Coi chừng bệnh viêm não Nhật Bản B vì những biến chứng khó lường

author 13:20 26/09/2017

(VietQ.vn) - Bệnh viêm não Nhật Bản B thường gặp ở trẻ em, gây các phản ứng như sốt cao, tổn thương hệ thần kinh và có thể gây tử vong

Theo báo Sức khỏe và Đời sống, mùa hè đến là điều kiện thời tiết rất thuận lợi cho các loài muỗi phát triển, vì vậy bệnh viêm não Nhật Bản B (VNNBB) rất có khả năng xuất hiện. Bệnh VNNBB do virut Arbo gây ra. Bệnh lây lan giữa người bệnh với người lành hoàn toàn khác với bệnh viêm màng não mủ do vi khuẩn não mô cầu hoặc H. Influenzae hoặc St.pneumoniae... gây ra. Bệnh VNNBB dễ lây lan, tỷ lệ tử vong cao, khi khỏi bệnh có thể để lại di chứng nặng nề.

Biến chứng của viêm não Nhật Bản B có thể gây tử vong. Ảnh minh họa 

Người ta thấy nếu không có muỗi thì sẽ không có bệnh VNNBB, bởi vì mùa hè là mùa thời tiết thuận lợi cho muỗi phát triển mạnh do nhiệt độ thích hợp với các loài muỗi và kèm theo mưa làm cho bọ gậy phát triển nhanh chóng. Thêm vào đó mùa hè nóng nực nên khi nằm ngủ  chủ quan không buông màn, tạo điều kiện cho muỗi dễ dàng đốt người. Môi giới truyền bệnh VNNBB là muỗi Culex. Bệnh VNNBB lây từ vật chủ này sang vật chủ khác và từ người bệnh sang người lành do muỗi Culex hút máu và truyền bệnh. Ở Việt Nam, loài muỗi Culex sinh sản mạnh nhất vào mùa hè, đặc biệt từ tháng 3 đến tháng 7. Muỗi Culex có đặc điểm hoạt động mạnh vào lúc chập tối.

Bệnh VNNBB thường gặp ở trẻ em nhất là trẻ em dưới 10 tuổi bởi vì ở độ tuổi này có sức thụ bệnh cao với bệnh VNNBB  hơn người trưởng thành. Đặc điểm của virut VNNBB là rất có ái lực với tế bào thần kinh, vì vậy mà khi virut vào máu, chúng đến hệ thần kinh và nhân lên mạnh mẽ ở đó gây nên các phản ứng như sốt cao và gây tổn thương hệ thần kinh. Người ta thấy rằng sau khi mắc bệnh VNNBB cơ thể có miễn dịch vững bền vì vậy tiêm chủng vaccin VNNBB là hết sức có lợi cho trẻ.

Thời kỳ ủ bệnh của VNNBB thường kéo dài từ 5 - 7 ngày, sau đó là  thời kỳ khởi phát. Thời kỳ khởi phát xuất hiện các triệu chứng  như viêm long đường hô hấp trên (sổ mũi, viêm họng, nghẹt mũi, ho...) rồi xuất hiện sốt cao đột ngột trên 39 - 40oC kèm theo đau đầu, đặc biệt là ở vùng trán. Có thể có rối loạn tiêu hoá như đau bụng kèm theo đi ngoài phân lỏng, buồn nôn, nôn nhất là ở trẻ nhỏ tuổi. Tính chất nôn là nôn vọt và không lệ thuộc vào bữa ăn (nôn bất kỳ lúc nào). Trẻ bệnh có biểu hiện cứng gáy và tăng trương lực cơ, có thể xuất hiện lú lẫn, mất dần ý thức.

Rùng mình khăn tắm là nơi trú ngụ của hàng triệu vi khuẩn(VietQ.vn) - Các nhà khoa học cho biết, khăn tắm là nơi chứa hàng triệu vi khuẩn bao gồm cả những loại gây hại cho sức khỏe con người.

Tiếp đến là thời kỳ toàn phát. Ở thời kỳ này, các dấu hiệu có ở thời kỳ khởi phát lại tăng lên, đặc biệt là các dấu hiệu thần kinh như cuồng sảng, ảo giác hoặc kích động, tăng trương lực cơ làm cho trẻ bệnh nằm trong tư thế co quắp "kiểu cò súng". Song song với các triệu chứng trên thì co giật cũng có thể xuất hiện hoặc bị bại, liệt cứng. Đối với loại bệnh nặng thì trẻ bệnh có thể u ám lúc ban đầu rồi dần dần đi vào hôn mê. Ngoài ra có các dấu hiệu về thần kinh thực vật tăng lên rõ rệt như vã mồ hôi, rối loạn vận mạch dưới da (da lúc đỏ, lúc tái), rối loạn nhịp thở và tăng tiết dịch ở hệ hô hấp (khi khám phổi nghe thấy ran rít, ran ngáy, ran nổ...). Bước sang tuần thứ 2 các triệu chứng như sốt, triệu chứng thần kinh, tim mạch dần dần giảm (gọi là thời kỳ lui bệnh). Một số trẻ bệnh sau giai đoạn này có thể để lại di chứng bại liệt, liệt chi hoặc liệt các dây thần kinh sọ não hoặc rối loạn sự phối hợp vận động.

Biến chứng trong bệnh VNNBB cũng rất nặng nề như  viêm phổi,  viêm phế quản hoặc viêm phế quản - phổi do bội nhiễm  vi khuẩn bởi sự hỗ trợ hô hấp như thở máy, đặt nội khí quản, thông tiểu... do các dụng cụ y tế không được vô khuẩn tuyệt đối. Người ta cũng có thể gặp một số có di chứng muộn sau một năm trẻ bị bệnh VNNBB hoặc lâu hơn như động kinh, Parkinson. Bệnh VNNBB có tỷ lệ tử vong cao (khoảng từ 20-80%) thường gặp ở những bệnh nhi nặng như có co giật, hôn mê sâu, nằm lâu ngày, suy kiệt...

Mới đây, theo thông tin đăng tải trên báo Tri thức trực tuyến, tại Đắk Lắk vừa có bệnh nhi tử vong do viêm não Nhật Bản B. Trước đó, ngày 25/8, cháu Y Phi có biểu hiện sốt, co giật và được người nhà đưa đi kiểm tra tại một phòng khám tư nhưng bệnh không giảm.

Trưa hôm sau, gia đình đưa cháu đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk điều trị trong tình trạng lơ mơ, đồng tử 2 mm, cổ cứng, mạch 120 lần/phút. Đến ngày 19/9, cháu Y Phi tử vong. Bệnh nhi được xác định tử vong do chưa tiêm phòng vắc xin viêm não Nhật Bản B.

Do diễn biến của bệnh phức tạp và dễ bị nhầm với các bệnh lý thông thường khác nên hầu hết bệnh nhân đến viện khi bệnh đã nặng, xuất hiện nhiều biến chứng. Khi thấy trẻ có biểu hiện bệnh lý nghi ngờ cần đưa đến bệnh viện để được chăm sóc kĩ hơn. Hơn nữa, hiện nay ở Việt Nam cũng như trên thế giới chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp suy nhất là tiêm phòng và phát hiện bệnh sớm để điều trị.

Minh Châu (TH)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang