Cổ phần hóa Doanh nghiệp Nhà nước: 'Công việc còn nhiều, thời gian còn ngắn'

author 06:58 29/03/2019

(VietQ.vn) - "Hơn nửa số doanh nghiệp nhà nước phải hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2018 mà chưa xong dồn sang, lại thêm đã hết Quý I nhưng chưa có DNNN nào xong thủ tục cổ phần hoá", ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý tài chính DN chia sẻ.

"Công tác cổ phần hóa năm 2019 đang chịu áp lực lớn khi có tới hơn nửa số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2018 mà chưa xong dồn sang, lại thêm đã hết Quý I nhưng chưa có DNNN nào xong thủ tục cổ phần hóa", ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) chia sẻ tại cuộc họp báo chuyên đề về Kết quả tái cơ cấu, cổ phần hóa của DNNN năm 2018.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý tài chính DN (Bộ Tài chính). 

Năm 2019, cổ phần hóa còn nhiều ‘gian nan’...

Theo công văn số 991/TTg - ĐMDN ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2017 – 2020 cổ phần hóa 127 doanh nghiệp (DN), cụ thể: Năm 2017 cổ phần hóa 44 DN; Năm 2018 cổ phần hóa 64 DN; Năm 2019 cổ phần hóa 18 DN; Năm 2020 cổ phần hóa 01 DN. Nhưng năm 2018, mới có 23 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị DN.

Hiện nay, đã hết Quý I vẫn chưa có phương án cổ phần hóa nào được phê duyệt. Như vậy, trong 9 tháng còn lại, phải cổ phần hóa xong 41 DN từ năm 2018 để lại và 18 DN theo kế hoạch năm 2019 để hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa vào năm 2020. Nhiều đơn vị có số lượng DN phải thực hiện cổ phần hóa lớn nhưng chưa thực hiện theo đúng kế hoạch và chưa báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh tiến độ thực hiện.

Ông Tiến cho hay, Quốc hội rất sát sao với cổ phần hóa, cổ phần hóa và quản lý đất đai gắn liền với nhau, nhưng quản lý đất đai theo luật đất đai lại thuộc quản lý chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương cũng là nơi quy hoạch đất và công bố giá đất tại địa phương, từ đó DN thực hiện các nghĩa vụ về đất và tính đúng, tính đủ giá trị đất đai vào giá trị DN khi cổ phần hóa.

Nếu địa phương đủng đỉnh thì quá trình cổ phần hóa chậm là đúng

Tuy nhiên, với những nguyên nhân gây chậm trễ trong quá trình cổ phần hóa hiện nay, có thể cảm nhận đây là nhiệm vụ tiếp tục thiếu khả thi, trừ khi các địa phương phải thấy được trách nhiệm mà tích cực hơn.

Theo ông Tiến, nguyên nhân đầu tiên của sự chậm trễ được chỉ ra vẫn là do một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc thực hiện. Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu DN, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt.

Nguyên nhân thứ 2 chính là do việc xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa kéo dài. “Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do Ủy ban nhân dân địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các DN phải điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa”.

Trong danh mục cổ phần hóa giai đoạn này có nhiều DN quy mô lớn sở hữu nhiều đất và tình hình tài chính phức tạp, nên việc xử lý các vướng mắc về tài chính đất đai kéo dài làm chậm việc thực hiện cổ phần hóa. Các địa phương chậm công bố quy hoạch sử dụng đất, giá đất thì DN chưa có căn cứ để tính giá trị đất đai vào giá trị DN để tiến hành định giá.

“Tiến độ cổ phẩn hóa bây giờ phụ thuộc nhiều ở chính quyền địa phương. Nếu địa phương đủng đỉnh thì quá trình cổ phần hóa chậm là đúng”, ông Đặng Quyết Tiến cho hay.

Ở nhiều DN đất đai hiện là nhà xưởng, nhưng nếu chỉ định giá hiện tại theo giá trị đất là nhà xưởng, sau này nơi đó trở thành đô thị, xây cao tầng… thì giá trị chênh lệch quá lớn khi đó Nhà nước sẽ bị thiệt lớn. Nên khi chưa rõ quy hoạch, không dám định giá đất vào giá trị DN ngay, vì vậy cứ phải chờ.

Tiến độ thoái vốn nhà nước khỏi DN cũng gặp rất chậm do nhiều khó khăn, lúng túng mà “không thể một sớm một chiều giải quyết được”.

Theo quyết định 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, năm 2018 phải thoái vốn tại 181 DN. Tuy nhiên thực tế, năm 2018, việc thoái vốn mới thực hiện tại 54 DN trong quyết định trên, 3 tháng đầu của năm 2019 đã qua nhưng chưa có DN trong danh sách thực hiện thoái vốn.

Ông Tiến cho biết có những dự án sẵn sàng để bán nhưng không ai mua như Nhà máy giấy Phương Nam đã ba, bốn lần tổ chức đấu giá mà không thành. Có những dự án sẵn sàng có người mua như Nhà máy Thép Thái Nguyên giai đoạn II nhưng do tranh chấp pháp lý với nhà thầu EPC là nhà thầu nước ngoài đến nay chưa giải quyết xong.

Đến nay, cơ sở pháp lý để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn đã đầy đủ. Cơ chế, chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn DNNN đã được sửa đổi, bổ sung, để hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán cổ phần và thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng, đồng thời quan tâm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động.

Việc thực hiện và kết quả thế nào phụ thuộc vào người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, "công việc còn nhiều, thời gian còn ngắn". Theo ông Tiến, năm 2019 phải là năm kỷ cương hành động, và nếu không có biện pháp quyết liệt gắn với trách nhiệm người đứng đầu thì không hoàn thành được kế hoạch.

Hậu cổ phần hóa: Chuyên gia kinh tế băn khoăn DNNN vẫn chưa 'bứt phá'(VietQ.vn) - Quản trị doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa được coi là bài toán khó trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Thanh Minh 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang