Có làm nông nghiệp hữu cơ mới thấy thương người nông dân

author 11:09 22/07/2016

(VietQ.vn) - Trong Phiên chợ Xanh - Tử tế, gian hàng nấm Ngọc Thạch nhãn hiệu TanuFresh có nguồn gốc tự nhiên 100% của NIIC luôn tấp nập khách.

 Trần Lê Thùy Trang, Chuyên viên phát triển dự án Trung tâm sáng tạo và ươm tạo doanh nghiệp Đại học Nguyễn Tất Thành( NIIC) chia sẻ, có làm nông nghiệp hữu cơ mới thấy thương người nông dân.

Trong Phiên chợ Xanh - Tử tế, gian hàng nấm Ngọc Thạch nhãn hiệu TanuFresh có nguồn gốc tự nhiên 100% của NIIC luôn tấp nập khách.

Được trồng trên độ cao 1500 mét thuộc vùng núi Langbiang, Lâm Đồng, hành trình của Trần Lê Thùy Trang và bạn bè cô là mô hình rất hữu ích với doanh nghiệp, để đưa khoa học vào thực tiễn và thương mại hóa đến tay người tiêu dùng.

- Đưa sáng tạo công nghệ vào sản xuất, tạo môi trường ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp, NIIC đã mở ra một hướng mới cho nghiên cứu khoa học gắn liền với thực tiễn như thế nào thưa chị?

- NIIC ra đời nhằm giúp cho các bạn trẻ tự tin với ý tưởng của mình. Đối tượng tiếp cận của chúng tôi là các bạn trẻ, sinh viên, những người mới đi làm của TPHCM. Hiện trung tâm đã hỗ trợ được 5 dự án trong các lĩnh vực thực phẩm, công nghệ, dịch vụ online từ các trường đại học.

Mới đây nhất NIIC đã tiếp nhận 10 dự án Doanh nhân tập sự đến từ cuộc thi do Đại học Ngoại thương tổ chức.

Vui nhất là bắt đầu có những dự án các bạn chủ động tìm đến nhờ hỗ trợ như phần mềm giao hàng Simsimi của đại học Hitech, máy cắt xốp của đại học Bách Khoa.

NIIC đã cố vấn để các bạn nhìn ra tiềm năng của ý tưởng, phân loại, tìm đội ngũ chuyên gia ở các ngành phù hợp với ngành nghề của các bạn tùy từng giai đoạn của dự án. Hỗ trợ cả luật sư, bảo hộ sở hữu trí tuệ, truyền thông… nếu cần.

Ngoài ra còn hỗ trợ nơi làm việc cho các bạn với nhiều khoa phòng nghiên cứu, tùy lĩnh vực sẽ được kết nối phòng thí nghiệm với mức phí ưu đãi hoặc miễn phí

- Hiện đã có dự án nào khả thi chưa?

- Chúng tôi có hai chương trình dành cho ươm tạo, thứ nhất là gói ươm mầm khởi nghiệp kéo dài 6 tháng, có những buổi hẹn định kỳ cùng các bạn vạch ra hướng đi, kết hợp với các cố vấn là chủ doanh nghiệp.

Thứ hai là gói vốn mồi, hỗ trợ mỗi dự án trung bình hai chục triệu để hỗ trợ sản phẩm mẫu, kiểm định ý tưởng và khảo sát thị trường.

Nổi bật là dự án chuỗi cửa hàng cá sạch M4S của 5 người bạn ở Bình Thuận. Mục tiêu cuối cùng của các bạn là muốn giải cứu ngư dân.

Trong một chuyến đi ra đảo Phú Quý, các bạn thấy ngư dân mình khổ quá, bị thương lái Đài Loan, Trung Quốc ép giá, đời sống thiếu thốn vô cùng, đánh bắt đưa về chỉ biết bán cho thương lái Trung Quốc.

Ăn cá ở Sài Gòn thì bị ngộ độc, vốn là dân xứ biển, ăn cá quen rồi, các bạn rất đau vì không có cá sạch. Với công nghệ “cá ngủ đông”, dự án xử lý ngay từ khi đánh bắt ngoài biển ở đảo Phú Quý về, bảo đảm cá đến tay người tiêu dùng thơm ngon như vừa đánh bắt.

Hàng từ biển đánh về được sơ chế, thuê kho ngoài đó đưa vào quy trình cấp đông luôn và vận chuyển về đây. Đồng thời các bạn còn cố vấn cho người dân để có mức giá tốt hơn.

Công ty Hoa Thiên Phú đã đầu tư cho dự án hơn 600 triệu vốn ban đầu, nhưng chưa có định hướng sử dụng vốn và kế hoạch phát triển dài hạn, NIIC hỗ trợ giúp kế hoạch tài chính để phân định nguồn vốn, cấu trúc lại nhân sự, lên kế hoạch nhà xưởng…

Hiện sản phẩm cá sạch M4S đã ra thị trường, với cửa hàng đầu tiên ở đường Tân Sơn Hòa, bên hông chợ Phạm Văn Hai. Có cả dịch vụ giao hàng miễn phí tại nhà. Các bạn đang cần gọi vốn thêm để mở kho lạnh, xưởng xử lý hàng trực tiếp ở đảo Phú Quý.

Các bạn trực tiếp thu mua luôn nên mức độ lăn xả của dự án rất cao. Quá trình ra đảo say lên say xuống, có bạn đang học đại học phải tạm ngưng bảo lưu kết quả đại học để toàn tâm toàn ý cho dự án này, bạn đang học đại học trương công đàng hoàng…

- Làm thế nào để có thể tạo nên những cây nấm Ngọc Thạch có nguồn gốc tự nhiên 100% với độ giòn, ngọt và dai hơn rất nhiều so với nấm thông thường?

- Nấm Ngọc Thạch thuộc dòng sò xám, thông thường nếu ở xứ nóng hai tuần ra nấm, nhưng trồng theo phương pháp tự nhiên trong môi trường xứ lạnh ở rừng sâu để hấp thu toàn bộ dưỡng chất từ thiên nhiên thì hai tháng mới ra nấm, thời gian sinh trưởng chậm nên vi chất rất nhiều.

Đây là đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước của TS Nguyễn Thị Lam Giang, Viện nông nghiệp công nghệ cao thuộc Đại học Nguyễn Tất Thành gắn với doanh nghiệp công nghệ Hợp Pháp để triển khai. Phôi nấm làm từ cám gạo, cám bắp và mùn cưa, chỉ sử dụng trong bảy ngày.

Sau khi phôi chín lên màu trắng sẽ cho lên dàn trồng trong nhà để trong rừng nên hấp thu được không khí xứ lạnh. Trước khi cho phôi chín phải vệ sinh nhà trồng bằng những sản phẩm sinh học từ gừng, hành tím, ớt, tỏi… vị nóng ấm, cay nồng sẽ giúp xua đuổi côn trùng đi.

Trại nấm lắp đặt hệ thống tưới phun tự động, nhờ đó nấm ra đều, kiểm soát được thời gian nấm ra, sản lượng từ 1,5 tạ đến 3 tạ nấm/ngày.

- Nhưng tại sao lại đặt tên là TanuFresh?

- TanuFresh viết tắt từ Tasty: Ngon; Nutritious: Bổ dưỡng; Fresh: Tươi mới. Để làm đúng như cam kết, chúng tôi phải vất vả vô cùng. Ngày ngày phải dùng xe chuyên dụng lên vùng trồng trên núi cao, đường đi hiểm trở, heo hút, thời tiết rất lạnh, lúc nào cũng 5 độ C.

Cảm nhận được rất rõ cây nấm lớn lên không hóa chất rất tốt, chỉ cần thời gian nhiều hơn, nhưng bù lại tiết kiệm được rất nhiều tiền mua phân bón. Quan trọng hơn là còn góp phần bảo vệ môi trường sốn, cân bằng sinh thái.

Mùa thu hoạch, chúng tôi dẫn các cửa hàng lên tham quan tận mắt để họ tin tưởng hơn khi bán hàng. Hàng chuyển bằng xe lạnh Thành Bưởi, bảo đảm chiều đi sáng tới, về hết các cửa hàng.

- Khó khăn nhất với chị trong hành trình cây nấm là gì?

- Giai đoạn khó khăn nhất là tìm thị trường cho sản phẩm. Mặc dù có đầy đủ giấy tờ kiểm định, nhưng phải xác định phân khúc khách hàng, tiếp cận khách hàng. Hiện tại mở mỗi quận một cửa hàng. Khó nữa là kiểm soát sản lượng.

Dù đã cài đặt hệ thống nhưng do thời tiết mưa nắng thất thường nên không thể bảo đảm được chất lượng, nếu chỉ cẩn dính mưa một chút sẽ bị hư, bị úng ngay.

Làm nông sản sạch rất cực. Nhà trồng để trong rừng nên trời nắng trời mưa gì là hấp thu hết. Có những bữa khách đặt hàng không có hàng giao vì Lâm Đồng mưa rất lớn, nấm hư hết, phải cho nông dân làm đồ ăn cho gia súc

- Vậy với chị, nông nghiệp sạch nghĩa là gì?

- Sạch là không hóa chất, thuận theo tự nhiên. Làm nông nghiệp hữu cơ là thời nào thức nấy, mùa nào thức nấy, chấp nhận trời mưa sản lượng thấp, trời nắng sản lượng cao.

Thuận theo tự nhiên là trồng đủ tuổi, không hái non, hái già, thiên nhiên cho mình cái gì thì mình lấy cái đó. Được cái người dân trại nấm đều quán triệt tư tưởng này nên đi được từ đầu tới giờ luôn. Sạch không chỉ cho sản phẩm, mà cho môi trường sinh thái xung quanh nữa.

Để bảo đảm môi trường nước xung quanh, chúng tôi có hệ thống xử lý nước từ đầu vào đến đầu ra. Vùng càng thấp thì nhiễm khuẩn càng cao, chúng tôi phải tìm mảnh đất ở trên cao, vậy mà khi đi thử nghiệm nước suối mới biết nước bị nhiễm khuẩn, phải đào giếng riêng để lấy nước sử dụng

- Với riêng mình, chị đã xây dựng một nếp sống sạch như thế nào?

- Rau quả bẩn là thực tế rất đau buồn, nhức nhố. Mỗi lần vào bệnh viện ung bướu thấy những em bé ba bốn tuổi bị mắc bệnh, cũng là do ăn uống. 30% bệnh ưng thư có thể khắc phục được nhờ ăn uống…

Từ khi có con nhỏ, tôi quan tâm nhiều đến thực phẩm, được giao trọng trách này cũng là thực tế để mình làm được gì đó cho cộng đồng.

Làm nông nghiệp hữu cơ mới thương người nông dân. Thuận tự nhiên nên phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, chỉ dùng những gì mẹ thiên nhiên cho mình để cải thiện sản phẩm.

Rất khó khăn để tìm nguồn sản phẩm sạch cho gia đình, nhờ tham gia mạng lưới sạch hữu cơ tôi có thêm nhiều mặt hàng cho gia đình hơn. Tôi sẵn sàng cùng ngồi xuống với các cơ sở sản xuất sạch để đưa ra mức giá phù hợp hơn cho người tiêu dùng có thể mua được.

- Theo chị, làm sao để phong trào sống xanh và dùng sản phẩm sạch trở thành một làn sóng rộng khắp hơn trong xã hội?

- Tôi hy vọng những nông dân trí thức trẻ nhận thấy sự bức thiết về sản phẩm sạch, lập dự án để nuôi dưỡng nhận thức, tình yêu với sản phẩm sạch, để các bạn canh tác.

Các bạn va chạm thực tế để thấy nhu cầu sạch rất cao, thấy được cơ hội trong lĩnh vực này, thấy được niềm tin vào những gì đang học để có cơ sở sử dụng nó. Chỉ cần yêu những gì mình học sẽ làm được điều mình muốn, tạo hiệu ứng cho xã hội

- Với công việc, điều gì chị…sợ nhất?

- Là mất niềm tin, nói mà không làm được. Cam kết không hóa chất hoàn toàn phải làm được điều đó, chỉ cần nghe khách hàng phàn nàn là phải tức tốc giải quyết liền, vì trong lĩnh vực thực phẩm, nếu không làm được như cam kết là có tội với khách hàng.

Bước chân vào lĩnh vực thời gian chưa nhiều, ăn ngủ, nằm bờ nằm bụi với người nông dân cũng có nhiều câu chuyện thực tế thú vị cho mình học hỏi hơn.

- … Còn với cuộc sống cá nhân?

- Sợ nhất là không cân bằng được giữa công việc và gia đình, để làm được điều mình muốn cho cộng đồng, nên niềm tin cũng rất quan trọng. Vợ chồng tin nhau, cha mẹ tin con cái.

Tôi sẽ không thể ngủ được nếu mình thất hứa, không giữ được uy tín với mình, sẽ rất mệt mỏi nếu làm việc gì mà thiếu đi trách nhiệm trọng đó

Kim Yến thực hiện

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang