Cơ cực đời công nhân làm thuê

author 06:05 25/04/2014

Quyết định lên TP làm công nhân ở các KCN là việc cực chẳng đã. Chị Vũ Thị Thu ở xã Hưng Đạo (Chí Linh, Hải Dương) mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng tiếng thở dài như thế.

Gia đình anh Sáng có 4 người phải sống trong căn phòng xập xệ khoảng 12 m2

Lương bèo nên phải tăng ca

Thu làm ở Cty May Tinh Lợi thuộc KCN Nam Sách với mức lương 2,4 triệu đồng/tháng. “Bố mẹ em làm nông ở quê đã vất vả lắm rồi, ai ngờ lương công nhân cũng bèo bọt quá”, Thu chia sẻ. Lương thấp nên hầu hết công nhân trong Cty ai cũng tăng ca đến tối đa. Cty trả cho một giờ tăng ca từ 15 - 18 ngàn đồng. Thời gian tăng ca từ 1 - 3 tiếng/ngày. Được thêm đồng tiền nhưng sức lực bị vắt kiệt. Sáng dậy từ tinh mơ, đến đêm mới về, chẳng còn thời gian nghỉ ngơi. “Chúng em không có cơ hội cho yêu đương. Phần lớn thời gian dành hết cho xưởng. Đi làm về mệt lả người nên lăn ra ngủ”, Thu than thở.

Cùng ở trong phòng trọ 15 m2 với Thu có 2 bạn quê Tuyên Quang. Cộng cả điện, nước mỗi tháng 3 chị em đóng cho chủ nhà trọ khoảng 900.000đ. “Ở đây, không có các hoạt động văn hóa, giải trí. Nếu có thì chúng em cũng chẳng có thì giờ mà thưởng thức. Ti vi, sách báo chẳng có”, Quan Thị Hòa, bạn ở cùng phòng với Thu bộc bạch.

Cũng theo Hòa, hầu hết công nhân tại các khu nhà trọ đều không có điều kiện tiếp cận với thông tin thời sự hằng ngày. Chiếc điện thoại là người bạn gần gũi nhất sau mỗi buổi tan ca. Nhưng kiếm đâu ra tiền để có điện thoại đắt tiền mà truy cập tin tức.

Không nhà trẻ, trạm y tế

Bức bí nhất có lẽ là cuộc sống của những cặp vợ chồng có con nhỏ tại các KCN. Trong số 7 vạn lao động ở Hải Dương có lẽ có hàng ngàn vợ chồng cùng cảnh ngộ như anh Bùi Văn Sáng và chị Vũ Thị Nguyệt. Sáng quê Kim Bôi, Hòa Bình. Nguyệt quê Bỉm Sơn, Thanh Hóa. Hai người làm việc ở Cty Dịch vụ bảo vệ Hoàng Gia.

Như nhiều công nhân khác, Sáng và Nguyệt nên duyên chồng vợ trong môi trường làm việc. Hồi sinh đứa con trai đầu lòng, vợ chồng thuê được bà cụ ở gần xóm trọ trông con nên Nguyệt đi làm được. Tháng 9/2012, Nguyệt sinh đứa con thứ 2 và bắt đầu nghỉ đi làm. Sáng gồng mình làm việc, tăng ca triền miên để kiếm thêm đồng thu nhập, thỉnh thoảng mua cho con hộp sữa. Căn phòng trọ 12 m2 mà vợ chồng Sáng gắn bó 8 năm nay chưa năm nào đóng hết tiền phòng đúng kỳ hạn.

Phòng trọ nhỏ nên cái giường không thể rộng. Vậy mà 2 năm nay, 4 con người trong gia đình Sáng vẫn phải gò bó lúc nằm ngủ. “Phòng nhỏ, thiếu oxy nên bọn trẻ chẳng đêm nào yên giấc. Khi không còn tiếng trẻ khóc thì lại nghe tiếng muỗi réo bên tai. Sáng nào ngủ dậy, mặt mũi cho đến tay chân lũ trẻ và vợ chồng đầy nốt muỗi cắn”, Nguyệt kể.

Không chỉ mỗi Cty nơi Sáng và Nguyệt làm mà đa phần các NM trên địa bàn tỉnh Hải Dương không có nhà ở tập thể hay nhà trẻ cho con em công nhân tá túc, gửi gắm. Đây là điều bất cập lớn nhất ở các KCN mà bài toán quy hoạch, xét duyệt đầu tư ngay từ đầu chưa nhìn được thấu đáo.

Mỗi tháng Cty hỗ trợ cho vợ chồng Sáng 50.000đ/tháng tiền phòng trọ. Một khoản hỗ trợ quá bèo bọt cùng với mức lương 2,5 triệu đồng/30 ngày công của Sáng liệu có đủ trang trải cho cuộc sống 4 miệng ăn? Khó khăn, vất vả nên 2 cái Tết trôi qua, gia đình Sáng đều không về quê, cứ thui thủi nơi phòng trọ.

Cuộc sống của 2 vợ chồng quá vất vả nhưng tương lai của hai con trẻ rồi đây sẽ ra sao? Chúng lớn lên và điều kiện ăn học như thế nào khi mà bố mẹ không có hộ khẩu tại địa bàn?

Sáng bảo tôi cứ đi hết cả mấy khu trọ sẽ thấy cuộc sống của những công nhân nơi đây ngặt nghèo đến mức nào. “Xem ti vi thấy có gói hỗ trợ mấy chục nghìn tỷ cho người thu nhập thấp mua nhà ở nghe thật viển vông với hàng vạn công nhân lao động như chúng em”, Sáng tâm sự.

Ăn hai cái Tết Nguyên đán ở phòng trọ, gia đình Sáng được Liên đoàn Lao động TP Hải Dương đến tặng quà. Đó cũng là cơ hội duy nhất mà công nhân được tiếp xúc với cơ quan có thẩm quyền để đề đạt nguyện vọng. Những lần như thế, Sáng bảo, chẳng trông chờ vào việc tăng lương của Cty nhưng mong Nhà nước thương lấy tụi em, xây nhà ở tập thể cho công nhân thuê; xây nhà trẻ, trạm y tế cho con em công nhân được gửi gắm.

Ước ao của Sáng cũng là khát khao của hàng triệu lao động tại các KCN trong cả nước nói chung và ở Hải Dương nói riêng.

Sợ sinh con

Thấy cuộc sống hiện tại, có không ít cặp công nhân ghép ở với nhau rồi nên duyên chồng vợ nhưng lại sợ sinh con.

Lý do các bạn trẻ đưa ra thật đơn giản, đồng lương hiện tại chưa đủ nuôi sống bản thân. Nếu sinh con thì 1 trong 2 người phải nghỉ việc vì không có tiền để thuê người giúp việc. Áp lực công việc, áp lực cuộc sống đang làm cho hàng vạn lao động tại các KCN già nua theo tháng năm, ngoảnh lại thấy muôn vàn những thiệt thòi, cay đắng.

Bữa cơm tối đạm bạc của hai vợ chồng Huynh - Thảo

Phạm Văn Huynh và Hoàng Thị Thảo ở Tuyên Quang đang làm công nhân cho Cty Embosa là một ví dụ điển hình như thế. Tám giờ tối, hai bạn mới đi làm về.

Vợ tắm giặt, chồng vào bếp. Trong nháy mắt, bữa cơm đạm bạc được dọn ra. Thật đơn giản, chỉ có rau cải luộc và một ít thịt kho để lọt thỏm trong cái bát con con.

Trong không gian chật chội ấy, bóng của đôi bạn trẻ hắt lên tường, liêu xiêu, nhợt nhạt.

Thảo bảo, vỏn vẹn một bữa ăn, chúng em chỉ mua trong khoảng 20 đến 25 ngàn đồng. No cơm nhưng luôn trong cảm giác thèm ăn vì thiếu chất.

Vì cơm, áo, gạo, tiền, hàng loạt công nhân như Huynh và Thảo đã biến mình thành những cỗ máy công nghiệp, khô đét.

Huynh bảo, hồi ở quê em lúc nào cũng 50, 52 kg, thế mà đi làm một thời gian giờ còn 47kg.

Thu nhập thấp nên cuộc sống của công nhân cũng bấp bênh. Từ chỗ ở xập xệ, đến cái ăn, cái mặc đều thiếu thốn.

“Vất vả lắm, anh ạ. Nói ra mà anh viết báo, ai đó không hiểu cho thì nghĩ rằng, thanh niên tụi em lười biếng, chưa làm đã kêu ca, không chịu khó, chịu khổ.

Nhưng thú thực có đi làm rồi mới thấy sự cực nhọc của công nhân ở các KCN đến mức nào. Nó có nhiều hệ lụy mà khi chưa đi làm chúng em không hề hay biết”, Huynh chia sẻ.

Huynh bảo, ăn uống thiếu chất, chúng em cũng cam lòng. Chỉ sợ nhất là ốm đau đột xuất không kịp báo cho Cty hoặc đi làm muộn thì coi như ngày đó không công. Nếu đi làm đầy đủ thì được 103.000đ/ngày công. Còn nghỉ làm 1 ngày không có lý do chính đáng thì bị trừ 303.000đ, trong đó có 103.000đ tiền ngày công, 150.000đ tiền chuyên cần/tháng và 50.000đ tiền xếp hệ số lao động hằng tháng. Không chỉ có áp lực công việc, giờ làm, cường độ lao động mà còn áp lực bởi những chính sách ngặt nghèo ở mỗi Cty đặt ra nữa.

Theo Báo nông nghiệp

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang