Cơ hội hồi sinh loài bò 900 kg tuyệt chủng cách đây hơn 11.700 năm

author 05:50 16/04/2017

(VietQ.vn) - Ý tưởng hồi sinh một sinh vật cổ đại tuyệt chủng suốt thiên niên kỷ có vẻ bất khả thi, nhưng các nhà khoa học tin chắc điều này có thể trở thành hiện thực trong tương lai gần.

Một nhóm nhà khoa học quốc tế dự định hồi sinh loài bò rừng cổ đại đã tuyệt chủng cách đây hơn 11.700 năm dựa trên ADN lấy từ mẩu xương đuôi còn sót lại.

Các nhà khoa học Nga và Hàn Quốc đang cộng tác trong dự án tham vọng nhằm hồi sinh loài bò rừng thảo nguyên đã tuyệt chủng. Họ lên kế hoạch lấy ADN từ mẩu đuôi bò rừng cổ đại được bảo quản dưới lớp đất đóng băng vĩnh cửu ở Siberia suốt nhiều năm, nhằm nhân bản loài vật này.

Bò rừng thảo nguyên cao hai mét, nặng 900 kg được cho là tuyệt chủng vào đầu thế Toàn Tân, thời kỳ bắt đầu cách đây 11.700 năm, sau khi lang thang khắp các thảo nguyên phía tây và đông châu Âu, Trung Á, Nhật Bản và tây bắc Canada. Tháng 8/2016, một mẩu đuôi bò rừng thảo nguyên được tìm thấy ở Cộng hòa Sakha, thuộc lòng chảo sông Indigirka.

Dù cần tiến hành thêm nhiều kiểm tra để xác định niên đại mẩu đuôi, tiến sĩ Semyon Grigoryev, giám đốc Bảo tàng Voi Ma mút ở Đại học Liên bang Đông Bắc, người đứng đầu dự án, cho rằng mẫu vật có tuổi thọ ít nhất trên 8.000 năm.

 Cơ hội hồi sinh loài bò 900 kg tuyệt chủng cách đây hơn 11.700 năm

Ý tưởng hồi sinh một sinh vật cổ đại tuyệt chủng suốt thiên niên kỷ có vẻ bất khả thi, nhưng các nhà khoa học tin chắc điều này có thể trở thành hiện thực trong tương lai gần. Họ đang tìm cách nhân bản lần đầu tiên bò rừng Canada, sử dụng một con bò cái mang thai hộ. Nếu thành công, nhân bản giữa các loài sẽ được chứng minh là khả thi.

Trước đó, giới khoa học cũng cho rằng đang nắm chắc cơ hội làm sống lại dòng voi ma mút lông xoăn đã biến mất khỏi bề mặt địa cầu cách đây 4.000 năm, thông qua dự án đầy tham vọng trong lĩnh vực công nghệ di truyền.

Trên thực tế, phôi này tồn tại dưới dạng phôi lai, bằng cách lập trình các đặc điểm của voi ma mút vào voi châu Á. Sinh vật này, với một số người gọi là “mammophant”, dự kiến sẽ có bề ngoài như voi châu Á, nhưng bên cạnh đó sẽ xuất hiện các đặc điểm như tai nhỏ, mỡ dưới da dày, lông dài xù xì và máu huyết thích hợp với cái lạnh. Nhóm gien thể hiện những đặc điểm này sẽ được chèn vào ADN voi nhờ vào công cụ điều chỉnh gien.

Lê Cao (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang