Chuyển trường Đại học ra ngoại thành: Không ai chịu đi!

author 07:39 09/05/2013

(VietQ.vn) - Dù có dự án, chủ trương nhưng hơn 5 năm nay, các trường trong diện di dời ra ngoại thành vẫn muốn "bám trụ" ở nội đô.

Càng bắt đi, càng...quyết ở lại 

Bộ GD&ĐT và Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội đã đưa ra dự thảo về tiêu chí các trường phải di dời khỏi nội đô Hà Nội và TP HCM. Theo đó, dự kiến Hà Nội có 19 trường di dời toàn bộ và 16 trường di dời một phần trên tổng số 62 trường đại học, cao đẳng trong khu vực nội thành hiện nay.

ĐH Ngoại thương "quyết" không rời nội thành Hà Nội. Ảnh: HT
ĐH Ngoại thương "quyết" không rời nội thành Hà Nội. Ảnh: HT

Thành phố HCM dự kiến có 17 trường di dời toàn bộ và 13 trường di dời một phần trên tổng số 69 trường đại học, cao đẳng trong thành phố.

Theo Bộ GD&ĐT, các trường di dời toàn bộ thì không được thuê lại hoặc không được giữ lại cơ sở vật chất của trường; phần đất cũ phải bàn giao cho cơ quan quản lý theo quy định của pháp luật.

Nhưng trên thực tế, một số giảng viên ngại di chuyển vì gia đình ở trong thành phố, không quen với việc sống xa đô thị - Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Lê Văn Thành cho hay.

Đang ở "phố" nên ngại về "quê"

Nhà tâm lý học, PGS Trịnh Hòa Bình cho rằng, nhiều trường còn ngần ngại vì nơi đến vẫn hay bị gọi là...Hà Nội 2. Nghĩa là bị coi là "nhà quê", khi cơ sở hạ tầng chưa phát triển. 

Nhưng nếu các đại học không di dời ra đó thì lấy đâu động lực để  những nơi đó phát triển. Bởi vậy, "siêu dự án" này đang vấp vào vấn đề người ta vẫn hay nói "quả trứng có trước hay con gà có trước".

Cũng vì thế mà dù đã được cấp đất ở nơi đáng mơ ước là khu Hòa Lạc, nhưng nhiều năm nay, ĐH Quốc gia Hà Nội vẫn cố tình "dậm chân" thực hiện dự án di dời. Mảnh đất "đóng đô" của ĐH này đang nằm ở khu đất "vàng" trong quận Cầu Giấy.

Đại diện Ban giám hiệu ĐH Ngoại thương cũng tiết lộ, nhiều giảng viên khi biết tin trường mình trong diện “dời đô” đã tỏ ra “tâm tư” vì quen sống ở nội thành. Để được ở lại, ĐH Ngoại thương lập luận rằng, họ có tới 3 cơ sở ở Hà Nội, Thành phố HCM, Hưng Yên… nên nếu cộng diện tích đất các nơi đó, chia cho tổng số sinh viên thì “thoải mái” thừa tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT quy định.

Và nếu có di dời, trường sẽ cho sinh viên các hệ học văn bằng, chứng chỉ, liên kết đào tạo...chứ sinh viên chính quy vẫn phải học tại phố Chùa Láng, quận Đống Đa.

Tuy nhiên, lập luận này đã bị Đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội bác bỏ, vì họ cho rằng, tiêu chí đưa ra là tính trên diện tích hiện có ở nội đô chứ không "cộng thêm" nơi khác.

Bất chấp nguy cơ phải di dời, hiện nay, ĐH Ngoại thương và Luật đã cho xây dựng thêm những khu nhà cao tầng, đồ sộ trong khuôn viên của trường mình, mặc dù họ nằm trong danh sách dự kiến di dời của Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội.

Bộ Giáo dục "dọa" cắt kinh phí

Trao đổi với chúng tôi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, Bộ đang cụ thể hóa các tiêu chí để lên danh sách các trường phải di dời.

Trả lời cho câu hỏi vì sao ĐH Quốc gia Hà Nội đã được cấp đất và tiền nhưng 10 năm nay vẫn chưa thấy di chuyển. Liệu khi Bộ lên danh sách mà các trường vẫn chê ì, không chịu đi thì sao? - ông Ga cho hay, với những trường như vậy sẽ có những biện pháp xử lý mạnh, ví dụ như cắt kinh phí đào tạo.

Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, ông Đỗ Viết Chiến cho biết, đến năm 2030 sẽ đưa 2/3 số sinh viên trong nội đô Hà Nội ra ngoài, để giảm sức ép về mọi mặt lên khu vực này.

Hiện Bộ Xây dựng đang hoàn chỉnh Quy hoạch chung, để Hà Nội làm quy hoạch chi tiết, trong đó có việc đưa các trường ra ngoài nội đô. Tất cả các mốc thời gian đều được quy định trong Luật Quy hoạch đô thị, nên nếu trường nào cố tình không di dời thì coi như chống luật – Đại diện Cục Phát triển đô thị khẳng định.

Đại diện Bộ Xây dựng cũng cho biết, sau này, khu ngoại thành Hà Nội sẽ có đầy đủ các khu dịch vụ, vui chơi, giải trí, bệnh viện… và các tuyến giao thông thuận lợi nối với trung tâm Thủ đô.

Chính phủ không ngừng thúc giục

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa yêu cầu Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Đề án "Di dời một số trường đại học, cao đẳng từ nội thành TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đến các khu quy hoạch".

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, hoàn thiện đề án trên theo hướng làm rõ một số vấn đề để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả. Mục tiêu trước mắt của Đề án là giảm mật độ sinh viên tại một số khu vực của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Mục tiêu lâu dài nhằm tạo điều kiện cho các trường đại học, cao đẳng có cơ sở vật chất-kỹ thuật đạt quy chuẩn, đáp ứng các yêu cầu phục vụ đào tạo và sinh hoạt của cán bộ và sinh viên nhà trường, hướng đến xây dựng nhà trường tiên tiến và nền giáo dục đại học Việt Nam hiện đại, chuẩn hóa, xã hội hóa, quốc tế hóa.

Để đáp ứng mục tiêu trước mắt, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xác định cụ thể tiêu chí, điều kiện và giải pháp khả thi triển khai thực hiện trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2015.

Đối với giai đoạn 2016-2020 cần xác định rõ các nguyên tắc, giải pháp làm cơ sở cho các địa phương, các trường chuẩn bị trước. Đối với giai đoạn 2021-2025 cần đề ra những định hướng, nguyên tắc chung làm cơ sở cho các trường, các địa phương xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng và định hướng đầu tư.

 

Mai Chi

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang