Có thể tước giấy phép cửa hàng bán xăng dầu "bẩn"

author 13:19 21/12/2012

(VietQ.vn) - Theo Điều 3 Nghị định 104/2011/NĐ-CP hành vi vi phạm hành chính về kinh doanh xăng dầu phải chịu hình thức xử phạt: Cảnh cáo; Phạt tiền...

PV Chất lượng Việt Nam có cuộc trao đổi với Chuyên gia pháp lý Lê Cao – Công ty Luật hợp danh FDVN (Đà Nẵng) để làm rõ một số vấn đề về khía cạnh pháp lý về việc kinh doanh, buôn bán và xử lí xăng dầu sai phạm.

Thưa ông, khi xác định được hàng kém chất lượng thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng kém chất lượng phải chịu những chế tài gì theo quy định của pháp luật? 
 
Hiện nay, tùy theo từng loại hành vi vi phạm pháp luật khác nhau như vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa, vi phạm về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, vi phạm về quy định của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng ... thì sẽ có các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể để xử lý, có chế tài điều chỉnh. 
 
Liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, theo Điều 3 Nghị định 104/2011/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/01/2012) thì hành vi vi phạm hành chính về kinh doanh xăng dầu phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây: Cảnh cáo; Phạt tiền.
Lấy mẫu kiểm tra chất lượng xăng dầu
Lấy mẫu kiểm tra chất lượng xăng dầu
 
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính về kinh doanh xăng dầu còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau: Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu; Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
 
Đồng thời, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính về kinh doanh xăng dầu còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra; Thu hồi về ngân sách nhà nước số tiền thu lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm hành chính mà có; Buộc tái chế hoặc tiêu hủy sản phẩm, hàng hóa vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Buộc thực hiện kiểm định và hoàn thành thủ tục phê duyệt mẫu phương tiện đo trong thời hạn quy định ...
 
Trường hợp sản xuất, kinh doanh, lưu hành hàng hóa xăng dầu là hàng giả, hàng kém chất lượng mà có dấu hiệu phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự.
 
Cơ quan nào có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu chất lượng kém, thưa ông? 
 
Liên quan đến việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu thì thẩm quyền xử lý, giải quyết có thể thuộc Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan Quản lý thị trường (Đội trưởng Đội Quản lý thị trường, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường) hoặc cơ quan Công an, Hải quan, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển và Thanh tra chuyên ngành thực hiện trong phạm vi thuộc địa bàn, lĩnh vực quản lý theo thẩm quyền. 

Quy trình, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính như thế nào là kịp thời để tránh việc xác định được hành vi vi phạm nhưng không xử lý khiến người tiêu dùng phải sử dụng xăng dầu kém chất lượng?
 
Về nguyên tắc, mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện kịp thời và phải bị đình chỉ ngay. Việc xử lý vi phạm hành chính phải được tiến hành nhanh chóng, công minh, triệt để; mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật. 
 
Về thủ tục, theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 được sửa đổi, bổ sung năm 2008, thì khi phát hiện vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử lý phải ra lệnh đình chỉ ngay hành vi vi phạm hành chính. 
 
Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản, trừ trường hợp xử phạt theo thủ tục đơn giản (Trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10.000 đồng đến 200.000 đồng thì người có thẩm quyền xử phạt quyết định xử phạt tại chỗ).
 
Trong trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản đó phải được chuyển ngay đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt.
Sự chậm trễ của QLTT Hà Nội đã góp phần giúp cây xăng Tiên Phương tiêu thụ hết số xăng kém chất lượng ra thị trường
QLTT kiểm tra cây xăng dầu
 
Trong trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (như việc xác định được mẫu xăng, dầu không đạt chất lượng về trị số octan và hàm lượng lưu huỳnh theo quy chuẩn hiện hành) thì việc lập biên bản vi phạm hành chính được tiến hành ngay sau khi xác định được người có hành vi vi phạm.
 
Biên bản lập xong phải được giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm một bản; nếu vụ vi phạm vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì người đó phải gửi biên bản đến người có thẩm quyền xử phạt.
 
Thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày, kể từ ngày lập biên bản về vi phạm hành chính. Như vậy, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày lập biên bản, cơ quan có thẩm quyền, ở đây là người có thẩm quyền của cơ quan Quản lý thị trường phải có quyết định xử phạt hành chính đối với doanh nghiệp xăng dầu vi phạm. Chỉ những trường hợp phức tạp, cần thêm chứng cứ, cần thêm thời gian xác minh thì phải gia hạn bằng văn bản.
 
Nếu không lập biên bản xác định vi phạm, không xử phạt trong thời hạn nhưng lại không gia hạn là trái quy định của pháp luật. 
 
Có thể dựa vào lý do doanh nghiệp cho rằng chất lượng xăng dầu của họ tốt mà không xử phạt không?
 
Không. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt hành chính có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính nếu họ cho rằng quyết định đó sai. Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền không thể vì lý do người vi phạm nói chất lượng tốt mà lờ đi kết quả kiểm định mẫu sản phẩm để không có một hình thức xử lý nào cả. 
 
Nếu người có thẩm quyền không chịu xử phạt hành chính, có hành vi bao che, tiếp tay cho sai phạm thì có chịu trách nhiệm pháp lý gì không, thưa ông?
 
Theo Điều 121 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính mà dung túng, bao che, không xử lý hoặc xử lý không kịp thời, không đúng mức ... thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. 
 
Do đó, liên quan đến vấn đề chất lượng xăng dầu rất đáng ngờ thời gian qua khiến người dân chịu những thiệt hại rất lớn như bị hư hỏng phương tiện, có trường hợp cháy xe, hỏng xe từ nguyên nhân xăng dầu thì đó chính là những thiệt hại mà không chỉ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải chịu, mà ngay cả nếu xác định được người, cơ quan có thẩm quyền nào tiếp tay, bao che cho hành vi vi phạm thì cũng phải chịu trách nhiệm đối với hành vi trái luật của họ gây ra.
 
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

Phùng Gia

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang