Cơ sở làm đẹp núp bóng “phòng khám”

author 11:44 06/07/2013

Các chuyên gia đánh giá, nếu như khách hàng làm đẹp bằng các phương pháp làm đẹp “chưa từng có tại Việt Nam” tại các cơ sở thẩm mỹ không được phép tiến hành thì rủi ro về sức khỏe, tính mạng rất cao

 Cơ sở thẩm mỹ nhưng trưng biển “phòng khám”, quảng bá nhiều phương thức làm đẹp chỉ được cho phép tại các cơ sở y tế lớn hoặc chưa được cấp phép tại Việt Nam - hàng loạt sai phạm đã được chỉ ra tại một số cơ sở thẩm mỹ được Thanh tra Sở Y tế Hà Nội phát hiện khi thanh tra đột xuất vào chiều 5.7.

Tại cơ sở Mimi Clinic & Spa (số 31 đường Trích Sài, quận Tây Hồ, Hà Nội) khi đoàn kiểm tra có mặt đã ghi nhận cơ sở này không có bác sĩ. Ngoài ra, theo tiếng Anh, từ “clinic” có nghĩa là phòng khám. Do vậy, theo bà Đặng Thị Hòa - Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, việc cơ sở để dòng chữ “Clinic” là không đúng với phạm vi hành nghề trong giấy phép được cấp. Đây chỉ là cơ sở thẩm mỹ làm đẹp còn phòng khám là lĩnh vực liên quan đến y tế phải được thẩm định cấp phép.

 
Đoàn Thanh tra đang kiểm tra các sản phẩm làm đẹp tại cơ sở thẩm mỹ Mimi

Ngoài ra trên website của cơ sở này có quảng bá phương pháp “Tế bào gốc sống tái tạo làn da”. Trong khi đó phương pháp làm đẹp bằng tế bào gốc chưa được Bộ Y tế Việt Nam cho phép thực hiện. Vì vậy, bà Hòa cho rằng, quảng cáo như vậy là vi phạm. Tuy nhiên, theo đại diện của cơ sở Mimi Clinic & Spa, cơ sở chỉ dùng tế bào gốc… thực vật để làm đẹp.

Tại buổi kiểm tra, đoàn kiểm tra cũng đề nghị cơ sở này cần dỡ bỏ dòng chữ “Clinnic” vì không đúng phạm vi hành nghề. Đoàn kiểm tra đã gặp phải sự phản ứng của nhân viên cơ sở thẩm mỹ. Có người còn nói rằng: “Thanh tra Sở Y tế TP.HCM trước khi kiểm tra bao giờ cũng thông báo trước, việc Hà Nội kiểm tra bất ngờ khiến cơ sở không kịp chuẩn bị!" (???)

Cùng ngày, khi kiểm tra cơ sở Trà Mi Spa & Clinic (171 Mai Hắc Đế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), đoàn kiểm tra cũng đã phát hiện ra nhiều sai phạm. Cơ sở này cũng chỉ được cấp phép làm thẩm mỹ nhưng lại trưng biển “Clinic” - phòng khám. Ngoài ra, cơ sở này cũng vi phạm các quy định về quảng cáo khi giới thiệu thực hiện các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ quá mức cho phép như tạo hình nâng mông, kéo dài dái tai, cũng như thực hiện các liệu trình làm đẹp cao cấp như bổ sung hormone, tăng sinh tế bào và trẻ hóa da, tắm trắng bằng tinh chất nano, ngọc trai, kim cương… Đây là phương pháp làm đẹp chỉ được cấp phép thực hiện ở các cơ sở y tế lớn.

Cơ sở thẩm mỹ trưng biển “phòng khám”.

Theo bà Hòa, trước đó ít ngày, một cơ sở thẩm mỹ ở đường Trần Duy Hưng cũng vi phạm về quảng cáo phương pháp làm đẹp chưa được cho phép ở Việt Nam. Cơ sở này liên tục quảng bá về làm đẹp rõ ràng bằng “tế bào gốc mỡ tự thân” với nội dung: “Ứng dụng thành công công nghệ sử dụng tế bào gốc từ mỡ tự thân của người lớn kết hợp với hệ thống công nghệ máy điện di lạnh đã mang lại nhiều kết quả thẩm mỹ cho nhiều lượt khách hàng”. Cũng không rõ bao nhiêu khách hàng đã “bị lừa” khi làm đẹp bằng công nghệ chưa được phép như vậy.

Bà Hòa cho biết, hiện có một số cơ sở quảng bá về làm chống lão hóa, nâng ngực, làm trắng da bằng tế bào gốc, tuy nhiên việc sử dụng tế bào gốc tự thân để làm đẹp là dịch vụ chưa được phép sử dụng tại Việt Nam. Hiện sử dụng tế bào gốc tự thân mới chỉ được một số cơ sở y tế triển khai trong điều trị bệnh với sự kiểm soát của Bộ Y tế.

Theo các chuyên gia đánh giá, nếu như khách hàng làm đẹp bằng các phương pháp làm đẹp “chưa từng có tại Việt Nam” tại các cơ sở thẩm mỹ không được phép tiến hành thì rủi ro về sức khỏe, tính mạng rất cao. Khách hàng có thể bị dị ứng, sốc phản vệ gây trụy tim mạch khi tiêm các chất lạ vào người ngay quá trình làm đẹp. Trong khi đó, các cơ sở thẩm mỹ đó không phải là cơ sở y tế, không có khả năng can thiệp, cấp cứu kịp thời, sẽ có nguy cơ tử vong.

Diệu Linh/DV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang