CMCN 4.0: KH&CN là giải pháp đột phá để phát triển nông nghiệp xanh

author 06:25 31/03/2018

(VietQ.vn) - Khoa học và công nghệ được coi là giải pháp đột phá để phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp có giá trị gia tăng cao.

Sự kiện: CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ 4

Đây là nội dung quan trọng được đề cập trong bài phát biểu của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường trong phiên thứ 2 Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS - Đối thoại chính sách cao cấp với chủ đề “Ứng dụng công nghệ cao để thúc đẩy phát triển nông nghiệp khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Tiểu vùng Mekong mở rộng với diện tích 2,6 triệu km vuông và dân số 333,8 triệu người gắn liền với hành lang sông Mekong đang nổi lên thành trung tâm tăng trưởng mới của một thế giới hội nhập ngày càng sâu rộng. Trong thời gian tới, nông nghiệp sẽ tiếp tục là ngành quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy xóa đói giảm nghèo và là bệ đỡ quan trọng cho các ngành kinh tế khác tại Tiểu vùng Mekong mở rộng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, khoa học công nghệ được coi là giải pháp đột phá để phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp có giá trị gia tăng cao. Trong quá trình đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) là cơ hội quý giá cho các nước với các tiềm năng ứng dụng mới như: Ứng dụng từ trí tuệ nhân tạo giúp tự động hóa toàn bộ quy trình sản xuất; Công nghệ sinh học giúp giải mã nhanh các hệ gen tạo ra những giống cây trồng mới chống chịu sâu bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, công nghệ viễn thám phục vụ công tác trong quản lý, giám sát, dự báo lũ, lụt trên các lưu vực sông, cảnh báo cháy rừng; Công nghệ vật liệu nano giúp sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật theo đặc tính của các vi sinh vật trong đất và giúp bảo quản nông lâm sản tốt hơn, tăng chất lượng và hạn sử dụng. Ngoài ra những ứng dụng khác như công nghệ in 3D, Robot giúp thay thế lao động chân tay, tăng năng suất, giảm giá thành...

Khoa học công nghệ được coi là giải pháp đột phá để phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp có giá trị gia tăng cao. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, là nhóm các nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình và thấp, các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trước ngưỡng cửa của cuộc cách mạng này như các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng có nền nông nghiệp chủ yếu dựa trên tài nguyên tự nhiên và lao động giá rẻ sẽ gặp nhiều khó khăn vì khả năng hấp thụ công nghệ và đổi mới sáng tạo thấp, năng suất lao động thấp.

Nền kinh tế với trình độ tự động hóa cao và có tính sáng tạo, đòi hỏi người lao động phải thích ứng nhanh với sự thay đổi của sản xuất nếu không sẽ bị dư thừa dẫn tới tình trạng gián đoạn công việc và thất nghiệp. Đồng thời, công nghệ 4.0 có khả năng mở rộng thêm khoảng cách giàu nghèo trong xã hội do tri thức sẽ là yếu tố đại diện quan trọng cho sản xuất, hơn là vốn. Điều này sẽ làm phát sinh một thị trường việc làm ngày càng tách biệt thành các phân đoạn “kỹ năng thấp/lương thấp” và “kỹ năng cao/lương cao”, có thể sẽ dẫn đến sự gia tăng các vấn đề xã hội.

Để đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt công nghệ 4.0 vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp ở các nước GMS, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề xuất 5 nội dung hợp tác như sau:

Thứ nhất, các nước cần đẩy mạnh hơn việc phát triển các chuỗi giá trị nông nghiệp ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, xây dựng các chuỗi giá trị nông nghiệp xuyên biên giới.

Thứ hai, tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ trong xây dựng chiến lược, quy hoạch, chính sách phát triển nông nghiệp giữa các nước Tiểu vùng sông Mekong.

Thứ ba, phối hợp tốt nhất trong giao thương giữa các nước, tận dụng lợi thế của việc vận chuyển hàng hóa theo hành lang sông Mekong. Tăng cường hợp tác và ứng dụng công nghệ mới để phát triển ngành logistics hỗ trợ nông nghiệp và quản lý chất lượng hàng nông sản xuyên biên giới.

Thứ tư, tăng cường đầu tư và phối hợp giữa các nước, giữa khối công và khối tư trong khu vực Tiểu vùng Mekong trong các chương trình nghiên cứu, đào tạo, khuyến nông hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, quản lý dịch bệnh và quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng của công nghệ số.

Thứ năm, tận dụng tối đa các ứng dụng của công nghệ 4.0 trong các chương trình quản lý tài nguyên thiên nhiên và quản lý rủi ro thiên tai quy mô vùng (dự báo, cảnh báo sớm thời tiết; cảnh báo cháy rừng; diễn biến xâm nhập mặn nước ngầm, nước mặt; cảnh báo nguy cơ ô nhiễm nguồn nước; cảnh báo lũ lụt; giám sát an toàn hồ đập và điều hành liên hồ chứa thông minh…). Tăng cường hợp tác về quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên nước quý báu của sông Mekong cho phát triển nông nghiệp.

Hùng Cường

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang