Cơ hội và thách thức của doanh nghiệp KH&CN trước làn sóng của cuộc CMCN4.0

author 19:30 11/08/2017

(VietQ.vn) - Trước làn sóng CMCN4.0, bên cạnh những thuận lợi, doanh nghiệp KH&CN cũng phải đối mặt với những khó khăn và thách thức. Trong đó có việc sản phẩm bị cạnh tranh gay gắt bởi các nước tiên tiến trên thế giới.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Trước làn sóng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN4.0) đang diễn ra hiện nay, công nghệ, tri thức và sáng tạo trở thành yếu tố then chốt quyết định năng lực cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế của quốc gia cũng như của từng doanh nghiệp. Trong chuỗi giá trị của một sản phẩm, khâu gia công có giá trị thấp nhất, giá trị cao nhất nằm ở thượng nguồn (ý tưởng, thương hiệu, kết quả nghiên cứu, quyền sở hữu trí tuệ, thiết kế, cung ứng) và hạ du (phân phối, bán hàng, tiếp thị, dịch vụ hậu mãi). Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) chính là những người có ý tưởng công nghệ mới, có mô hình kinh doanh sáng tạo và chấp nhận rủi ro để đưa những sản phẩm, dịch vụ mới ra thị trường. Hơn nữa, đặc tính tăng trưởng nhanh của các doanh nghiệp KH&CN khiến họ có tiềm năng trở thành các doanh nghiệp mạnh, có giá trị kinh tế lớn chỉ trong một thời gian ngắn, góp phần xây dựng nền kinh tế đất nước trở thành nền kinh tế dựa trên tri thức.

Chia sẻ về cơ hội của doanh nghiệp KH&CN trước làn sóng CMCN4.0, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ Trần Xuân Đích cho biết, doanh nghiệp KH&CN có nhiều thuận lợi trong việc phát triển của doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp KH&CN có nhiều thuận lợi trong việc học tập kinh nghiệm, tiếp thu những thành tựu khoa học công nghệ thế giới phục vụ cho sự phát triển của doanh nghiệp. Đồng thời có nhiều cơ hội nhận chuyển giao các dây chuyền công nghệ, khoa học tiên tiến của thế giới vào từng ngành nghề, lĩnh vực cụ thể ở Việt Nam như: Công nghệ sản xuất ô tô (Nhà máy ô tô Trường Hải tiếp nhận dây chuyền chuyển giao của Hyundai về sản xuất ô tô), công nghệ sản xuất thiết bị di động cầm tay, chip và các sản phẩm viễn thông (Samsung Việt Nam), các công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao (Công nghệ tưới nhỏ giọt theo tiêu chuẩn Israel), công nghệ xây dựng cầu đường và đặc biệt công nghệ thông tin trong các ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng” – ông Đích cho biết.

Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ Trần Xuân Đích

Doanh nghiệp KH&CN hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực công nghệ ưu tiên bao gồm: công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế tạo máy – tự động hóa và công nghệ môi trường. Doanh nghiệp KH&CN chú trọng đầu tư vào hoạt động KH&CN: một số doanh nghiệp thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực để nâng cao chất lượng hoạt động R&D, không ngừng tạo ra các sản phẩm mới đưa ra thị trường (Công ty giống cây trồng Quảng Ninh, Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình, Công ty CP giống cây trồng trung ương,…); một số doanh nghiệp hợp tác với các viện, trường theo cơ chế đặt hàng nghiên cứu; nhiều doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực từ phía đối tác chuyển giao để làm chủ công nghệ. Nhiều doanh nghiệp KH&CN tham gia thực hiện các đề tài, dự án KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Với việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp KH&CN không chỉ tạo ra các sản phẩm mới có chất lượng, có sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập mà còn tạo ra làn sóng khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng được doanh nghiệp KH&CN chú trọng trong việc xây dựng phương án thương mại hóa các sản phẩm KH&CN.

Trong thời kỳ CMCN4.0, doanh nghiệp KH&CN đối mặt với không ít khó khăn và thách thức  

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, doanh nghiệp KH&CN cũng phải đối mặt với những khó khăn và thách thức.

Cụ thể, cuộc CMCN4.0 khiến cho các sản phẩm khoa học và công nghệ của nước ngoài đặc biệt là của các nước tiên tiến như Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước Châu Âu xâm nhập mạnh mẽ vào thị trường trong nước khiến cho sản phẩm của doanh nghiệp KH&CN Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt.

Đặc biệt, nó làm nẩy sinh các vấn đề tranh chấp mới liên quan đến sở hữu trí tuệ, bản quyền, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp – những lĩnh vực mà nước ta đang ở trình độ phát triển rất thấp so với họ. Rất nhiều các sản phẩm KH&CN mới được tạo ra trong nước, được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đánh giá cao, trao tặng các giải thưởng KH&CN nhưng lại không đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại do sự e ngại của người tiêu dùng, công tác truyền thông đến công chúng hạn chế do thiếu kinh phí.

“Điển hình trường hợp dòng sản phẩm từ cây trinh nữ hoàng cung của Công ty Thiên Dược (Bình Dương), sản phẩm lò đốt rác thải y tế công nghệ cao của công ty TNHH Nhiệt công nghiệp Hỏa Tự Long (Bắc Kạn),… Mặc dù đây đều là các sản phẩm KH&CN mới, được các cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN đánh giá cao nhưng đều khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường thương mại hóa” – Đại diện trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ nhấn mạnh.

Cùng với đó, việc đổi mới công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam so với mặt bằng chung của thế giới vẫn còn chậm. Trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới công nghệ bị hạn chế khiến cho các sản phẩm khoa học và công nghệ của doanh nghiệp vẫn bị tụt hậu so với thế giới, làm giảm năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực này.

Huy Hùng 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang