Có làn sóng chuyển đổi nhà ở thương mại sang xã hội?

author 10:49 10/04/2013

(VietQ.vn) - Tháo gỡ các khó khăn cho thị trường bất động sản (BDS), nâng cao tính thanh khoản cho các dự án đầu tư, các dự án nhà ở thương mại sẽ có cơ hội để được chuyển sang nhà ở xã hội và hưởng các ưu đãi nhiều hơn.

Hà Nội - hàng loạt dự án chờ được chuyển đổi

Hiện nay trên địa bàn thành phố mới có 3 dự án được chấp thuận chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. 3 dự án đó là dự án ở Trung Văn mở rộng tại huyện Từ Liêm của Công ty CPĐTXD Hà Nội. Dự án giai đoạn I khu nhà ở cao tầng đô thị Sông Đà tại 143 Trần Phú (Hà Đông) của Công ty CPĐTXD và PTĐT Sông Đà. Dự án điều chỉnh chức năng và quy mô dự án chung cư AZ Thăng Long – Hà Nội của Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long.

Một trong những dự án của các chủ đầu tư đã được chấp thuận chuyển thành nhà ở xã hội nhưng tiền sử dụng dự án là chậm tiến độ nhiều năm nay
Liệu khi chuyển sang nhà ở xã hội, các chủ đầu tư có đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đảm bảo lợi ích nhà đầu tư? Ảnh minh họa

Ngoài 3 dự án trên, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện cũng có 3 dự án đang được xem xét để được chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Cụ thể là dự án tại 352 đường Giải Phóng của Công ty CP Bách hóa; dự án tại ô đất CT 8 KĐT Nam An Khánh (Hoài Đức) của Công ty CP PTĐT và KCN Sông Đà; dự án tại địa điểm 486 đường Ngọc Hồi của Công ty CP Bách Hóa.

Hiện tại, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã nhận được danh sách 12 dự án khác của các doanh nghiệp, đăng ký xây dựng nhà ở xã hội, chuyển đổi cơ cấu căn hộ và chuyển đổi từ nhà thương mại sang nhà xã hội.

Trong đó có các dự án như xin điều chỉnh có cấu căn hộ tại dự án khu nhà ở cao tầng CT2 – KDT thành phố giao lưu của Công ty CPĐT và XD quốc tế Vigeba tại số 232 Phạm Văn Đồng – Cổ Nhuế (Từ Liêm). Dự án tại lô đất N01 KĐT mới Hạ Đình của Công ty CP XD lắp máy điện nước Hà Nội. Dự án tại ô đất số 14 thuộc KĐT thành phố giao lưu của Công ty CP tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất tại Từ Liêm.

Cùng với các dự án trên, các dự án xin chuyển đổi đất xây dựng nhà cao tầng sang xây dựng nhà ở xã hội ở ô đất N01, N02, N03, N04, N06, HH1, HH2 tại KĐT Đặng Xá II Gia Lâm của Tổng Công ty Viglacera.

Dự án xin chuyển đổi mục tiêu xây dựng nhà ở thu nhập thấp tại ô đất số 01, 05, 06 thuộc dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nhà ở để bán tại xã Trung Văn (Từ Liêm) của Công ty TNHH Nhà nước MTV kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội. Dự án điều chỉnh cơ cấu diện tích căn hộ chuyển đổi mục đích sử dụng nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội tại thôn Viên (xã Cổ Nhuế - Từ Liêm)…

Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, để tinh giảm các thủ tục hành chính, các doanh nhiệp chỉ cần thông tin, đăng ký với Tổ công tác liên ngành của TP. Hà Nội và được tối ta hỗ trợ các thủ tục cũng như hướng dẫn việc chuyển đổi.

Bảo vệ tối đa lợi ích của nhà đầu đầu tư

Trả lời câu hỏi của PV Chất Lượng Việt Nam về việc chuyển đổi như nói trên sẽ được thực hiện theo nguyên tắc thế nào để đảm bảo lợi ích của cả nhà nước, doanh nghiệp và người dân? Ông Nguyễn Quốc Tuấn - PGĐ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, có 3 nguyên tắc cơ bản.

Một là khi chuyển sang nhà ở xã hội chủ đầu tư sẽ được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất. Phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn thiết kế nhà ở xã hội để bán, cho thuê, thuê mua đúng đối tượng theo quy định.

Hai là việc chuyển đổi căn hộ sang nhà ở xã hội phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn quy định, tối thiểu và thực hiện quản lý, khai thác công trình sau khi đầu tư xây dựng.

Không ít dự án nhà ở xã hội thiện còn chậm tiến độ, liên tục trì hoãn thi công. Ảnh minh họa

Ba là đối với dự án đã nộp tiền sử dụng đất sẽ được nhà nước hoàn trả số tiền đã nộp hoặc được khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính.

Thực hiện các nguyên tắc nói trên, các chủ đầu tư phải đảm bảo, căn hộ có diện tích không gian sử dụng tối thiểu, khép kín; không thấp hơn tiêu chuẩn thiết kế nhà ở thương mại theo quy định của pháp luật. Quy định của Luật nhà ở có ghi, căn hộ thương mại có diện tích tối thiểu là 45m2.

Với những dự án chỉ điều chỉnh diện tích căn hộ mà không thay đổi diện tích sàn xây dựng theo quy hoạch đã được phê duyệt thì không phải xem xét phê duyệt lại chỉ tiêu về dân số và không áp dụng về diện tích cơ cấu căn hộ.

“Trường hợp dự án khi điều chỉnh cơ cấu căn hộ mà tổng diện tích sàn căn hộ thay đổi theo tổng diện tích sàn căn hộ theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì phải điều chỉnh quy hoạch 1/500”, ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, sau khi chuyển đổi sang nhà ở xã hội, diện tích căn hộ sẽ dưới 70 m2, giá thành dưới 15 triệu. Khi đáp ứng được điều kiện như vậy chủ đầu tư mới được hưởng các tiêu chí hỗ trợ như giảm thuế, hỗ trợ tiền liên quan đến đất đai.

Với dự án AZ Thăng Long (ở Từ Liêm), dự án này đã huy động vốn của nhà đầu tư và chậm tiến độ thời gian qua, nay được chuyển đổi thành nhà ở xã hội, ông Tuấn cho biết, với những dự án như vậy phải có sự chấp thuận của người góp vốn. Phải thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng. Nếu người dân đã đầu tư thì họ có quyền được biết và được sự chấp nhận của họ.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, việc chuyển đổi như vậy cố gắng đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện nay.

“Trong thời gian qua, nhà ở thương mại nguồn cùng thừa, trong khi đó, nhà ở xã hội hiện nay nhu cầu cần nhiều, ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, việc chuyển đổi đó phải được công khai minh bạch để bất cứ ai liên quan đến dự án đều được thông tin đầy đủ, đảm bảo quyền lợi.

Nếu các doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian về làm các thủ tục, thậm chí là mất các chi phí “lobby” hãy phản ánh trực tiếp với Tổ công tác liên ngành của TP. Hà Nội đặt tại Sở Xây dựng Hà Nội để được giúp đỡ. Các cơ quan truyền thông cần hỗ trợ phản ánh kịp thời những trường hợp “chạy chọt” để được chuyển đổi từ nhà thương mại sang nhà xã hội để cơ quan chức năng kịp thời xử lý.

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang