Văn.

Từ Hà Nam cho đến dọc dãy Trường Sơn, các nghĩa trang ở miền Trung, khu vực Đông Bắc, Tây Bắc,.. đều đã in hằn dấu chân của ông Quân “khùng”. Đi đến đâu ông cũng ghi chép đầy đủ họ tên, quê quán của liệt sĩ rồi lại quay về lần theo địa chỉ có sẵn tìm đến thông báo cho các thân nhân được biết liệt sĩ đang nằm tại đâu để thân nhân đưa đồng đội về quê nhà. Với những liệt sĩ vô danh, ông đều cố gắng vận dụng các kĩ năng, kinh nghiệm để dò hỏi thêm thông tin các đơn vị đã từng chiến đấu các chiến trường và sau đó đi tìm thân nhân cho các liệt sĩ. 

Đã hơn 10 năm qua ông quân đã giúp cho hơn 1500 lượt gia đình thân nhân liệt sĩ đón được đồng đội của ông về với quê hương. Ông cũng đã tìm thân nhân cho khoảng 4000 ngôi mộ, đính danh cho hàng chục liệt sĩ vô danh, sai tên tuổi.

Không chỉ có vậy, ông Quân “khùng” còn đi tìm nhiều tư liệu, hiện vật, tranh ảnh có giá trị trao tặng cho Bảo tàng quân đội. Ông Quân còn trực tiếp đi tìm nguồn tài trợ xây nhiều căn nhà tình nghĩa, xe lăn, các phần quà tặng cho thân nhân liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn, những thương binh nặng,...

Tâm sự về chặng đường tiếp theo để thực hiện nhiệm vụ của mình, ông Quân “khùng” vẫn đau đáu nỗi niềm khi ông nghĩ, vẫn còn hàng nghìn liệt sĩ vẫn chưa tìm thấy thân nhân mà trong khi đó sức khỏe của ông cũng đã xế chiều.

“Nếu còn sức khỏe thì tôi vẫn sẽ đi tìm đồng đội và thân nhân cho đồng đội. Tôi chỉ lo, có một ngày ốm yếu rồi sẽ không đi được nữa. Không đưa được các anh về’’, ông Quân “khùng” nghẹn ngào nói.

Trong gian nhà nhỏ, những mảng tường vôi cũ được treo kín Huân, Huy chương kháng chiến, những kỉ niệm chương của Đảng, Nhà nước, của đợn vị… trao tặng ông. Với ông Quân "khùng", đó là động lực giúp ông tiếp tục hành trình để thực hiện “nhiệm vụ” của mình. Dù đã ngoài 60 tuổi, sức khỏe đã có phần kém đi nhiều nhưng chắc chắn, trong thâm tâm của ông Quân “khùng”, đồng đội sẽ được ông tìm thấy và họ sẽ trở về đoàn tụ cùng quê hương.

Đức Văn

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang