“Cơ hội vàng” của Bộ trưởng Y tế Kim Tiến

author 06:42 15/01/2014

(VietQ.vn) – Không phải những bài viết “định hướng” với các báo ký kết truyền thông, mà chính là những cải cách hợp lòng dân sẽ khẳng định hình ảnh đẹp của Bộ trưởng Y tế.

Người bệnh giữa “ông Bảo hiểm” và “bà Y tế”

Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 13/1 đã chứng kiến những quan niệm trái chiều về Quỹ bảo hiểm y tế về sử dụng kết dư. Người bảo, phải tiết kiệm để chi vào các khoản đầu tư khác, người thì lại cho làm vậy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh…

Bên ngoài phòng họp, trên các giường viện, xưa nay bệnh nhân dường như phải “đứng giữa” hai lực lượng là “ông Bảo hiểm” và “bà Y tế”.

Bộ trưởng Y tế Kim Tiến từng là Viện trưởng viện Pasteur

Bộ trưởng Y tế Kim Tiến từng là Viện trưởng viện Pasteur, TP HCM

 

Ngành Y tế muốn kê nhiều thuốc “xịn” với lỹ lẽ là giúp chữa trị được tốt. Còn “ông Bảo hiểm” lại yêu cầu phải qua nhiều thủ tục, để xem kê đơn đó có lãng phí không, có phải vì “hoa hồng” nên bác sĩ mới viết nhiều loại thuốc đắt tiền?...

Thành ra quyền lợi hai bên xung đột, mà đáng nhẽ phải hài hòa để phục vụ cho những “thượng đế” đã nộp thuế để trả lương cho mình.

Có một hướng cải thiện tình hình. Đó là cần tin học hóa, công khai hóa trên mạng tất cả dịch vụ y tế (trừ những bệnh “tế nhị”). Nghĩa là việc chẩn đoán, đơn thuốc, khẩu phần ăn…của bệnh nhân cần được nhập vào máy tính và post lên cho cả thế giới này đọc được.

Điều đó sẽ giúp “ông Bảo hiểm” giám sát “bà Y tế” có kê thuốc quá tay? Ngược lại, nó sẽ giúp “bà Y tế” chỉ cho nhân dân biết, quỹ bảo hiểm có bao nhiêu tiền trong bất cứ thời gian nào, để có thể chi cho những dịch vụ chất lượng tốt.

Từ xưa tới nay, các dịch vụ như truyền thông, thương mại… đều được công khai. Vậy tại sao những gì viết trong y bạ có liên quan mật thiết đến tính mạng con người, lại không công khai để đông đảo người dân giám sát.

Mặt khác, những dữ liệu đó còn là cơ sở để ngành dược hướng đến sản xuất tập trung, phù hợp với “phổ” bệnh ở Việt Nam và cách chữa trị hiện đại.

Phá hàng rào “trái tuyến – đúng tuyến”

Không chỉ có các cháu mầm non và tiểu học bị “tấm barie” mang tên “trái tuyến” chặn trước cổng trường. Những ông bố, bà mẹ ở tỉnh lẻ giờ đây cũng ái ngại về hình thức khám bảo hiểm y tế “đúng tuyến – trái tuyến”.

“Nhà tôi ngay cạnh bệnh viện mà lại bắt tôi phải cầm thẻ đi đến chỗ khác mới được điều trị là không được. Chúng ta đang hạn chế quyền chữa bệnh của dân bằng cách quy định chữa bệnh trái tuyến. Như thế vi phạm quyền chữa bệnh của dân. Ví dụ tôi có  thẻ bảo hiểm y tế, tôi ra Hà Nội công tác bị ốm thì phải được chữa bệnh ngay ở Hà Nội chứ, sao lại bắt tôi phải vào miền Trung mới được chữa…

Nếu vẫn cứ quy định trái tuyến thì sẽ còn phát sinh tiêu cực, làm giảm y đức.  Nơi nào tốt thì nơi đó được người dân tìm đến; không được phân biệt bệnh viện công, bệnh viện tư; phải để cho bệnh viện tư được thanh toán đầy đủ cho người có thẻ bảo hiểm” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo hôm 13/1.

Đương nhiên, sẽ có luồng ý kiến quan ngại rằng, nếu phá “barie trái tuyến” sẽ gây quá tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương. Nhưng hãy đến các bệnh viện Trung ương ngày nay mà xem, người dân khắp nơi bị bệnh nặng đều muốn điều trị ở những nơi tốt nhất.

Kể cả không có tiền, người nghèo có thể vay mượn anh chị, họ hàng. Bởi họ thừa hiểu, phải chữa khỏi bệnh, phải sống cho khỏe rồi sau này còn nhiều thời gian để trả nợ.

Những người có điều kiện khá hơn thì khám ở hệ tự nguyện. Thế nên, người ta dễ thấy cảnh xếp hàng lấy số từ sáng sớm, ở cả hai “hệ” bảo hiểm và tự nguyện, tại bất kỳ bệnh viện Trung ương nào.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nói về vấn đề này rằng: “Bệnh viện chuyên ngành dù áp dụng các biện pháp vẫn quá tải. Bởi vì người dân đến bệnh viện đó vì có thầy thuốc giỏi, đến đó thì bệnh mới có khả năng chữa được. Sức khỏe là quý nhất, khi có bệnh, nhất là nan y người ta không quản ngại xa xôi.

Nên Chính phủ đã chỉ đạo tới đây có các biện pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình dang dở, xây thêm một số cơ sở các bệnh viện chuyên khoa ở HN, TPHCM”.

Bởi vậy, bên cạnh việc mở rộng và nâng cấp các bệnh viện Trung ương, nên chăng, Bộ Y tế cần mạnh dạn thí điểm “tháo rỡ” quy định “trái tuyến” trong khám chữa bệnh bảo hiểm...

Đó mới chính là những cải cách hợp lòng dân, được báo chí mong đợi; mới viết thêm những câu chuyện đẹp và nhân văn của thầy thuốc Việt Nam, chứ không phải chờ vào các bản hợp đồng truyền thông hay những lời "cấp trên" nhắc nhở, định hướng.

Hoàng Tuân

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang