Cơ quan quản lý đã có gậy định giá tài sản trí tuệ

author 14:58 13/12/2013

(VietQ.vn) - Thông tư hướng dẫn định giá đối với tài sản trí tuệ (TSTT) sử dụng ngân sách Nhà nước ra đời có thể sẽ tạo ra một bước đột phá mới, có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sở hữu trí tuệ nói chung và việc quản lý TSTT nói riêng.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Ông Phạm Hồng Quất - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết, nội dung tập trung vào việc tìm ra những cơ sở, căn cứ khoa học và thực tiễn để đưa vào Thông tư hướng dẫn định giá tài sản trí tuệ có sử dụng ngân sách Nhà nước, nhằm tạo một hành lang pháp lý cụ thể và đầy đủ, đặc biệt vào thời điểm Luật KH&CN sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2014. Đây được xác định như là một văn bản mang tính then chốt nhằm tháo gỡ những nút thắt, những khó khăn trong việc các cơ quan quản lý tài sản trí tuệ thuộc sở hữu Nhà nước.

Để triển khai việc định giá và thẩm định TSTT một cách hiệu quả nhất thì ngay tại điều 41, 43 trong Luật KH&CN có hai căn cứ pháp lý vô cùng quan trọng nêu rõ nhà nước thống nhất giao quyền sở hữu cho các tổ chức chủ trì hoặc các doanh nghiệp KH&CN có toàn quyền quyết định giá trị hàng hoá đó để đem đi liên doanh, liên kết thành lập các công ty mới.

Trong Thông tư cũng hướng dẫn định giá đối với TSTT sử dụng ngân sách Nhà nước cùng các Nghị định, hướng dẫn sẽ đưa ra các kỹ thuật, những quy trình, thủ tục cụ thể giúp cho các viện, trường, các cơ quan quản lý kết quả  thực hiện việc giao quyền, định giá và thương mại hoá một cách bài bản, thống nhất, tránh thất thoát tài sản Nhà nước, đồng thời, giúp các nhà khoa học có thể khai thác những lợi ích đạt được.

Ông Phạm Hồng Quất cho biết thêm, song song với hai văn bản Nghị định và Thông tư hướng dẫn về vấn đề chuyển giao quyền và định giá, Bộ KH&CN còn có một số chương trình Quốc gia đi kèm và hỗ trợ như Chương trình 68 (Chương trình hỗ trợ phát triển TSTT) sẽ giúp hình thành các văn phòng SHTT tại các viện, các trường.

Bộ KH&CN cũng đã giao cho Cục chủ trì và triển khai Chương trình phát triển thị trường công nghệ mới được Thủ tướng ký quyết định. Chương trình này sẽ giúp hình thành hệ thống tổ chức TLO (Các văn phòng, trung tâm về chuyển giao công nghệ). Đây được xem là nơi tư vấn tốt nhất về thị trường, về đàm phán và định giá các TSTT.

Tuy nhiên, một vấn đề khó khăn mà từ lâu nay vẫn chưa giải quyết được đó là các văn phòng SHTT và các tổ chức TLO mới manh nha hình thành, chứ chưa trở thành một hệ thống và cũng chưa thực sự là những văn phòng có năng lực để hội nhập quốc tế. Hiện có một tổ chức quốc tế gồm hơn 250 trường đại học lớn đã thành lập hiệp hội các văn phòng TLO rất lớn tạo ra các giá trị khổng lồ, nắm trong tay rất nhiều doanh nghiệp lớn. Đáng tiếc là hiện giờ Việt Nam vẫn chưa tham gia tổ chức này. Ông Quất cũng hy vọng, với cú hích về mặt pháp lý cũng như về mặt hỗ trợ kỹ thuật, những tổ chức của Việt Nam sẽ đủ tầm để tham gia sân chơi này.

Và để giải quyết những khó khăn trước mắt về số lượng tổ chức ít, nhưng nhu cầu trên cả nước về xác định, thẩm định TSTT lại khá lớn. Theo ông Quất, Việt Nam sẽ tận dụng tối đa tất cả các doanh nghiệp về thẩm định giá hiện có. Mặc dù hiện nay trên thị trường vẫn quen với thẩm định giá hữu hình nhiều hơn nhưng phần nào, những tổ chức này cũng đã có nghiệp vụ về thẩm định giá tài sản nói chung, trong đó có tài sản vô hình. TSTT là một nhóm loại trong đó và có thể giúp cho các trường ước tính các giá trị cơ bản.

Việc tận dụng các đơn vị sự nghiệp mà chính Bộ KH&CN đã lập ra trước đây như Viện Khoa học SHTT, Viện đánh giá khoa học và định giá công nghệ cũng được xem như một giải pháp tháo gỡ khó khăn. Những đơn vị này sẽ là những đơn vị nòng cốt về phía Bộ KH&CN, còn các Bộ, ngành khác cũng hoàn toàn có thể đặt ra các tổ chức tương tự để hỗ trợ hệ thống quản lý tài sản trí tuệ Nhà nước.

Các chuyên gia đánh giá rất cao việc ban hành thông tư, việc ra đời thông tư đã tháo gỡ được về mặt pháp lý và mặt hệ thống tổ chức thực hiện. Các viện, trường, các nhà khoa học sẽ có nhiều thuận lợi hơn, thu nhập khá hơn nhờ việc được giao quyền cho sở hữu tài sản trí tuệ do chính mình tạo ra. Đồng thời còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các địa phương…

Duy Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang