Chuyện tiếp thị hàng Việt trên đất Thái Lan

author 14:11 19/07/2016

(VietQ.vn) - Các leader của các thương hiệu Việt Nam từ trà Tâm Lan, Lụa tơ tằm Việt Nam, Thực phẩm Bích Chi… đều tích cực tiếp khách để quảng bá thương hiệu.

Trong sự kiện Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan, ở các gian hàng Việt Nam, các cô gái bán hàng người Thái xinh đẹp dường như… quá tải vì khách hỏi đủ chuyện về sản phẩm.

Các ông chủ, bà chủ, giám đốc bán hàng, marketing của các thương hiệu Việt Nam từ trà Tâm Lan, Lụa tơ tằm Việt Nam, Thực phẩm Bích Chi… cũng tích cực tiếp khách hàng để quảng bá cho sản phẩm của mình.

Có thể thấy rằng người Thái đang khá ưa chuộng hàng Việt, từ các mặt hàng tơ lụa, trà thảo dược, bánh trái và các sản phẩm truyền thống từ gạo như bún, phở, miến...

Điểm chung của người tiêu dùng Thái Lan: quan tâm đến quy trình sản xuất để xem có sạch hay không, chú ý đến hương vị sản phẩm, và để mắt đến bao bì, nhãn mác...

Chuyện của Trà Tâm Lan

Trong các doanh nhân đi dự hội chợ này, xông xáo nhất có lẽ là bà Bùi Thị Kim Thoa, Phó Giám đốc marketing công ty Trà Tâm Lan.

Có mặt từ rất sớm ngay tại gian hàng, chăm chút đến từng sản phẩm để trưng bày sao cho bắt mắt nhất, chị tay bắt mặt mừng với từng vị khách, kể cho họ nghe thấu đáo câu chuyện về Tâm Lan.

Lời kể của bà Thoa dẫn dắt khách hàng về câu chuyện của mẹ mình, bà Võ Thị Lấn, một người phụ nữ khởi nghiệp năm 68 tuổi sản xuất các loại trà thảo dược.

Theo bà Thoa, ngày nhỏ bà Thuấn thường thường theo cha mình đi bốc thuốc thí cho người nghèo. Rồi từ đó, tự bà đã biết nghĩ và sáng chế ra loại trà kết hợp bốn loại thảo dược kim ngân, hoa cúc trắng, lược vàng, hoàng ngọc để hỗ trợ giải độc tố trong cơ thể, mát gan, lọc máu, điều hòa huyết áp, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Trà này còn giúp chữa bệnh loét dạ dày tá tràng, đại tràng, hỗ trợ cho người tiểu đường.

Từ một cơ sở thủ công, ba năm sau bà Thuấn đưa lên thành công ty với dây chuyền khép kín từ nguyên liệu đến sản phẩm.

"Vùng nguyên liệu của chúng tôi là ở Tây Ninh, với tổng diện tích trên 40 héc ta, rải rác ở nhiều nơi ở Tây Ninh. Do sản phẩm đặc thù hỗ trợ sức khỏe nên mẹ không dám giao cho nông dân, mà tự nhân viên công ty phải trồng và chế biến sản phẩm. Bà nuôi khoảng 500 con bò, nuôi trùn quế ăn phân để tạo phân vi sinh bón cây cho an toàn. Bên Pháp đã lấy sản phẩm trà Tâm Lan đi phân tích và đạt 500 chỉ tiêu”, bà Thoa kể.

Đến nay, hàng của Tâm Lan hiện đã được phân phối ở 14 siêu thị lớn của Pháp và các siêu thị ở Úc, Mỹ. Riêng thị trường Thái Lan, theo bà Thoa, đây là lần đầu tiên xuất hiện, nhưng được khách hàng Thái rất quan tâm.

Với thị trường Việt Nam, trà Tâm Lan liên tiếp được người tiêu dùng bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao nhiều năm. Lúc nào Tâm Lan cũng đồng hành với Hội hàng Việt Nam Chất lượng cao để về nông thôn.

Bích Chi nhắm đến AEC

Bà Phạm Thị Hương Sơn, Giám đốc bán hàng Công ty Thực phẩm Bích Chi có phong cách làm việc rất chuyên nghiệp.

Tiếng Anh lưu loát, tự tin, đầy kinh nghiệm về quảng bá, bà Sơn luôn có sức thuyết phục với khách hàng bằng sự giản dị và chuyên nghiệp của mình.

Theo bà Hương Sơn các sản phẩm của Bích Chi đã xuất khẩu trên 40 nước hơn 10  năm nay rồ, chủ yếu là thị trường châu Âu như Anh, Đức, Pháp.

Châu Á có Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Philippine, Singapore… Tỷ trọng giữa nội địa và xuất khẩu của Bích Chi các năm trước là 50-50.

"Chúng tôi vẫn chú trọng đẩy mạnh thương hiệu ở thị trường nội địa, vì trước đây Bích Chi chỉ nổi tiếng các sản phẩm về bột, nhưng gần đây công ty đã cải tiến dây chuyền sản xuất, có thêm nhiều sản phẩm khác từ gao như cháo ăn liền, miến, phở, bánh phồng tôm… Các sản phẩm này còn mới nên phải đẩy mạnh tiếp thị nội địa", bà Sơn cho hay.

Cái tên Bích Chi được thị trường miền Nam được khách hàng biết tới rất nhiều, có mặt trong tất cả các siêu thị lớn nhỏ và cửa hàng tiện dụng. Riêng về xuất khẩu, mỗi năm Bích Chi xuất khẩu được khoảng 50 triệu USD, trong đó sản phẩm chủ lực là bánh phồng tôm, hiện đang dẫn đầu so với các thương hiệu khác về xuất khẩu.

Sắp tới, Bích Chi đang đầu tư đẩy mạnh marketing cho sản phẩm ở thị trường ASEAN. Ngoài quảng cáo trên báo đài , tích cực tham gia cùng Bộ Công Thương đi quảng bá hình ảnh tại các nước ASEAN, Bích Chi còn tham gia tích cực các hội chợ ở khu vực như Thái Lan, Nhật Bản, Myanma.

Năm này Bích Chi đã tham gia các hội chợ ở Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia… để mở rộng thị trường, đón đầu việc xóa bảo rà cản thuế quan khi TPP đã ký kết, để khi vào thị trường khách hàng không bỡ ngỡ.

Riêng thị trường Thái Lan, Bích Chi đã xuất khẩu được hai năm nay, sản lượng ngày càng tăng. Trước đây bán chủ yếu bánh tráng, phở, bánh phồng tôm.

“Lúc đầu mình cứ nghĩ sản phẩm bún, miến, phở không cạnh tranh được với sản phẩm Thái, nhưng thực ra khi xâm nhập thị trường mới thấy khách hàng rất thích phở Việt Nam vì hương liệu, chất liệu gạo ở Việt Nam khác hẳn so với Thái Lan, khi khách hàng đã chấp nhận họ sẽ duy trì thị hiếu của mình, sản lượng trất tốt”- Hương Sơn nói.

“Chúng tôi đã vào thị trường Thái, hiểu được xu hướng tiêu dùng của người Thái như thế nào, nên việc kết hợp với Central Group sẽ giúp chúng tôi thay đổi bao bì để phù hợp với hệ thống của Central Group. Thói quen tiêu dùng người Thái và người Việt có nhiều điểm tương đồng, họ sử dụng nhiều sản phẩm chế biến từ gạo, nhiều gia vị khi nấu ăn như xả, ớt, chanh…

Buổi sáng họ cũng ăn phở, bún, miến, cơm như người Việt, chứ ít khi dùng bánh mì như người châu Âu. Sản phẩm Việt Nam có rất nhiều cơ hội xâm nhập vào thị trường Thái nếu chất lượng và giá cả của mình cạnh tranh được với thị trường Thái”, bà Hương Sơn nhận định.

Tấm lụa tơ tằm xứ Bắc

Lụa tơ tằm Việt Nam nổi bật trong các gian hàng bởi những sản phẩm cao cấp, hoàn toàn tự nhiên cũng như sự duyên dáng của Lương Thanh Hạnh, cô gái trẻ đến từ Hà Nội luôn có nụ cười tươi rói.

Với thương hiệu Lụa tơ tằm Việt Nam lại quyến rũ khách hàng Thái bởi sự duyên dáng, nhiệt tình, lúc nào cũng nở nụ cười tươi rói.

Các sản phẩm từ các làng quê phía Bắc đã chinh phục được giới khách hàng Nga.

Hạnh kể mấy ngày qua khách đến khá nhiều, sản phẩm bán gần hết. Nay Hạnh đang cố gắng vươn mình sang thị trường Thái Lan, thị trường tiềm năng lớn.

Cuối năm 2015, cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được thành lập, các dòng thuế các nước trong nội khối sẽ trở về 0 là cơ hội rất tốt để hàng hóa của các nước giao thương, để người dân trong khối ASEAN có cơ hội hiểu biết, tiêu dùng những sản phẩm của nhau.

 

Kim Yến

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang