Có gì đặc biệt trong thành phố thông minh kiểu mẫu do Nhật Bản xây dựng?

author 06:53 14/03/2021

(VietQ.vn) - Tại thành phố thông minh Aizuwakamatsu (Nhật Bản), người dân được thoải mái trải nghiệm các tiện ích thông minh xuất phát từ các giải pháp công nghệ hiện đại.

Thành phố Aizuwakamatsu, tỉnh Fukushima (Nhật Bản) vừa tiến hành lắp đặt và triển khai một loạt công cụ kỹ thuật số có thể gửi cảnh báo thiên tai, qua đó giúp bảo vệ tính mạng người dân. Đây là một phần trong nỗ lực của chính quyền nhằm thúc đẩy công nghệ, đồng thời giúp người dân vượt qua những thách thức về kinh tế và xã hội.

Tuần trước, công ty tư vấn Accenture đã triển khai dịch vụ gửi cảnh báo qua điện thoại thông minh tại thành phố Aizuwakamatsu. Nhiều năm qua, Accenture đã hợp tác với các nhà nghiên cứu trong các dự án sử dụng công nghệ để hồi sinh thành phố sau thảm họa động đất-sóng thần năm 2011. Người dân Aizuwakamatsu có thể chọn đăng ký các dịch vụ kỹ thuật số. Đây được coi là cách tiếp cận khác biệt rõ rệt so với những sáng kiến đã được triển khai ở các thành phố thông minh khác, vốn yêu cầu người dùng bắt buộc phải đăng ký dịch vụ, làm dấy lên những quan ngại về bảo mật thông tin cá nhân.

Thành phố Aizuwakamatsu cũng chính là thành phố thông minh lớn và hiện đại nhất tại Nhật Bản. Hệ thống các công ty, bệnh viện và nhiều tổ chức tại thành phố này đã và đang áp dụng công nghệ để tạo nên một nền tảng thông minh. Ví dụ như tại Bệnh viện Đa khoa Takeda, người ta có thể dễ dàng nhìn thấy bệnh nhân đang sử dụng điện thoại thông minh để thanh toán hóa đơn. Hệ thống thanh toán là một thử nghiệm sử dụng mã QR trong thanh toán điện tử.

“Chúng tôi muốn làm cho mọi thứ trở nên thuận tiện hơn bằng cách sử dụng mã QR; không chỉ để thanh toán hóa đơn viện phí mà còn trả thuế, dịch vụ vận chuyển cũng như việc mua hàng thông thường", ông Keisuke Kobayashi, Giám đốc của Công ty phát triển hệ thống TIS cho biết.

Giải pháp của TIS cũng giúp giảm thời gian người bệnh phải đợi chờ tại bệnh viện bằng cách cung cấp dịch vụ thuận tiện như đặt lịch hẹn khám trực tuyến. Ngoài ra, TIS cũng cung cấp các dịch vụ y tế dự phòng như chăm sóc y tế từ xa và chẩn đoán dựa trên trí tuệ nhân tạo.

Ngoài TIS, nhiều công ty khác cũng đang nỗ lực cung cấp các dịch vụ công nghệ đối với các lĩnh vực như vận chuyển, giáo dục, năng lượng, nông nghiệp hay sản xuất tại thành phố Aizuwakamatsu. Các công ty này bao gồm NEC, Toppan Printing, Coca-Cola, SoftBank Group và Mitsubishi - tất cả đều đang hợp tác dưới một mái nhà tại Trung tâm đổi mới AiCT.

Nhật Bản đang nỗ lực xây dựng thêm nhiều thành phố thông minh kiểu mẫu 

Với dân số chỉ 120.000 người, Aizuwakamatsu là một bất ngờ khi được lựa chọn để xây dựng thành phố thông minh kiểu mẫu tại đất nước mặt trời mọc. Điều này có thể lý giải là do mô hình phát triển độc đáo của thành phố này.

Cụ thể, người dân được phép lựa chọn nếu họ muốn cung cấp thông tin cá nhân để đổi lấy các dịch vụ thông minh. Kỹ sư Shojiro Nakamura tại Công ty tư vấn Accenture, giám sát dự án, cho biết: “Điều quan trọng nhất là sự tin tưởng của người dân. Nếu không có được sự tin tưởng của người dân, việc phát triển đô thị thông minh sẽ thất bại".

Thành phố đang nỗ lực để thu hút người dân bằng cách nêu rõ lợi ích của việc chọn tham gia vào hệ thống của thành phố. Để tăng tính minh bạch và đảm bảo với mọi người rằng thông tin cá nhân sẽ không bị lạm dụng, việc quản lý dữ liệu sẽ được giám sát bởi cộng đồng.

Chẳng hạn, ý tưởng lắp đặt các cảm biến trong bãi đậu xe của một điểm thu hút khách du lịch địa phương, đã được đưa ra với mục đích để xác định xem có cách nào để tăng sự hấp dẫn của địa điểm này hay không. Nhưng thành phố đã loại bỏ các cảm biến khi cho rằng công nghệ này có thể khiến người dân lo lắng.

Trên thực tế, khoảng 20% người dân tại thành phố Aizuwakamatsu đã đăng ký sử dụng một số loại dịch vụ thông minh. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 30% vào cuối năm tài chính 2020. Khoảng 20 công ty đang hợp tác để xây dựng thành phố thông minh tại thành phố Aizuwakamatsu

“Điều quan trọng là chúng ta phải hiểu biết sâu sắc hơn về các thành phố thông minh. Khi tỷ lệ đăng ký đạt 50%, thành phố sẽ cho phép người dân chọn tham gia tất cả các dịch vụ dưới dạng một gói, thay vì từng dịch vụ một. Khi đạt 70%, hệ thống sẽ được coi là đã lấy được lòng tin của người dân và chia sẻ dữ liệu cá nhân theo mặc định. Nhưng người dân vẫn có thể chọn không tham gia”, kỹ sư Nakamura nhận định.

Tại Nhật Bản, thành phố thông minh bắt đầu được chú ý từ sau thảm họa động đất-sóng thần năm 2011. Chính quyền địa phương đã hợp tác với các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu nhằm áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội, trong đó có tình trạng già hòa dân số và biến đổi khí hậu. Những công ty điện tử như Panasonic, Hitachi hay ứng dụng tin nhắn LINE đều nằm trong số các công ty đang phát triển thành phố thông minh tại Nhật Bản.

Hồi tháng trước, hãng sản xuất ô tô Toyota cũng khởi công xây dựng thành phố thông minh mới gần Tokyo, được coi là "phòng thí nghiệm" thử nghiệm và phát triển xe tự hành, robot, thiết bị di động cá nhân và công nghệ AI cho cư dân. Chủ tịch Tập đoàn Toyota Akio Toyoda từng nhấn mạnh việc xây dựng thành phố từ bước ban đầu là cơ hội độc nhất vô nhị để phát triển các công nghệ tương lai.

Nhật Bản cũng luôn hướng tới cách tiếp cận minh bạch để xử lý dữ liệu cá nhân. Vào tháng 5 vừa qua, chính phủ Nhật Bản đã sửa đổi một luật để mở rộng các thành phố thông minh được đặc trưng bởi "truy cập mở". Bằng cách tiêu chuẩn hóa hệ điều hành đô thị - phần mềm cơ bản cho thành phố thông minh - nhiều thành phố có thể được kết nối với cơ sở hạ tầng dữ liệu để thu thập và tổ chức thông tin.

Điều này đã loại bỏ nhu cầu mỗi thành phố phải xây dựng cơ sở hạ tầng của riêng mình, giúp các thành phố kém phát triển dễ dàng chuyển đổi sang thành phố thông minh hơn. Khi nhiều thành phố được kết nối hơn, lượng dữ liệu lớn hơn có thể được thu thập, cho phép các dịch vụ tốt hơn và được nhắm mục tiêu nhiều hơn.

Theo ông Shojiro Nakamura, đồng lãnh đạo Trung tâm Đổi mới Accenture Fukushima, hầu hết dữ liệu thành phố thông minh đều lấy từ các hoạt động của người dân, trong đó có việc sử dụng năng lượng, chăm sóc sức khỏe. Người dân cũng là chủ quản của các dữ liệu này, theo đó họ có thể tự quyết định mức độ tiếp cận các dữ liệu, ngay cả khi các công ty hoặc phòng khám nắm giữ dữ liệu này. 

Không chỉ Nhật Bản, các thành phố trên khắp thế giới đang chạy đua để nắm bắt công nghệ nhằm cải thiện cuộc sống đô thị. Thông qua việc thu thập dữ liệu, lực lượng chức năng có thể giải quyết các vấn đề như tắc nghẽn giao thông, tội phạm và quản lý chất thải. Theo Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC), ước tính riêng trong năm 2020, chi tiêu toàn cầu cho các sáng kiến thành phố thông minh đạt gần 124 tỷ USD, trong đó Nhật Bản và Mỹ Latin được dự báo sẽ chi mạnh tay nhất trong lĩnh vực này.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang