Chuyện về "bệ phóng" của GS Đàm Thanh Sơn

author 06:53 03/05/2014

Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Hoa Kỳ vừa công bố danh sách 84 viện sĩ hàn lâm mới được bầu (ngày 29-4), trong đó có GS Đàm Thanh Sơn đang giảng dạy tại Đại học Chicago.

GS Đàm Thanh Sơn (bìa phải) trao đổi với GS David J.Gross (bìa trái), giải Nobel vật lý năm 2004, bên lề hội nghị

Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9, năm 2013 tại TP Quy Nhơn (Bình Định) - Ảnh: Trường Đăng

Chiều 1-5, Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện cùng GS vật lý Đàm Trung Đồn, nguyên chủ nhiệm bộ môn vật lý chất rắn - khoa vật lý, nguyên trưởng ban điều hành hệ đào tạo cử nhân khoa học tài năng (Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội).

Nhắc đến nhà vật lý Đàm Thanh Sơn, cháu ruột mình, GS Đàm Trung Đồn chia sẻ:

- Khi được mẹ của Sơn báo tin Sơn trở thành thành viên chính thức của Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Hoa Kỳ, tôi rất mừng. Đây không phải hư danh mà là danh hiệu được bầu thông qua phản biện nghiêm túc, chặt chẽ của các nhà khoa học lớn dựa trên các công trình khoa học của những người trong danh sách đề cử.

Vượt qua những phản biện này nghĩa là khẳng định được giá trị của các nghiên cứu và tầm cỡ của chủ nhân các nghiên cứu này.

Có thể hiểu Sơn đã trở thành một trong hơn 2.000 nhà khoa học tầm cỡ nhất của Hoa Kỳ và nếu nói ở lĩnh vực vật lý, con số còn ít hơn nhiều. Nhiều người thắc mắc trở thành thành viên Viện hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ thì giá trị thế nào?

Tôi được biết thành viên của viện này có nhiệm vụ chính là chuẩn bị lựa chọn những người mới vào viện thông qua phản biện, đồng thời đề ra những quy hoạch lớn cho các lĩnh vực khoa học - giáo dục quốc gia của Hoa Kỳ như giáo dục đại học, bảo vệ môi trường...

* Cùng nghiên cứu về vật lý, GS và GS Đàm Thanh Sơn chắc chắn có nhiều thuận lợi trong trao đổi học thuật...

- Không ít người nói Sơn chịu ảnh hưởng của tôi vì bố mẹ của Sơn đều là nhà khoa học các ngành khác, còn tôi là chú ruột của Sơn, lại cũng là GS vật lý.

Song thực tế cái gốc là tôi chịu ảnh hưởng của anh trai mình là bố Sơn, và Sơn cũng chịu ảnh hưởng từ chính bố mình vì ông rất đam mê khoa học, hay kể chuyện làm khoa học.

Dù cùng ngành vật lý nhưng phần nhiều đề tài của Sơn tôi đọc cũng không hiểu hết vì Sơn theo vật lý lý thuyết, còn chuyên ngành của tôi là vật lý chất rắn.

Tham dự một số hội nghị mà Sơn có bài trình bày, thấy hội nghị vỗ tay rất lớn, nhưng tôi đoán không phải tất cả những người vỗ tay ấy đều hiểu hết những gì Sơn nói (cười).

Song chắc chắn một điều: những nghiên cứu của Sơn có giá trị, được giới khoa học quan tâm, có những kết quả thú vị giống như đi tìm ra một hàm số vật lý mới...

* Nhiều người băn khoăn GS Đàm Thanh Sơn vốn là học sinh chuyên toán, lại chuyển sang học và thành công ở ngành vật lý hẳn phải bắt nguồn từ một cơ duyên đặc biệt, thưa GS?

- Có lẽ không nhiều người biết 15 tuổi Sơn đã đi học ĐH nước ngoài bằng học bổng của Nhà nước. Ấy là vì Sơn mấy lần được “nhảy” vượt lớp từ thời phổ thông.

Sơn xuất thân dân chuyên toán A0 Trường ĐH Tổng hợp, đoạt huy chương vàng Olympic quốc tế về toán và nếu bình thường sẽ phải đi học tiếp ĐH ngành toán.

Song bản thân Sơn và gia đình đều mong muốn Sơn theo ngành vật lý nên tôi đã trực tiếp đến xin lãnh đạo Bộ GD-ĐT chuyển cho Sơn đi học ngành vật lý.

Trước khi sang nước ngoài học, Sơn có được đưa đến phòng thí nghiệm vật lý đại cương Trường ĐH Tổng hợp để thực tập một số thí nghiệm vật lý.

Đúng là giỏi toán sẽ có cơ sở tư duy logic, giúp rất nhiều cho tính toán trong vật lý, nhưng không phải ai cũng có thể chuyển từ toán sang lý ngay được.

Vật lý là môn học thực nghiệm, mọi tính toán chỉ có thể được chấp nhận khi có thí nghiệm kiểm chứng. Điểm khác biệt của Sơn mà tôi nhận thấy chính là sự “nhạy cảm vật lý”.

Đứng trước một hiện tượng, Sơn luôn có thói quen tìm hiểu liệu người ta nói như thế có đúng không, hợp lý không, nguồn gốc của vấn đề nằm ở đâu...

Khi còn đang học ở nước ngoài, một lần về nước Sơn đến nhà tôi chơi đúng lúc tôi đang làm thử thí nghiệm đo khuếch tán nhiệt trong chất rắn.

Sơn lẳng lặng ngồi xem, rồi lẳng lặng cầm bút tính. Sơn có thói quen như vậy. Dù đó là lý thuyết, nhưng cậu vẫn muốn tìm hiểu xem nó có hợp lý hay không.

* Những người yêu vật lý, đặc biệt những người trẻ, luôn mong muốn sự hiện diện của GS Đàm Thanh Sơn nhiều hơn ở các sự kiện khoa học nước nhà để không chỉ truyền kiến thức mà còn truyền cảm hứng, tình yêu với khoa học. Là GS gắn bó nhiều năm với nền giáo dục trong nước, GS có bao giờ chia sẻ trăn trở này với GS Đàm Thanh Sơn?

- Cùng trong một nhà, trao đổi nhiều việc, nhưng chưa bao giờ Sơn chia sẻ với tôi cảm xúc hay mục tiêu đoạt giải thưởng này, giải thưởng kia. Tôi nghĩ nhờ sự khiêm nhường đó mà Sơn đi xa được.

Tuy nhiên, tôi không giấu niềm tự hào rằng Sơn là người thực hiện ước vọng của chính bản thân mình từ khi chọn theo ngành vật lý mà đến nay tôi chưa làm được.

Tôi nhiều lần chia sẻ muốn Sơn phát huy khả năng cá nhân để đóng góp nhiều hơn cho quê hương, và Sơn cũng thổ lộ đó chính là điều mà Sơn luôn tâm niệm, muốn được làm nhiều hơn cho quê hương.

Khi tôi nhận nhiệm vụ tham gia công tác chuẩn bị kỳ thi Olympic vật lý quốc tế tại Việt Nam, tôi đã đề nghị mời Đàm Thanh Sơn về để cùng tham dự vào ban tổ chức. Tôi đề nghị và Sơn cũng đồng ý sẽ nhận sinh viên giỏi về vật lý để theo học ở Hoa Kỳ...

GS Đàm Thanh Sơn (quê quán Bắc Ninh) sinh năm 1969 tại Hà Nội. Năm 1984, Đàm Thanh Sơn đoạt huy chương vàng tại kỳ thi Olympic toán quốc tế với số điểm tuyệt đối 42/42. Ông theo học ĐH Tổng hợp quốc gia Matxcơva và nhận bằng tiến sĩ vật lý tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Matxcơva, Liên bang Nga năm 1995.

Trước khi trở thành GS của ĐH Chicago danh tiếng vào tháng 9-2012, GS Đàm Thanh Sơn trải qua nhiều năm nghiên cứu sau tiến sĩ và làm GS ở ĐH Washington, Viện Công nghệ Massachusetts, ĐH Columbia, Hoa Kỳ...

Theo Tuổi trẻ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang