Cơ sở nào để xác định hàng hóa được miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu?

author 06:30 16/03/2021

(VietQ.vn) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 18/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Nghị định 18/2021/NĐ-CP bổ sung Điều 29a miễn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo điều ước quốc tế. Cụ thể, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Cơ sở để xác định hàng hóa được miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu gồm: Chủng loại, định lượng hàng hóa được quy định tại điều ước quốc tế; văn bản xác nhận của cơ quan đề xuất ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế, cơ quan quản lý chuyên ngành trong trường hợp điều ước quốc tế không quy định chủng loại, định lượng miễn thuế. Trường hợp cơ quan đề xuất ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế không phải là cơ quan quản lý chuyên ngành thì căn cứ theo văn bản xác nhận của cơ quan đề xuất ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế.

Nghị định quy định thủ tục xác nhận trong trường hợp điều ước quốc tế không quy định chủng loại, định lượng hàng hóa miễn thuế. Cụ thể, tổ chức, cá nhân sử dụng hàng hóa miễn thuế có công văn đề nghị cơ quan đề xuất ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế, cơ quan quản lý chuyên ngành xác nhận chủng loại, định lượng hàng hóa miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Ảnh minh họa 

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được công văn đề nghị, cơ quan đề xuất ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế, cơ quan quản lý chuyên ngành có văn bản xác nhận chủng loại, định lượng hàng hóa miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu gửi tổ chức, cá nhân hoặc có văn bản từ chối trong trường hợp hàng hóa đề nghị miễn thuế không phù hợp với điều ước quốc tế.

Trước khi đăng ký tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu miễn thuế đầu tiên, tổ chức, cá nhân thực hiện thông báo Danh mục hàng hóa miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cho cơ quan hải quan (Danh mục miễn thuế).

Nghị định cũng quy định Hồ sơ thông báo Danh mục miễn thuế; địa điểm thông báo, sửa đổi Danh mục miễn thuế;... Nghị định 18/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/4/2021.

Trước đó, tại Quyết định số 169/QĐ- BTC ngày 18/2/2021, Bộ Tài chính đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu giai đoạn 2021-2023.

Bộ Tài chính đề ra mục tiêu phấn đấu từ năm 2022, triển khai hiệu quả mô hình mới về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; Chuẩn bị các giải pháp, hoạt động triển khai cho giai đoạn 2024-2026 để thống nhất đầu mối kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu là cơ quan hải quan.

Theo đó, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, đơn vị và tổ chức liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để thực hiện các nội dung cải cách của Đề án.

Bảo An

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang