Cơ hội rộng mở cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế

author 10:03 23/08/2017

(VietQ.vn) - Mức độ hài hòa về tiêu chuẩn quốc tế khu vực và của Việt Nam đã là trên 47% . Đây là tín hiệu rất tốt để hàng hóa của các doanh nghiệp xuất khẩu ra nước ngoài có nhiều thuận lợi, đáp ứng được những yêu cầu chung theo thông lệ quốc tế.

Sự kiện: Chuỗi hoạt động của APEC Việt Nam 2017

Bắt đầu có hiệu lực từ năm 1995, Hiệp định về các rào cản kỹ thuật đối với thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (TBT) ra đời đã góp phần nâng cao hiệu quả trong việc áp dụng các tiêu chuẩn, kỹ thuật trong xuất nhập khẩu cũng như giải quyết khó khăn do mâu thuẫn giữa các bộ quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước.

Toàn cảnh Hội thảo APEC/SCSC về Tăng cường năng lực nghiệp vụ quản lý theo Hiệp định về Rào cản kỹ thuật đối với Thương mại (WTO/TBT).Ảnh: HTQT 

Tuy vậy, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động, các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp rất nhiều khó khăn và không đủ tiềm lực để thực hiện theo quy định.

Trong khuôn khổ chương trình Hội nghị các quan chức cao cấp lần thứ 3 (SOM 3) và các cuộc họp liên quan tổ chức ở Tp.Hồ Chí Minh, Tiểu ban về Tiêu chuẩn và Hợp chuẩn của APEC (SCSC) đã tổ chức hội thảo Tăng cường năng lực nghiệp vụ quản lý theo Hiệp định TBT trong 2 ngày 21-22/8, ông Devin McDaniels, chuyên gia về thương mại và môi trường của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho rằng, một trong những thách thức của việc thực thi Hiệp định TBT ở các nền kinh tế thành viên APEC là có năng lực, kinh nghiệm thực thi ở nhiều cấp độ khác nhau.

Một số nền kinh tế có kinh nghiệm lâu năm trong việc áp dụng Hiệp định TBT, họ sử dụng rất tốt các quy định này để thiết lập hàng rào kỹ thuật bảo vệ sức khỏe và đời sống cộng đồng.

Trong khi đó, vẫn còn một số nền kinh tế vẫn trong quá trình tiếp cận vấn đề và còn khá mới mẻ.

Theo ông Devin McDaniels, một trong những thách thức của Việt Nam trong lĩnh vực này là việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế.

Đây là những tiêu chuẩn cho sản phẩm để đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Tuy nhiên, để có thể tiếp cận với các thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt có thể sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế để dễ dàng tiếp cận với thị trường.

Kể từ gia nhập WTO 2007, Việt Nam cũng cam kết thực thi toàn bộ các nghĩa vụ của Hiệp định TBT, đồng thời hoàn thiện khung pháp lý về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Theo ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tiêu chuẩn thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng ( Bộ KH&CN), một trong yêu cầu của Hiệp định TBT là hệ thống tiêu chuẩn của Việt Nam phải hài hòa với quốc tế và khu vực.

Sự hài hòa này giúp hàng hóa xuất, nhập khẩu sẽ thuận lợi hơn. Hiện nay, mức tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam là trên 9500.

So với các nền kinh tế khác trên thế giới và trong khu vực thì mức độ hài hòa về tiêu chuẩn của Việt Nam đã là trên 47%.

Đây là tín hiệu rất tốt để hàng hóa của các doanh nghiệp xuất khẩu ra nước ngoài có nhiều thuận lợi, đáp ứng được những yêu cầu chung theo thông lệ quốc tế.

Ông Ngô Văn Nhơn, Viện trưởng Viện Kiểm định và Phát triển chất lượng cũng cho biết, hiện có khoảng 15.000 doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để vượt rào cản Hiệp định TBT và SPS (Hiệp định về các biện pháp kiểm dịch động thực vật của WTO).

Trong thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện khá tốt các Hiệp định này.

Tăng cường năng lực nghiệp vụ quản lý theo Hiệp định về Rào cản kỹ thuật đối với Thương mại(VietQ.vn) - Ngày 21/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo APEC/SCSC về Tăng cường năng lực nghiệp vụ quản lý theo Hiệp định về Rào cản kỹ thuật đối với Thương mại (WTO/TBT).

Uyên Chi

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang