Có nên bi quan khi thí sinh “sợ” thi tốt nghiệp Sử ?

author 06:58 05/03/2014

(VietQ.vn) – Việc học sinh ít đăng ký thi tốt nghiệp môn Lịch sử liệu có phải là “thảm họa”, khi người ta có thể học cả đời mà không bị nhồi nhét?

Người học Toán đi viết…Sử

GS.TSKH Vũ Minh Giang từng là Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội. Ông nguyên là học sinh chuyên Toán của trường Thái Phiên, Hải Phòng. Sau khi học ĐH ngành Toán, ông lại được phân công dạy môn…Lịch sử.

Nhưng cũng như những người thầy giỏi Toán của mình, GS Vũ Minh Giang vẫn chấp hành sự phân công của tổ chức và tìm được niềm đam mê ở môn khoa học xã hội này.

Có ít thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp lịch sử

Có ít thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp lịch sử, có nên bi quan ?

Nên ngày nay, người ta mới thấy một nhà khoa học thành công, có nhiều ý kiến đánh giá sắc sảo về các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam.

Cũng như GS Vũ Minh Giang, nhiều người học các ngành kỹ thuật, tự nhiên, luật, kinh tế…cũng không phải là những người “vùi đầu” vào các cuốn sách giáo khoa lịch sử thời phổ thông. Nhưng sau này, do yêu thích và muốn tìm hiểu về dân tộc, họ lại tìm hiểu các nguồn thông tin khác và biết đến nhiều chi tiết hơn về các giai đoạn xa xưa của đất nước.

Chương trình “Giai điệu tự hào” của VTV cũng cho người ta một góc nhìn về vị trí thiêng liêng của lịch sử trong tim mỗi người dân đất Việt. Mỗi một năm tháng qua đi, lịch sử lại được thêm những góc nhìn mới. Thế nên, sẽ không quá vô lý khi ai đó đánh giá: học lịch sử là học cả đời và không thể gượng ép.

Nếu tất cả bị ép thi Sử…

Giả sử “kịch bản” của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được thay đổi. Đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt tất cả thi sinh phải thi môn xã hội này.

Rồi thi xong sẽ sao? Sẽ có bao nhiêu thứ đọng lại trong đầu các cô cậu còn trẻ, khi bị bắt học thuộc lòng ngày tháng, số quân giặc mà ta giết chết, số lính Mỹ tham gia trận đánh…

Khi cách dạy và cách ra đề thi còn xơ cứng thì khó khơi dậy được tình yêu chân thành của người học. Lúc đó, lịch sử trở thành môn đáng ghét hơn là đáng yêu.

Phải thay đổi cách viết sử, dạy sử và thi sử. Phải khiến học sinh học môn đó cảm thấy nhẹ nhàng, tự nhiên…

Nhưng đương nhiên, vì nhiều lý do, có những vấn đề trình bày trong môn Sử cần phải tuân theo những quy định, định hướng…phù hợp với  xã hội ta. Bởi thế, yêu cầu có những cuốn sách giáo khoa mà ai cũng thích không hề đơn giản.

Thế nên, nếu ngay mai các em học sinh hầu hết “nói không” với môn Sử, hãy đừng coi đó là thảm họa. Mà hãy lấy đó làm lời nhắc nhở, để công cuộc cải cách lần này cần chạm đến những nguyên lý gốc gác của Giáo dục, để hướng đến học tập suốt đời, dạy cho con người biết cách tìm kiếm và sẻ chia thông tin…

Hoàng Lan

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang