Còn bao nhiêu quan chức có "kho báu bí mật"?

author 15:42 04/09/2014

"Không chỉ có mấy vị như vừa qua bị lộ tài sản, chắc chắn là còn không ít những ông có những khoản tiền lớn, những khối tài sản to. Mà những loại tài sản như thế thường là bất minh"- Đó là nhận định của TS. Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội xung quanh những vụ quan chức bị trộm "viếng thăm" lộ ra khối tiền tỉ.

Kẻ trộm, kẻ cướp, họ cũng "tư duy" lắm!

Thời gian vừa qua có rất nhiều vụ việc quan chức lộ khối tài sản khủng trị giá hàng chục, hàng trăm cây vàng, hàng tỉ đồng hay vài chục ngàn USD... khi trộm "ghé thăm". Dư luận có dịp "truy xét" về nguồn gốc của số của cải đó và đặt trong mối quan hệ với nạn tham nhũng. Ông suy nghĩ sao về vấn đề này?

Phòng, chống tham nhũng là vấn đề đã được nói khá mạnh mẽ từ  sau Đại hội VI của Đảng, tức là đã gần 1/3 thế kỷ. Nhưng điều khiến nhiều người băn khoăn là nói lâu như thế, nói nhiều như thế mà tại sao nó vẫn phát triển với quy mô rộng, và ngày càng  tinh vi, thậm chí là ma quái hơn. Hiện nay, không phải chỉ cán bộ có chức tước mới tham nhũng, mà ai đó có quyền trong một công đoạn nào đó của quy trình hành chính là có thể tham nhũng. Vì thế mới xuất hiện thuật ngữ "tham nhũng vặt". Người dân tiến hành một thủ tục gì đó ở xã, phường là đã có thể phải chi tiền rồi.

Trong một cuộc hội thảo cách đây không lâu có một vị đại biểu báo cáo rằng: Một lãnh đạo xã bị thi hành kỷ luật bớt xén lương thực, tiền cứu đói của dân sau lũ lụt. ông ta nói thẳng thừng rằng, chúng tôi nhặt mấy hạt gạo rơi vãi, vài ba đồng bạc lẻ, bõ bèn gì đâu. Các anh ở trên ký cho nhau một chữ ký, lập tức có vài suất đất, có vài nền nhà, có vài dự án, và có tiền tỉ, thậm chí hàng chục tỉ ngay. Các anh "xử" thì chúng tôi phải chịu thôi, còn các anh có mấy ai bị sờ gáy đâu. Có thể thấy ngay ý tứ của vị quan xã ấy là cấp bé thì chỉ ăn được miếng bé thế thôi. Nhưng đau lòng là ở chỗ, "cấp dưới học cấp trên", trên ăn được thì dưới cũng tìm cách ăn.

Thế cho nên dư luận đặt nghi vấn nhiều ông lãnh đạo các cấp có thu nhập lớn mà trong đó không phải là không có các món thu nhập từ tham nhũng. Những ông sếp bị mất của ở nhà hoặc mất ở cơ quan thì chắc là đã bị kẻ trộm theo dõi, rình mò rồi. Kẻ trộm, kẻ cướp, nó cũng "tư duy" lắm, trước hết nó nhắm vào những sếp lớn, các sếp có khả năng cao là có tiền ở nhà hay tại cơ quan, tức là bọn chúng để mắt tới những nơi mà chúng cho là "mỏ tiền", "mỏ tài sản" trước.

Người dân nghĩ rằng, số tiền quan chức mất lớn như thế thì chỉ có thể là do tham nhũng mà có. Ông nghĩ sao về cách suy luận này?

Như trên tôi đã nói, họ có cơ sở để nghi ngờ điều đó. Có ý kiến cho rằng, ai giàu lên thì mừng cho người đó. Nhưng điều quan trọng là giàu lên bằng cách nào mới là vấn đề. Việc kẻ trộm mới moi một chỗ thôi đã có mấy chục cây vàng hay hàng tỉ đồng? Số tiền ấy làm cách nào mà có? Người dân họ có quyền suy đoán, đó là chuyện bình thường.

Việc kê khai tài sản vẫn còn hình thức?

Có ý kiến cho rằng, việc kê khai tài sản của cán bộ các cấp hiện nay chưa hiệu quả, vấn đề kê khai chỉ mang tính hình thức?

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2007 và 2012 có những mâu thuẫn khá rõ. Điều 6 và Điều 8 quy định "Công dân có quyền phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng...". Thế nhưng, đến khi công khai tài sản thì Điều 46a lại quy định "Bản kê khai tài sản của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó làm việc", nghĩa là chưa công khai ở nơi cư trú! Việc không công khai bảng kê khai tài sản ở nơi cư trú thì người dân làm sao có thể thực hiện được Điều 6, Điều 8 nói trên trong khi chúng ta coi nhân dân là tai là mắt của chính quyền. Việc nhân dân không biết quan chức kê khai tài sản như thế nào thì ai đó tham nhũng cứ ung dung đi trên "đại lộ" chứ chẳng phải hớt hải chạy trốn vào những con hẻm, vào ngõ ngách. Nếu chỉ mấy anh chị em cơ quan nơi công tác biết với nhau thì mãi mãi vẫn chỉ là hình thức. Vì trong cơ quan thì có lãnh đạo và bị lãnh đạo, có thể có trường hợp biết đấy nhưng chưa hẳn đã nói ra, bởi trên dưới có nhiều tình tiết tế nhị, nhạy cảm.

Được biết có người phát biểu, bây giờ một người có thể có nhiều nơi ở thì công khai ở nơi nào? Bản thân câu hỏi đó đã manh nha có điều gì bất ổn rồi; anh đang kêu Nhà nước trả lương không đủ sống, làm sao có nhiều nhà ở thế? Thực ra, nếu là người minh bạch, không có gì mắc mớ thì chỉ 30 phút hoặc nhiều lắm là một ngày họ sẽ kê khai xong. Còn ai đó nhiều đất đai, nhiều nhà ở, nhiều tiền bạc, tài sản lớn mà không rõ nguồn gốc, ắt phải vắt óc xem gán cho ai đứng tên khu đất nào, ai đứng tên căn nhà nào, ai làm sổ "tiết kiệm" gửi quỹ tín dụng hay ngân hàng nào là "hợp lý", thiên hạ chấp nhận được...

Vậy theo ông, việc cần làm nhất hiện nay là gì? Công khai, minh bạch như thế nào?

Tôi nghĩ không kiểm soát được thu nhập thì khó có hy vọng phòng, chống được tham nhũng. Chúng ta vẫn trong tình trạng "nói nhiều làm ít". Một việc tôi cho là hữu hiệu là hạn chế đến mức tối đa việc giao dịch, thanh toán, chi tiêu bằng tiền mặt. Không ít cơ quan, đơn vị đã từng mang cả ô tô đi nhận tiền, có lực lượng áp tải hùng hậu, thế mà vẫn có trường hợp bị cướp. Hoặc có đoàn công tác xách hàng túi du lịch bự tiền mặt công cán khắp vùng... Tôi có cảm nhận, một số người trong công việc có quan hệ đến tiền bạc, miệng thì nói phải giao dịch trên tài khoản, nhưng trong đầu thì chỉ muốn chi tiêu bằng tiền, tay trao tay.

Hiện nay, ở một số cơ quan, đơn vị, kế toán không còn thực hiện được chức năng giám đốc tài chính, mà biến thành người ghi chép  chi tiêu công quỹ của các sếp và biến tấu thế nào cho "hợp lý" để sếp khỏi phiền lòng; nếu muốn tiếp tục làm việc thì sếp bảo sao phải làm vậy. Có trường hợp chỉ cần một miếng giấy viết tay của sếp là thủ quỹ có thể mở két rút ra tiền tỉ trao cho người có nhiệm vụ sếp giao. Quản lý tài chính như thế nói gì chống tham nhũng!

Xin chân thành cảm ơn ông! 

Theo ĐSPL

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang