Còn bao nhiêu trẻ phải chết vì tai biến tiêm vắcxin nữa?

author 12:51 28/11/2013

(VietQ.vn) - Nói rằng nguy cơ tử vong từ tiêm chủng vắc-xin nằm trong “giới hạn chấp nhận được” là một cách nói của các quan xa rời với công chúng. Cách nói đó còn thể hiện một sự vô cảm đến ngạc nhiên!

Tôi thấy rất khó cảm nhận được loại “ngôn ngữ quan” hay “ngôn ngữ khoa học” này. Nhiều câu hỏi đặt ra: ngưỡng nguy cơ nào là có thể chấp nhận được, ai là người đặt ra cái ngưỡng đó, dựa vào đâu để có cái ngưỡng đó, nó có ý nghĩa gì với những gia đình có con tử vong, v.v.

Tiêm vắc xin nào an toàn

Tiêm vắc xin nào an toàn cho trẻ ?

Khái niệm nguy cơ có thể chấp nhận được – hay acceptable risk (AR) – đã từng gây ra nhiều tranh cãi. Bởi vì không một can thiệp nào là an toàn tuyệt đối, nên người ta nghĩ đến cân bằng giữa lợi và hại. Khái niệm AR phát biểu rằng nếu can thiệp đem lại lợi ích cho nhiều người nhưng gây tác hại cho một thiểu số nhỏ thì vẫn có thể xem là chấp nhận được...

Ngưỡng nguy cơ cao cỡ nào là có thể chấp nhận được? Một nguy cơ tử vong 1/10 hay 1/100,000 là có thể chấp nhận được? Các quan chức y tế không cho chúng ta biết. Tôi cho rằng đã nói đến tử vong cho một cá nhân thì không có ngưỡng nguy cơ nào là chấp nhận được cả. Nói như thế là vô cảm trước hàng chục cái chết của trẻ em. Đối với các quan chức nguy cơ 1/100,000 có thể là nhỏ, nhưng đối với một gia đình thì mỗi cái chết là một thảm trạng.

Trong mỗi tình huống đơn giản, có 2 đối tượng liên quan đến một quyết định: người ra quyết định (tạm gọi là A) và người trực tiếp bị chi phối bởi quyết định (tạm gọi là B ). A có thể là bác sĩ, bộ trưởng y tế; B đơn giản nhất là bệnh nhân (hoặc trẻ em). Nghiên cứu tâm lí chỉ ra rằng đứng trước một nguy cơ (như tử vong sau khi tiêm vắc-xin), quyết định chấp nhận nguy cơ tùy thuộc vào khoảng cách về liên hệ giữa A và B.

Khoảng cách càng lớn thì A càng mạnh dạn ra quyết định; ngược lại, khoảng cách càng nhỏ thì A rất chùng tay ra quyết định. Chẳng hạn như nếu A là bác sĩ của B thì quyết định dùng vắc-xin sẽ CAO hơn nếu A là phụ huynh của B. Tôi gọi hiện tượng này là “xa mặt cách lòng” . Người đề ra cái ngưỡng nào đó không thấy cái chết của một em bé ở vùng xa xôi, nên họ thấy "có thể chấp nhận được", nhưng nếu họ có con em chết thì họ có thể suy nghĩ khác.

Do đó, nói rằng nguy cơ tử vong từ tiêm chủng vắc-xin nằm trong “giới hạn chấp nhận được” là một cách nói của các quan xa rời với công chúng. Cách nói đó còn thể hiện một sự vô cảm đến ngạc nhiên!

GS Nguyễn Văn Tuấn

(Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Úc)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang