Cô giáo cụt chân làm sách nói cho người mù

author 17:36 08/11/2014

Từ một nữ sinh bị tàu hỏa cán đứt hai chân, chị đã đứng lên vượt qua bóng tối của số phận để đem ánh sáng tri thức cho hàng ngàn người khiếm thị trên mọi miền đất nước.

Coi trẻ khiếm thị như con ruột của mình. Cùng các em khiếm thị trong ngày hội “thắp sáng niềm tin cùng biển đảo quê hương”. ảnh: TMT

 

16 năm lăn lộn đem chữ cho người mù, điều hạnh phúc nhất của chị không phải là những tấm bằng khen, hay những lần vinh danh trước ánh đèn sân khấu mà là sự truyền trao tri thức từ trái tim người khuyết tật cho người khuyết tật. Chị là Nguyễn Hướng Dương - Giám đốc Quỹ từ thiện Sách nói cho người mù TPHCM.

Tai nạn khủng khiếp

Tập tễnh trên đôi chân giả, nhưng với vòng tay dang rộng ôm chặt các em học sinh khiếm thị như những đứa con thân yêu của mình, là hình ảnh đầu tiên tôi thấy về chị Nguyễn Hướng Dương khi tham dự chương trình “Thắp sáng niềm tin cùng biển đảo quê hương” cho 600 học sinh khiếm thị tổ chức tại Vũng Tàu. 16 năm làm cô giáo dạy học bằng sách nói cho hàng ngàn đứa trẻ mù, chị không nói về thành tích của bản thân, mà lại kể về những ngày đau khổ nhất của cuộc đời: “Trời cướp mất của tôi đôi chân, nhưng cho tôi nghị lực sống. Từ khi tôi đứng trên đôi chân giả, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đầu hàng số phận. Chính khát vọng sống của các em mù, đã tiếp cho tôi sức mạnh để sống và cống hiến”, chị chia sẻ .

Tai nạn xảy ra với chị năm 1996, khi đó chị mới 25 tuổi. Đó là một buổi sáng, Dương rời khỏi nhà đi học. Cũng như mọi lần, cô vượt qua đường tàu phía sau nhà đến học thêm nhà thầy giáo. Khi bước chân lên thanh tà vẹt giữa đường ray, bất ngờ cô trượt chân ngã. Hai chân cô lọt kẹt vào thanh tà vẹt không rút lên được. Khi nghe tiếng còi tàu hú sát mang tai, cô chỉ kịp rướn người trườn qua khỏi đường sắt. “Cả đoàn tàu lao tới nghiến nát toàn bộ hai chân tôi, máu chảy lai láng trên đường ray. Khi đoàn tàu chạy qua, mọi người xúm lại hô hoán có người bị tàu cán đứt hai chân. Một người bế tôi ra khỏi đường ray và đặt xuống vệ cỏ, đắp chiếu chờ người thân đến nhận xác. Lúc đó ai cũng nghĩ tôi đã chết. Bỗng một người mở chiếu ra, thấy mắt tôi còn mở, chớp chớp, họ la lên tôi còn sống rồi đưa tôi đi bệnh viện. Năm đó tôi 25 tuổi” - Dương kể lại.

Tỉnh lại sau hơn 10 ngày hôn mê, Dương chỉ muốn chết khi biết mình đã mất đôi chân. “Lúc đó tôi rất bi quan, chán nản vì mình sẽ què quặt…Tôi liên tưởng đến mình phải nằm một chỗ trông đợi sự giúp đỡ của mọi người mà tuyệt vọng. Bảy lần phẫu thuật cắt ghép là bảy lần tôi chết đi sống lại. Nói thật với anh, lúc đó mọi niềm tin nguội tắt…”, Dương ngậm ngùi nhớ lại. Điều khiến Dương bừng tỉnh và vượt qua cái chết là nhờ sự động viên của một bệnh nhân bị cụt hai tay nằm chung phòng bệnh. Khi biết Dương tuyệt vọng trong nỗi đau, người bệnh nhân kia đã giơ hai cánh tay cụt gần tận nách bảo: “Cô không còn chân nhưng còn tay. Cô còn hạnh phúc hơn tôi, còn tự bưng bát cơm mà ăn, tự chăm sóc cho mình. Như tôi đây không còn tay, đến rửa mặt cũng nhờ người khác. Nhưng tôi vẫn sống vui. Người không tay cũng có niềm vui riêng của nó”. Lúc đó cô bừng tỉnh, lấy lại chút hy vọng. Chính hai cánh tay cụt đến nách của chú bệnh nhân cùng phòng đã giúp cô đứng dậy.

Tình yêu bừng sáng từ mất mát

Trở về sau bảy lần phẫu thuật và gần 3 năm gắn với bệnh viện, cô nữ sinh Nguyễn Hướng Dương ngày nào đẹp đẽ duyên dáng giờ là người tật nguyền ngồi trên xe lăn. Ngày nối ngày, Dương làm bạn với xe lăn. Những cuốn truyện xếp đầy nơi ngủ nhưng cũng chỉ làm vơi bớt niềm đau chứ không xóa nhòa được sự mặc cảm. “Mỗi lần nhìn đôi chân cụt, tôi chỉ muốn tự tử. Nhưng nghĩ lại, mình vẫn còn may mắn hơn những người tật nguyền khác, còn bưng được bát cơm, tự lo cho mình. Phải làm việc gì để quên đau đớn và có ích cho đời, không thể là gánh nặng của ba mẹ? Tôi đã xin ba mẹ đến trường mù để tìm sự sẻ chia, cảm thông. Nhìn thấy những đứa trẻ mù, tôi đã khóc. Không hiểu sao lúc đó tôi cảm thấy mình không phải bị cụt chân. Tôi cảm thấy rất yêu những đứa trẻ mù ”, Dương chia sẻ.

Ngay buổi đầu tiên đến Trường mù Nguyễn Đình Chiểu TPHCM, Hướng Dương đã thấy đồng cảm với những học sinh khiếm thị. Chị hiểu các em đang khát khao tri thức, khám phá cuộc sống dù thế giới của các em bị bóng tối bủa vây. Vậy là Dương đọc truyện cổ tích cho các em nghe. Hơn chục học sinh lặng im chăm chú cảm nhận. “ Có đứa đã yêu cầu tôi đọc nữa. Tôi đã kể chuyện tôi bị tàu nghiến đứt hai chân. Nhiều đứa đã khóc vì xúc động”, Dương kể lại.

Phải làm gì đây để giúp các em vượt qua bóng tối của cuộc đời? Một tia sáng lóe lên trong đầu cô: Các em có thể nghe vậy sao không ghi âm những câu chuyện cho các em , truyền trao trí thức cho học sinh khiếm thị qua âm thanh? Vậy là những cuốn truyện cổ tích giúp cô vơi đau đớn trong những ngày phẫu thuật giờ đây được cô “tách” ra từng mẩu chuyện ngắn, biên tập lại cho dễ nghe. Phương tiện là chiếc đài catsette cũ của gia đình, Dương bắt đầu đọc truyện, thâu băng. Những cuốn “sách nói” đầu tiên “ra lò” với những tiêu đề “Trái tim cho em”, “Thế giới sắc màu”, “Một ngày trong bóng tối” được chị đem đến trao tận tay cho Ban giám hiệu Trường mù Nguyễn Đình Chiểu, rồi sau đó được in sao chuyển miễn phí đến các trường mù ở các tỉnh miền Đông Nam bộ. Hướng Dương chia sẻ: “Những ngày đầu tiên gặp không ít khó khăn. Do đọc nhiều, gắng sức nên giọng khàn đặc. Những ngày thời tiết thay đổi, mỏm xương cụt đau điếng nhưng tôi vẫn gắng. Cứ mỗi khi thu xong một băng 10 mẩu chuyện, tôi cảm thấy rất vui, nhẹ nhõm”.

- Điều gì khiến chị gắn bó với các em?

- Đơn giản thôi, đó là tình yêu thương. Là người tật nguyền, tôi cảm nhận được hạnh phúc khi được người khác san sẻ tình thương cho mình. Tôi muốn đem tình thương ấy cho các em. Tôi muốn giúp các em vượt qua bóng tối, cũng chính là giúp mình.

Sứ mệnh yêu thương

Trong chương trình “Thắp sáng niềm tin cùng biển đảo quê hương” tổ chức tại TP. Vũng Tàu ngày 27.9.2014, 600 em học sinh đến từ 4 tỉnh, thành là 600 mảnh đời, hoàn cảnh khác nhau, nhưng có một điểm chung là em nào cũng đã được nghe giọng chị Hướng Dương kể truyện. Tập tễnh trên đôi chân nhựa, Dương đến từng bàn choàng tay trên vai các em. “Chào các em, các em biết ai không?”. Chỉ cần chị cất tiếng , những đứa trẻ mù đã đồng thanh nói: “Chị Hướng Dương”. Đứa này bảo: “Em nghe chị đọc chuyện hay lắm”, đứa kia nói: “Giọng chị rất ấm”. Một học sinh khác thưa: “Cô ơi, ngày nào em cũng nghe cô nói. Cô đã giúp em nhìn thấy ánh sáng cuộc đời”. Chị Dương rơi nước mắt bởi cảm nhận được tình yêu dành cho các em đã được đáp lại bằng vô vàn tình yêu các em dành cho chị.

Công việc hằng ngày của “cô giáo sách nói” bắt đầu từ 8h sáng đến tận đêm khuya. Trong căn phòng thu chật hẹp ở số 5 Đinh Tiên Hoàng (quận 1), Dương hóa thành cô Tấm trong truyện “Tấm Cám”, thành Mỵ Châu trong “chuyện tình Trọng Thủy - Mỵ Châu”, thành nhân vật trong “Anh hùng xạ điêu”… “Mỗi lần thu âm là một lần truyền lửa cho các em về nghị lực sống. Tôi muốn thắp trong tim mỗi em một ánh sáng niềm tin từ trái tim tôi. Thư viện sách nói chính thức hoạt động được 11 năm, phát hành miễn phí ở 54 tỉnh, thành trên toàn quốc với 1.300 đầu sách bằng chất liệu băng MP3, băng catsette. Số người mù trên một triệu người ở mọi lứa tuổi, trẻ em, học sinh, sinh viên và người cao tuổi. Hiện tại chúng tôi đang phát hành trên hai mạng lưới. Sách nói đóng gói chuyển theo đường bưu điện và sách nói điện tử online. Hiện có 25 tình nguyện viên đến làm việc, thu âm, chuyển sách đi các tỉnh thành mỗi ngày”. Hỏi chuyện tình yêu, chị Dương vui cười: “Lúc 25 tuổi, tôi cũng có người yêu. Còn bây giờ, tình yêu lớn nhất của tôi là sách nói, là niềm vui chia sẻ tri thức cho những người mù”.

 

Theo Lao động

 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang