Có hay không chuyện nhà thầu Trung Quốc chậm tiến độ?

author 06:40 08/07/2014

(VietQ.vn) - Trong khi chuyên gia khẳng định hầu hết những dự án nhiêt điện do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận đều chậm tiến độ, thì Bộ Công Thương lại thông tin ngược lại.

Vấn đề tiến độ và chất lượng các dự án EPC (tư vấn, thiết kế - cung cấp thiết bị - xây lắp, vận hành), một lần nữa lại được trên được nêu ra tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương vào chiều 7/7.

90% các dự án tổng thầu EPC rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc?

Trước thông có tới 90% các dự án nhà máy nhiệt điện  tại Việt Nam do Trung Quốc là tổng thầu EPC, câu hỏi đặt ra tại sao các nhà thầu này đa phần có chất lượng thấp, chậm tiến độ mà vẫn liên tiếp trúng thầu?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: “ Chúng tôi chưa có con số cụ thể xong tôi có thể khẳng định là số dự án nhiệt điện có nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC thấp hơn con số 90%.

Mặt khác ông Hải cũng bác bỏ thông tin các dự án nhiệt điện do Trung Quốc trúng thầu chậm tiến độ. “Thực chất, tôi xin khẳng định họ vẫn đang đúng tiến độ", vị Thứ trưởng khẳng định.

Nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn được cho là chậm tiến độ tới 28 tháng

Tuy nhiên, trong một báo cáo trước đây do uỷ ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội công bố cho thấy, tính đến năm 2010, có đến 90% các dự án tổng thầu EPC tại Việt Nam rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc, trong đó có tới 30 dự án trọng điểm quốc gia.

Mới nhất, trong cuộc hội thảo ngày 3/7, ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí VN cũng nêu thực trạng: Không có thị trường, hầu hết các dự án công nghiệp dùng cơ chế chỉ định thầu hoặc cơ chế đấu thầu giá thấp nên đều lọt vào tay các nhà thầu Trung Quốc.

Cụ thể, từ năm 2003 đến 2011, nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC 5/6 dự án hóa chất;   2/2 dự án chế biến khoáng sản;  49/62 dự án xi măng và nhiều dự án giao thông… Riêng nhiệt điện có 16/27 dự án do Trung Quốc làm tổng thầu, chỉ còn 7 dự án không phải nhà thầu Trung Quốc.

Thông tin từ Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, các dự án nhiệt điện do ngành Than và ngành Điện Việt Nam làm chủ đầu tư, Trung Quốc làm tổng thầu, hầu hết đều chậm tiến độ. Các nhà máy nhiệt điện: Sơn Động chậm 24 tháng, Nông Sơn chậm 20 tháng, Cao Ngạn chậm 28 tháng, Cẩm Phả 1 chậm 10 tháng, Cẩm Phả 2 chậm 3 tháng, Hải Phòng 1 và 2 chậm 18 tháng, Quảng Ninh 1, 2 chậm 24 tháng,...

Từ thực trạng trên, TS Phạm Sỹ Thành, chuyên gia kinh tế nhận định mối nguy lớn nhất từ dự án EPC hiện nay là mối nguy đối với an ninh năng lượng.

“Nếu chú ý có thể nhận thấy nhà thầu Trung Quốc nắm các dự án quan trọng trong Tổng sơ đồ điện 6 và Tổng sơ đồ điện 7 của Việt Nam, và hầu hết trong số này đến nay đều chậm tiến độ hoặc bị đội vốn lên rất cao. Nếu có trục trặc gì lớn, như việc nhà thầu Trung Quốc ngừng thi công, thì Việt Nam sẽ thiếu điện.”, ông Thành phân tích.

Chất lượng thấp, nhà thầu Trung Quốc vẫn trúng thầu

Không chỉ chậm tiến độ, ông Nguyễn Văn Thụ cho biết, dự án EPC do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm còn có chất lượng thiết bị không đồng đều, một số thiết bị phụ trợ chất lượng thấp thường bị thay thế.

“ Khi thi công, nhà thầu Trung Quốc thường thay đổi thiết bị so với cam kết ban đầu, thay đổi tiêu chuẩn vật liệu, thay đổi hoặc bổ sung nhà cung cấp. Do đó giá hợp đồng cũng bị đội lên.”, ông Thụ nói.

Lý giải vì sao nhà thầu Trung Quốc liên tiếp trúng thầu các dự án nhiệt điện, ông Lê Tuấn Phong, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng, đó là do chính sách quản lý.

"Theo quy định Luật Đấu thầu của Việt Nam, nhà thầu chào giá thấp sẽ trúng thầu. Và những nhà thầu Trung Quốc thường bỏ thầu với giá thấp nhất nên họ trúng thầu", ông Phong nói.

Thêm vào đó, vấn đề tài chính cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thực trạng trên. Nhiều dự án thực hiện được do nhà thầu Trung Quốc thu xếp tài chính từ nguồn vay Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thụ lại cho rằng, năng lực quản lý của chủ đầu tư kém chính là nguyên nhân khiến nhà thầu Trung Quốc ngày càng dễ tiếp cận dự án EPC.

Theo đó, nhiều chủ đầu tư chọn phương pháp đấu thầu EPC mà ngại trong việc tách các phần công việc để có các gói thầu phù hợp với điều kiện nhà thầu trong nước làm được.

Đặc biệt, năm 2005, trong tình hình cấp bách cho cung cấp điện có cơ chế 1195 hay còn gọi cơ chế nhân đôi (giao cho nhà thầu EPC đã có 1 hợp đồng đang triển khai cho 1 dự án để thực hiện 1 dự án có quy mô và vị trí tương tự với điều kiện thu xếp được vốn) thực chất là chỉ định thầu lại càng làm cho tổng thầu EPC Trung Quốc chiếm nhiều dự án nhiệt điện chạy than ở Việt Nam.

“Công tác kiểm tra giám sát đánh giá năng lực nhà thầu của chủ đầu tư còn yếu. Việc thương thảo và ký kết hợp đồng chưa chặt chẽ, chưa quyết liệt thực hiện các biện pháp chế tài xử lý vi phạm nhà thầu. Đồng thời chưa có chế tài đủ mạnh xử lý nghiêm các chủ đầu tư không quản lý tốt các dự án đầu tư. Vì thế dẫn đến nhà thầu sử dụng 100% thiết bị vật liệu và lao động phổ thông trên các công trường xây dựng. Chủ đầu tư - người được giao quyền sử dụng vốn Nhà nước, nếu có trách nhiệm với xã hội khi tiêu dùng tiền đó thì hoàn toàn có cách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước được tham gia.”, ông Thụ nhận định.

Hoàng Vũ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang